Cẩn thận kẻo "rơi vào bẫy" xe bắt khách dọc đường dịp Tết

(PLO) - Theo nhận định của các bến xe, dịp Tết Dương lịch nghỉ một ngày vào giữa tuần, lại gần kề với Tết Nguyên đán nên nhu cầu đi lại của người dân chỉ bằng những ngày cuối tuần. Tết Nguyên đán mới là dịp gây “khó thở” cho quản lý bến xe và cả hành khách.
Còn 40.000 vé tàu Tết
Tại các bến xe, nhà ga sẽ không có sự đột biến đi lại vào dịp Tết Dương lịch. Thông thường, đối tượng di chuyển dịp này đa phần chỉ có người lao động tự do về quê sớm để đón Tết Nguyên đán, nhưng giữa lúc các dự án bất động sản đóng băng, lượng công nhân đổ về thành phố tìm việc giảm nên năm nay bến xe sẽ vắng hơn. 
Các bến xe, nhà ga sẽ tập trung sức lực phục vụ cho những ngày cao điểm dịp Tết Nguyên đán. Ngày cao điểm sẽ diễn ra vào 2 đợt.  Đợt 1 từ chiều thứ sáu, ngày thứ bảy (24, 25 tháng Chạp), là lúc sinh viên kết thúc thi học kỳ và được nghỉ Tết. Đợt 2 vào ngày 29, 30/01 (29, 30 Tết), ngày bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên những người phải đi làm sẽ về quê. 
Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội dự kiến lượng khách qua bến trong thời gian này sẽ tăng 30 - 50% so với ngày thường. Lượng xe đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách vì ngày thường các phương tiện vận tải trên các bến chỉ hoạt động khoảng 50% công suất. 
Tuy nhiên, đối với một số tuyến như: Thanh Hóa, Thái Bình, Vinh, Quảng Ninh… sẽ có thể xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ vào từng thời điểm nhưng lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường vẫn sẽ vận chuyển hết khách trong ngày. 
Trong thời gian trước Tết, lượng khách đông ở các tuyến đường ngắn. Sau Tết, khách tăng mạnh trên các tuyến dài như: Sài Gòn, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột… và tập trung chủ yếu tại Bến xe Giáp Bát. Chính vì vậy, Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội yêu cầu các đơn vị vận tải bố trí phương tiện ngay cả khi có yêu cầu phát sinh. 
Lãnh đạo ga Hà Nội cho biết, trong ngày 30 và mùng 1 Tết, trên các tuyến sẽ giảm bớt một số đôi tàu khách nhưng vẫn đảm bảo ít nhất mỗi tuyến một đôi phục vụ khách đi chúc Tết. Từ ngày mồng 2, trên các tuyến chạy lại bình thường. 
Để tránh việc đầu cơ vé, nhà ga quy định hành khách mua vé đi tàu Thống Nhất và mua vé đi tàu địa phương trong thời gian cao điểm chỉ được mua tối đa 4 vé, từ 5-10 vé do Đội trưởng bán vé quyết định, nhiều hơn 10 vé do lãnh đạo ga giải quyết, mua trên 20 vé sẽ bán vé tập thể. Hiện ga Hà Nội còn khoảng 40 ngàn vé tàu Tết chưa bán nhưng chủ yếu còn các giờ đi vào sáng sớm, ghế phụ hoặc giường nằm đắt tiền. Các vé khởi hành vào giờ đẹp, ngày đẹp đã bán hết sạch.
Tránh bị lừa
Cho đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp vận tải nào thông báo tăng giá vé dịp Tết. Nhưng cũng không loại trừ đến sát những ngày cao điểm, các doanh nghiệp sẽ tăng. Theo thông lệ, những dịp này giá vé sẽ tăng một vài ngày, khoảng 25-30%. Ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, Bến xe đã thông báo với các nhà xe phải niêm yết giá trước ngày 15/12 Âm lịch để người dân biết, nếu qua thời điểm này mà không thông báo thì phải giữ nguyên giá cũ. 
Để đảm bảo an toàn cho khách khi ngồi trên xe, các bến xe đặc biệt chú ý việc kiểm tra kỹ hàng hóa, dụng cụ thoát hiểm, bình cứu hỏa trước khi xuất bến. Theo ông Trịnh Hoài Nam - Đội trưởng Đội Kiểm soát bến xe Nước Ngầm, vừa qua tại bến xe này, một nhà xe đã bị khách gửi 70 kg pháo, nhưng may mắn cả nhà xe và quản lý bến phát hiện kịp thời. 
Một khuyến cáo không mới của các bến xe nhưng hành khách cần đặc biệt lưu ý khi đi lại trong dịp Tết, đó là tránh bắt xe dọc đường, trước cửa các bến xe mà cần vào bến mua vé. Quản lý Bến xe Nước Ngầm cho biết, để không bị thu cao hơn giá vé, không bị đuổi xuống dọc đường, hành khách cần mua vé tại các quầy vé trong bến xe, các bến xe luôn cung cấp đủ vé. 
Khi có vé trong tay sẽ đồng nghĩa với việc khách được đảm bảo quyền lợi về chỗ ngồi, không bị thu thêm tiền và khi phát sinh tranh chấp sẽ được bảo vệ quyền lợi. Một số “bẫy” người dân dễ bị lừa khi bắt xe dọc đường đó là bị “cò” kéo lên xe quảng cáo giá rẻ nhưng khi đã “yên vị” ngồi sẽ bị thu cao hơn giá vé quy định; nếu cự cãi dễ bị đuổi xuống khỏi xe bất cứ lúc nào. 
Tuy đã cảnh báo nhiều nhưng Giám đốc Bến xe Giáp Bát thừa nhận người dân vẫn không cảnh giác, luôn đứng dọc đường bắt xe; thậm chí, có vào bến nhưng lại không mua vé mà tìm mọi cách lách qua cửa kiểm soát vé để tìm xe quen. Trong khi đó, dù có đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh về thái độ của nhà xe dọc đường nhưng quản lý các bến xe rất khó xử lý nhà xe vì đã ra khỏi bến là mất sự kiểm soát, khó có bằng chứng sai phạm thuyết phục.

Đọc thêm