Căng thẳng từ thực địa tới bàn đàm phán

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trên thực địa, chiến sự giữa Nga và Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Trên bàn đàm phán, hai bên vẫn tiếp tục cuộc thương thảo ngoại giao. Mọi kết cục hiện vẫn bất định.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo khoản viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine, ngày 16/3/2022.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo khoản viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine, ngày 16/3/2022.

Nhưng đối với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), NATO, nhóm G7 và các nước khác thuộc khối phương Tây, định hướng chiến lược chung và chính sách cụ thể đối với Nga cho hiện tại cũng như cho tương lai sau này đều đã được xác định ở các sự kiện lớn vừa qua của phe này: Hội nghị cấp cao của NATO và của nhóm G7, cũng như cuộc gặp giữa EU và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ông Biden là Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự cuộc gặp với lãnh đạo của tất cả các nước thành viên EU. Tất cả những sự kiện quan trọng này của EU, NATO và nhóm G7 cũng như chuyến thăm Ba Lan ngay sau đó của ông Biden đều biểu lộ ra bên ngoài và phát đi thông điệp là phương Tây quyết đấu Nga đến cùng.

Phương Tây hiện rất đoàn kết thống nhất nội bộ trong chiến lược cũng như hành đông đối với Nga, cũng như kiên định chủ trương hậu thuẫn Ukraine đương đầu với Nga về chính trị, tài chính và quân sự.

Bên ngoài không thể không có cảm nhận là khối phương Tây coi chiến sự giữa Nga và Ukraine như thế là cuộc đối địch trực tiếp và sống còn giữa chính khối phương Tây với Nga. Phe này không những muốn Nga thất bại ở Ukraine mà còn từ nay trở đi không thể thách thức và đe dọa về an ninh ở châu Âu.

Với vai trò nổi bật của Mỹ, NATO quyết định tăng cường triển khai quân đội và vũ khí ở các nước thành viên trong vùng láng giềng xung quanh Nga, còn được gọi là ở vùng sườn phía Đông của NATO.

Từ trước đến nay, để tránh bị Nga coi là khiêu khích và đe dọa an ninh, NATO không triển khai quân đội ở các nước thành viên này hoặc nếu có thì cũng chỉ lực lượng nhỏ và theo cơ chế luân phiên chứ không phải đồn trú thường xuyên. Bây giờ, NATO tạo sự đã rồi khi triển khai lực lượng lớn quân đội và vũ khí ở ngay sát biên giới Nga.

Không ít người coi đấy là sự hoàn tất việc NATO mở rộng liên minh về phía Đông và thất bại của Nga vì xưa nay Nga kịch liệt chống NATO triển khai đồn trú quân đội ở vùng biên giới nước Nga. NATO kích hoạt cơ chế phản ứng cho trường hợp xảy ra chiến tranh sinh -hóa học cũng như gia tăng mức độ cảnh báo và răn đe Nga.

Tuy nhiên, NATO vẫn phải khẳng định không trực tiếp tham chiến ở Ukraine và không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine. Cho dù ủng hộ Ukraine và tiếp tục làm găng với Nga, NATO vẫn phải hết sức tránh xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp với Nga ở Ukraine.

Trong khuôn khổ nhóm G7, các thành viên là Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Italy, Canada và Nhật Bản nhất trí tiếp tục gia tăng mức độ quyết liệt trong các biện pháp chính sách trừng phạt và ngăn chặn Nga tiếp cận, sử dụng các nguồn ngoại tệ, cũng như bác bỏ đòi hỏi của Nga buộc các nước khách hàng thuộc diện “thiếu thân thiện” phải thanh toán bằng đồng rúp của Nga khi nhập khẩu khí đốt của Nga. Sự đồng thuận quan điểm ở đây được chủ ý bộc lộ ra bên ngoài rất rõ.

Kết quả đáng kể nhất của cuộc gặp giữa EU và ông Biden là thỏa thuận Mỹ cung ứng khí đốt hoá lỏng giúp EU từng bước dần thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào Nga về cung ứng khí đốt nói riêng và năng lượng nói chung. Cấm vận Nga về xuất khẩu dầu lửa, khí đốt và than đá được phe này chủ trương nhằm làm cạn kiệt một trong những nguồn thu nhập lớn nhất và quan trọng nhất của Nga.

Nhưng không phải thành viên EU và NATO nào ở châu Âu cũng đều đồng tình với chủ trương này vì họ lệ thuộc vào cung ứng năng lượng của Nga và không thể tìm được nguồn cung ứng khác thay thế trong thời gian trước mắt.

Nhìn vào những biểu hiện ra bên ngoài từ các sự kiện nói trên, khối các nước phương Tây tỏ ra đoàn kết thông nhất nội bộ như chưa từng thấy kể từ trước đến nay. Tuy nhiên, trong thực chất thì việc phối hợp hành động để cùng đối phó Nga vẫn chưa được tương xứng.

Các thành viên có lợi ích khác nhau trong quan hệ với Nga và ở chiến sự hiện tại giữa Nga - Ukraine nên vẫn có hành động riêng lẻ. Điều có thể chắc chắn được là mối quan hệ giữa khối này với Nga hiện đã trở nên tồi tệ chưa từng thấy kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh và hai bên rồi đây sẽ phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục.

Đọc thêm