Trả lời câu hỏi liên quan đến tăng tuổi nghỉ hưu nhất là lĩnh vực, ngành nghề nào tăng, ngành nghề nào về hưu trước tuổi, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu nữ lên 60 và nam lên 62 với hai phương án.
Những người làm việc ở môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, các công việc đặc thù có thể nghỉ hưu sớm hơn. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đề xuất tại Kỳ họp thứ 8 khi Quốc hội thảo luận thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi phải có danh mục nhóm ngành nghề nghỉ hưu sớm.
Về vấn đề này, Bộ Lao động thương binh và xã hội đã xin ý kiến các Bộ, ngành về danh mục các các công việc độc hại, nguy hiểm, đồng thời tham vấn các cơ quan đại diện cho người lao động, các tổ chức đại diện người sử dụng lao động vì ngay cả các tổ chức đại diện người lao động cho rằng họ đã nỗ lực cải thiện tình hình lao động, an toàn vệ sinh lao động, các việc nguy hiểm nay được thay thế bằng máy móc.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, hiện có nhiều ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, diễn viên múa, vận động viên thể thao. Bộ lắng nghe ý kiến của các đại biểu nhưng không chỉ Việt Nam có lao động đặc thù. Chính vì vậy cần phân biệt giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu. Trong luật pháp các nước quy định tuổi nghỉ hưu là tuổi tối thiểu để được nhận chế độ hưu trí.
Ví dụ, quy định 60 tuổi nghỉ hưu với nữ và 62 tuổi nghỉ hưu với nam thì người lao động có thể nghỉ hưu bất cứ ở tuổi nào nhưng để đủ điều kiện nhận chế độ hưu trí thì phải đến 60 hoặc 62. "Còn về tuổi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu sẽ được quy định chi tiết hơn tại Luật Bảo hiểm xã hội dự kiến sẽ sửa đổi một số điều vào năm 2020 để phù hợp với Luật Lao động sửa đổi" - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.
Thông tin thêm về kế hoạch từ nay đến tháng 10 khi Quốc hội họp tiếp tục thảo luận và thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, ông Nguyễn Văn Bình – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế cho biết, ngay sau khi Quốc hội kết thúc kỳ họp, Bộ Lao động thương binh và xã hội và Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi họp để thống nhất nội dung một số định hướng lớn để tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu trong kỳ họp vừa qua.
Bên cạnh đó cũng thống nhất nội dung phối hợp giữa Bộ Lao động thương binh và xã hội và Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về các công việc cụ thể từ nay đến khi Quốc hội họp tại Kỳ họp thứ 8. Một trong những công việc ưu tiên là tăng cường công tác thông tin, lấy ý kiến khác nhau của nhiều đối tượng thông qua cách thức khác nhau như tổ chức hội thảo chuyên gia, chuyên sâu và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.