Vụ không kích của Mỹ nhắm vào tướng Qasem Soleimani của Iran hồi tháng 1/2020do Mỹ tiến hành gần sân bay Baghdad của Iraqđã đẩy khu vực tới bờ vực một cuộc xung đột nguy hiểm. Căng thẳng bùng phát trở lại vào cuối tháng 11 vừa qua sau vụ nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran là Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát.
Đã xác định được những kẻ ám sát
Ngày 1/1/2021, ông Ebrahim Raisi - Bộ trưởng Tư pháp Iran khẳng định những kẻ giết hại cố Tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) Tướng Qasem Soleimani, sẽ “không được yên ổn trên Trái Đất”.
Đại diện chính quyền Iran cho biết đã sẵn sàng truy tố 48 cá nhân được xác định là “thủ phạm và chủ mưu” trong vụ sát hại tướng Qasem Soleimani một năm trước tại Iraq.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Đại giáo chủ Ali Khamenei trước đó khẳng định việc báo thủ là “chắc chắn và sẽ được tiến hành vào thời điểm thích hợp”.
Theo Hossein Amir Abdollahian, cố vấn đặc biệt cho Chủ tịch Quốc hội Iran về đối ngoại, Tehran đã xác định được kẻ cầm đầu thực hiện vụ ám sát, địa điểm nhóm ám sát thực hiện vụ tấn công và kẻ chuyển thông tin về lộ trình di chuyển của tướng Soleimani cho Mỹ.
“Mọi thủ tục giấy tờ cần thiết để phát lệnh truy tố hình sự đối với những kẻ thực hiện vụ ám sát đã hoàn tất.Các cơ quan tư pháp Iran trong một năm vừa qua đã nỗ lực thu thập tài liệu, chứng cứ ở cả trong và ngoài nước”, ông Abdollahian - người cũng là phát ngôn viên của Ủy ban tổ chức lễ tưởng niệm một năm ngày mất của tướng Soleimani, bày tỏ.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Iran và các quốc gia khác trong khu vực sẽ không lãng quên vụ sát hại tướng Qassem Soleimani cùng cộng sự và sẽ trả đũa vào thời điểm thích hợp.
Tướng Soleimani bị ám sát khiến tình hình trở nên căng thẳng. |
Phát biểu của ông Rouhani được đưa ra tại lễ phát động một số dự án quốc gia của Bộ Năng lượng Iran. Ngày 3/1/2021 sẽ đánh dấu một năm vụ sát hại Tướng Soleimani.Tổng thống Rouhani cho rằng “Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phạm nhiều tội ác và sát hại nhiều người, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ lãng quên 2 trường hợp này”.
Cũng theo ông Rouhani, “người Mỹ cần biết rằng chúng tôi luôn tưởng nhớ sự mất mát này và Iran, cùng các nước khác trong khu vực một ngày nào đó sẽ trả đũa cho vụ sát hại này”.
Ngày 31/12, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã cáo buộc Mỹ kiếm cớ tấn công Iran, đồng thời khẳng định Tehran sẽ phòng vệ và không theo đuổi chiến tranh.
Trên trang Twitter, Ngoại trưởng Zarif nêu rõ: “(Tổng thống) Donald Trump và quân đội đã tiêu tốn hàng tỷ (USD) để đưa (các máy bay) B52 và các đội tàu đến khu vực của chúng ta. Tình báo từ Iraq đã tiết lộ âm mưu kiếm cớ tấn công (của Mỹ). Iran không theo đuổi chiến tranh nhưng sẵn sàng và lập tức bảo vệ người dân, an ninh và các lợi ích sống còn của mình”.
Truyền thông khu vực này cho biết Iran cũng đã thiết lập hệ thống phòng không và thiết bị định vị radar của lực lượng hàng không vũ trụ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), để bảo vệ các cơ sở thiết yếu cho chương trình hạt nhân của Iran khỏi các cuộc tấn công nhằm phá vỡ quá trình làm giàu uranium.Đặc biệt, biện pháp phòng ngừa được triển khai ráo riết ở tỉnh Isfahan, nơi có nhà máy làm giàu uranium Natanz.
Những động thái trái ngược
Các quan chức Lầu Năm Góc gần đây liên tục có những tuyên bố trái ngược nhau về cách ứng xử với Iran tại thời điểm chuẩn bị diễn ra lễ kỷ niệm 1 năm tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bị hạ sát.
Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) thông báo biên đội oanh tạc cơ B-52H đã triển khai tới Trung Đông nhằm răn đe Iran, ngăn nước này tấn công binh sĩ và cơ sở hạ tầng của Mỹ tại Trung Đông trong những ngày tới.
Trong khi đó, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller lại triệt thoái tàu sân bay USS Nimitz ra khỏi khu vực Vịnh Ba Tư (hay còn gọi là Vịnh Péc-xích) ngầm ý giải tỏa căng thẳng tới Tehran.
Cụ thể, trong một quyết định vừa được công bố bởi Quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Christopher Miller, quân đội nước này đã tiến hành rút tàu sân bay duy nhất của mình hiện đang hoạt động thường trực ở Trung Đông về bố trí ở bờ biển phía Tây nước Mỹ.
Tàu sân bay USS Nimitz vốn có căn cứ chính ở Bremerton đã được triển khai tới Trung Đông từ hồi tháng 4/2020 nhẽ ra sẽ rút về nước theo kế hoạch vào trước cuối năm. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 12/2020, kế hoạch rút đã bị hoãn lại do Iran đe dọa trả thù nhân dịp tròn 1 năm ngày tướng Soleimani của họ bị Mỹ sát hại.
Dù rút Tàu sân bay USS Nimitz về nhưng Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) của Mỹ lại xác nhận các máy bay ném bom chiến lược B-52 đã cất cánh từ căn cứ không quân Minot ở bang Bắc Dakota đã bay một mạch thẳng đến Vịnh Péc-xíchnhằm mang theo thông điệp cảnh báo nóng tới Iran.
Hãng thông tấn Fox News cho biết việc các máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã thực hiện chuyến bay dài liên tục trong tới hơn 30 giờ liên nhằm truyền thông điệp cảnh báo Iran khi một quan chức cấp cao của Iran tuyên bố về “những vụ tấn công đa dạng” có thể được tiến hành nhằm chống lại các lợi ích của Mỹ trong khu vực.
CENTCOM cũng tuyên bố “việc triển khai 2 chiến hạm hiện đại cũng mang một thông điệp răn đe cứng rắn với bất cứ ai có ý định gây hại cho người Mỹ hoặc các lợi ích của Mỹ”.
Chiến dịch “răn đe” là một phần trong một chuỗi hành động quy mô lớn hơn của các lực lượng Mỹ ở Vịnh Péc-xích, bao gồm cả việc tàu ngầm hạt nhân USS Georgia đi vào eo biển Hormuz hồi cuối tuần trước. Israel cũng được cho là đã triển khai một tàu ngầm tới hoạt động ở khu vực này.
CENTCOM nhấn mạnh:“Mỹ tiếp tục triển khai các khả năng sẵn sàng chiến đấu tới khu vực chịu trách nhiệm tác chiến của Bộ chỉ huy Trung tâm nhằm đáp trả bất cứ mối đe dọa nào nhằm vào người Mỹ hoặc lợi ích của chúng tôi”.
Những thông điệp trái ngược nhau từ phía Mỹ cho thấy những dấu hiệu khó lường trong thời gian tới đây, khi mà nhiều người cho rằng mức độ đe dọa và nguy cơ xảy ra xung đột với Iran ở mức độ cao nhất...