Cán bộ tham nhũng và tha hóa gây bất công xã hội

(PLO) - Thời gian gần đây nổi lên nhiều chuyện liên quan đến đạo đức, lối sống, cách hành xử của cán bộ nhà nước như sở hữu tài sản lớn, phát ngôn hồ đồ, đánh bạc và đánh nhau,... gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

Ngày trước, trong thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc, “tội danh” – hành vi vi phạm đạo đức-  nặng nề và xấu xa nhất đối với cán bộ là “tham ô” và “hủ hóa”. Những ai vướng vào hai thứ này thì dứt khoát nếu không ở tù thì cũng bị loại trừ ra khỏi đội ngũ cán bộ. Theo thời gian, tội “hủ hóa” dần mất đi, tội “tham ô” vẫn còn đó, chẳng những xấu xa trong con mắt người dân mà đối với pháp luật, tội này cũng cực “xấu”: Mức án tối đa là tử hình.

Với sự trừng phạt nặng nề như vậy nên trong các vụ án kinh tế hiện nay, có một số trường hợp có dấu hiệu tham ô hẳn hoi nhưng được truy tố bằng các tội danh khác, có vẻ tương tự nhưng nhẹ hơn, chẳng hạn như “Cố ý làm trái”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” hay “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”,...

Mới đây, điển hình là vụ đại án Ngân hàng Đại dương – OceanBank, Tòa đã trả hồ sơ để bổ sung tội danh này và kết cục một vài bị cáo sừng sỏ đã bị cáo buộc tội “Tham ô”.

Không được suôn sẻ như vụ đại án án này, vụ đại án Huyền Như cũng trả hồ sơ để xem xét bổ sung tội “Tham ô” nhưng 2 lần đều không được vì Viện kiểm sát giữ quan điểm của mình. Nếu Huyền Như bị truy tố về tội danh này thì cục diện của bản án sẽ thay đổi đáng kể, không những bị cáo đối diện với án tử hình mà trách nhiệm bồi thường cho các bị hại sẽ chuyển sang ngân hàng mà Huyền Như công tác. Phải thế chăng mà khó truy tố cô ta tội danh này.

Tình hình sẽ khác nếu phiên xử tới đây, Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh đó. Dẫn ra những trường hợp này để thấy một hiện tượng, đối với cán bộ nhà nước, hình như vẫn có chuyện nương tay trong thực thi pháp luật nhằm giảm nhẹ tội trạng của những người mắc sai phạm.

Tội “hủ hóa” không còn, thay vào đấy là sự “tha hóa trong đạo đức, cách sống của một bộ phận cán bộ”. Biểu hiện rõ nhất của sự tha hóa của cán bộ chính là tham nhũng (trong đó có tội tham ô) nhưng ở đây ý nghĩa của nội hàm tha hóa muốn nhấn mạnh khía cạnh đạo đức và thực hành đạo lý.

Người ta có thể sở hữu tài sản lớn không cần che giấu, khoe mẽ một đời sống xa hoa, tiện nghi đắt tiền, sài sang và cho con du học,... Những thứ mà xưa kia cho là xấu xa, tồi tệ, biểu hiện đời sống hưởng lạc như rượu ngon, gái đẹp thì giờ chẳng có nghĩa lý gì với một số người cả, họ cho đó là sự đương nhiên.

Sự tha hóa có sức cuốn hút lớn và khiến những người “đồng liêu” bênh vực và bao che cho nhau để tiếp tục hưởng lạc. Vì thế, mới xuất hiện các biệt phủ ở khắp nơi, sở hữu cổ phần lớn, chống lưng cho doanh nghiệp, tạo ra hệ thống các công ty “sân sau”, thao túng đời sống kinh tế - xã hội từ đấu thầu đến phân phối dự án.

Tham nhũng và tha hóa của một bộ phận cán bộ gây nên bất công xã hội và suy giảm lòng tin của người dân. Đã xác định tham nhũng là “giặc nội xâm” thì phải thi đua giết giặc, cứu nước là lẽ đương nhiên!