Càng về cuối năm, nhu cầu sử dụng rau củ quả càng tăng mạnh. Trong khi vào mùa đông, các loại rau màu thường sinh trưởng chậm, thậm chí khi có sương muối, rét đậm thì còn bị chết hàng loạt nên để đảm bảo đủ rau xanh cho thị trường và cũng tranh thủ kiếm lời, nhiều nông dân đã âm thầm sử dụng các loại “thuốc tăng phọt” độc hại để làm cho rau mau lớn, không cần quan tâm sức khỏe của người tiêu dùng.
“Bơm thuốc” cho rau
Các vựa rau ở ngoại thành Hà Nội như Tây Tựu, La Cả, La Tinh, Thịnh Liệt, Vân Canh… người trồng rau vẫn đông nghịt. bên cạnh những ruộng rau xanh nõn nà hay dọc các bờ mương, đầu thửa ruộng, đâu cũng la liệt vỏ, bao bì các loại “thuốc tăng trưởng”, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ dạng vỉ, lọ nhỏ. Trong đó, có loại đề “cho rau tươi màu, mau lớn”, “đẹp như mơ, hiệu quả bất ngờ”, “quả chín đều” bằng tiếng Việt. Lại có những loại hoàn toàn bằng chữ Trung Quốc...
Người làng Đại Mỗ (Từ Liêm-Hà Nội), bên cạnh trồng đào bán tết, họ còn tranh thủ trồng rau cải. Chị Mỹ, một chủ trồng rau cho biết, hiện đang là chính vụ rau cải nhưng không “bơm thuốc” thì sẽ bị bọ nhảy đá nát hết rau. Chị kể, càng về cuối năm, sức tiêu thụ rau càng mạnh. Thậm chí trồng ra bao nhiêu cũng không đủ bán. “Nhưng bây giờ sâu bọ nhiều. Một mặt phải bón thật nhiều phân đạm. Mặt khác mình phải sử dụng thuốc để kích thích rau vọt lên. Bọ nhảy, sâu bọ cũng không thể ăn kịp được”, chị nói.
Lần xuống cánh đồng rau muống nằm bên dưới, nơi một phụ nữ đang đeo găng tay, bịt khăn kín mặt, đeo bình thuốc ở sau lưng, phun mù mịt xuống thửa ruộng. Ở đầu bờ, có một đống vỉ thuốc vừa bóc vỏ. Chúng tôi hỏi là thuốc gì, chị lấp lửng rằng đó là… thuốc trừ rệp.
Làng La Cả (Hà Đông), nơi chuyên trồng rau muống bán cho nội thành Hà Nội. Đi trên đường làng đã gặp những ruộng rau muống xanh nõn nà như mùa hè mà không hề có dấu hiệu của rau trái vụ. Điều đó chứng tỏ rau bị “bơm thuốc”.
Một nông dân giấu tên cho biết, loại thuốc kích thích này hoạt tính mạnh, chỉ dùng trên rau muống, rau bí, rau cần... và thường được người nông dân gọi với tên thuốc tăng phọt của Trung Quốc, có giá bán 5.000 đồng/gói. Mỗi lần dùng, họ pha vào nước rồi phun lên rau.
Cơ quan chức năng thờ ơ?
“Thuốc tăng trưởng” là một cách gọi khác của các loại thuốc kích thích độc hại. Ông Bùi Sĩ Doanh, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, thuốc kích thích tăng trưởng làm giảm quá trình phân chia tế bào, kéo dài tế bào và tăng hormon sinh trưởng. Nếu dùng quá nhiều, sẽ làm tăng quá trình không bào hóa.
Ông khẳng định, tất cả các loại thuốc kích thích tăng trưởng (trong danh mục hay ngoài danh mục cho phép) đều có chứa hàm lượng Giberellic acid- là hoạt chất độc loại 3, gây độc qua miệng chuột và da thỏ là 5.000 mg/kg trọng lượng. Nghĩa là khi vào cơ thể quá liều đều có thể gây độc.
Còn theo ông Vương Trường Giang - Trưởng phòng Quản lý thuốc bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) thì nếu sử dụng Gibberellic acid quá liều ghi trên nhãn là sai. Nếu tồn dư trong rau quả vượt ngưỡng cho phép là vô cùng độc hại. Thuốc tăng trưởng đã ngấm vào tế bào cây thì mọi biện pháp rửa đều không thể loại bỏ được ra khỏi rau, củ.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay có hai luồng thuốc kích thích trên rau quả. Một loại đã được Bộ NN-PTNT cho phép sử dụng, chủ yếu là do các doanh nghiệp ở trong nước sản xuất, với ngưỡng có thể chấp nhận và chỉ mang tính hỗ trợ sinh trưởng.
Tuy nhiên, thường do giá thành cao nên nông dân không sử dụng. Loại thứ hai là thuốc ngoài luồng, được nhập lậu từ Trung Quốc về qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Bao bì, nhãn mác hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc. Nông dân cũng không đọc, không hiểu được tên của chúng, chỉ được “truyền lại” là “thần dược” của rau muống, rau cải, cà chua… nên cứ "vô tư" phun, tưới cho thật đậm để rau củ quả mau lớn như thổi, để họ có lời.
Mỗi lần dư luận rộ lên chuyện có hóa chất, thuốc tăng phọt trên rau củ thì các cơ quan chức năng thuộc Cục Bảo vệ thực vật và Bộ Y tế lại vào cuộc, bằng việc thu thập một vài mẫu rau mang về kiểm tra. Rồi sau đó lại đơn phương thông tin rằng “không phát hiện có hóa chất trong các mẫu rau thu được”. Trong khi không hề có đoàn thanh tra, kiểm tra nào trên đồng ruộng để bắt quả tang việc sử dụng hóa chất cấm.
Bản thân các chủ đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cũng khẳng định, ít khi gặp đoàn thanh tra về kiểm tra cửa hàng của họ. Còn ông Trịnh Công Toản- Chánh Thanh tra Cục Bảo vệ thực vật thì cho biết, việc thanh kiểm tra hiện đang bị đình trệ do Luật Thanh tra mới quy định không có lực lượng thanh tra thuộc cục, tổng cục. Do đó, việc thanh tra chuyên ngành đối với thị trường rau củ quả dịp cuối năm gặp khó khăn.
Trường Lưu