Nhiều người vẫn vô tư dùng TPCN cùng với nhiều loại thuốc mà không hề biết rằng việc dùng TPCN song song với thuốc như vậy nhiều khi là lợi bất cập hại bởi các thành phần trong TPCN có thể tương tác với thuốc điều trị, làm ảnh hưởng tới tác dụng điều trị của thuốc mà người bệnh không hề hay biết.
Sai lầm tai hại khi không thông báo với bác sỹ
Khi Pouya Jamshidi - một bác sỹ nội trú tại trường Đại học Y Weill Cornell – tham gia ca đỡ đẻ đầu tiên - bác sĩ phụ trách đã yêu cầu anh cách ly đứa trẻ mới sinh khỏe mạnh, hồng hào khỏi mẹ. Lý do là bởi vào giữa thai kỳ, mẹ của bé bị bệnh lao. Người mẹ đã bị nhiễm trùng phổi truyền nhiễm từ khi còn ở tuổi thiếu niên và điều đáng ngạc nhiên là căn bệnh đã quay trở lại dù cô đã được cho dùng kháng sinh phòng ngừa và kiểm tra thường xuyên.
Nguyên nhân sau đó được xác định là do một loại TPCN khá phổ biến được gọi là thảo dược St. John’s wort mà người bệnh đã dùng trong quá trình dùng thuốc phòng ngừa. “Vấn đề ở đây là hầu hết mọi người không coi đó là thuốc vì họ không cần đơn thuốc khi muốn mua các loại TPCN như vậy. Do đó, cô ấy đã không nói với chúng tôi về việc đã tự ý dùng loại sản phẩm ấy”, Jamshidi kể lại.
St. John’s wort từng là một trong những loại TPCN phổ biến được bán ở Mỹ. Tuy nhiên, năm 2000, Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã công bố một nghiên cứu cho thấy St. John’s wort có thể hạn chế nghiêm trọng hiệu quả của một số loại thuốc quan trọng - bao gồm kháng sinh, ngừa thai và thuốc kháng retrovi-rus nhằm kiểm soát các bệnh lây nhiễm như HIV - bằng cách tăng tốc độ phá vỡ cấu trúc thuốc trong cơ thể. “Về cơ bản, nó đã chuyển hóa quá mức các loại kháng sinh khiến chúng không có trong cơ thể của cô ấy với liều lượng chính xác”, Jamshidi lý giải.
(Hình minh họa) |
Những phát hiện về St. John’s wort đã khiến Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo các bác sĩ về các phương thuốc thảo dược. Song, điều đó cũng không khiến việc công khai bán hoặc tiêu thụ các sản phẩm này trở nên ít đi. Trong 2 thập kỷ qua, các trung tâm kiểm soát chất độc của Mỹ đã nhận được khoảng 275.000 báo cáo – tức cứ khoảng 24 phút một lần – về những trường hợp người sử dụng có phản ứng xấu với các loại TPCN, mà 1/3 trong số đó là những tin báo về các phương thuốc thảo dược như St. John’s wort.
Một nghiên cứu được Viện Bệnh hiếm Quốc gia Trẻ em của Mỹ tiến hành vào năm 2018 cũng đã nhấn mạnh mối quan tâm về sự an toàn và hiệu quả của TPCN đối với bệnh nhân nhi. Theo khảo sát, có một thực tế phổ biến là các bậc cha mẹ thường cho trẻ mắc hội chứng Down dùng thêm TPCN với hy vọng cải thiện trí thông minh hoặc chức năng của trẻ.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nhi khoa của Mỹ cho thấy gần một nửa trong số 1.167 người được hỏi – tức tương đương với 49% - đã hoặc đang bổ sung TPCN cho con em của họ nhằm nỗ lực cải thiện sức khỏe và sự phát triển trẻ. Theo khảo sát, trung bình, trẻ em nhận được 3 trong số hơn 150 chất bổ sung được báo cáo, với gần 30% trẻ được cho cho dùng thêm TPCN trước ngày sinh nhật đầu tiên của bé.
Theo tác giả chính của nghiên cứu là bà Amy Feldman Lewanda - một nhà di truyền y học tại Viện Bệnh hiếm Quốc gia Trẻ em của Mỹ - kết quả cũng cho thấy một xu hướng đáng lo ngại là gần 20 phần trăm cha mẹ sử dụng TPCN cho con của họ mà không thông báo cho bác sĩ nhi khoa của trẻ. Theo vị tiến sỹ, dù nhóm ng¬hiên cứu hiểu được rằng các bậc cha mẹ cho con dùng TPCN với hy vọng cải thiện kết quả phát triển cho trẻ mắc hội chứng Down nhưng nhiều chất bổ sung này có chứa các thành phần liên quan có thể có tác dụng phụ ở trẻ sơ sinh và trẻ còn quá nhỏ để có thể truyền đạt các triệu chứng mà chúng có thể gặp phải khi dùng thuốc để người lớn biết.
Ngoài ra, các chất bổ sung này không được chứng minh về tính an toàn hoặc hiệu quả, do đó, các gia đình cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc để giúp xác định bất kỳ rủi ro, ảnh hưởng xấu hoặc xung đột với việc điều trị hiện tại của con họ.
Theo kết quả nghiên cứu, các lý do khiến các bậc cha mẹ không thông báo cho bác sĩ nhi khoa về việc sử dụng TPCN cho con rất khác nhau ở mỗi gia đình. Lý do phổ biến nhất được báo cáo là bác sĩ chưa bao giờ hỏi cụ thể về việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ. Mặc dù một số cha mẹ cho biết họ không xem việc sử dụng chất bổ sung là thông tin y tế quan trọng để tiết lộ, những người khác cảm thấy rằng bác sĩ nhi khoa của họ có thể không hiểu biết về các loại chất bổ sung này hoặc có thể yêu cầu cha mẹ loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng những sản phẩm đó ở trẻ.
Trong số những người trả lời nghiên cứu, những người tích cực cung cấp chất bổ sung cho con cái họ, khoảng 87% cho biết cảm thấy chúng có hiệu quả. Khoảng 17% số người được hỏi cho hay con của họ đã gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc, đặc biệt là rối loạn tiêu hóa, khiến họ quyết định không cho con tiếp tục dùng TPCN. Theo các tác giả của nhóm nghiên cứu, nghiên cứu này đưa đến cho các bác sĩ nhi khoa một lời cảnh tỉnh về những gì đang có xu hướng diễn ra trong cộng đồng những trẻ bị hội chứng Down và cuộc đối thoại đang diễn ra trong các nhóm hỗ trợ phụ huynh.
Các tác giả nghiên cứu nói rằng, mục tiêu của việc nghiên cứu là để các bác sĩ nhi khoa và cha mẹ có sự phối hợp với nhau nhằm cung cấp sự chăm sóc tốt nhất có thể cho mọi trẻ em, tránh được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Cẩn trọng cả khả năng quá liều
Năm 2017, nữ diễn viên Gwyneth Paltrow cho ra mắt dòng sản phẩm mới trị giá 90 USD cho 1 tháng sử dụng thông qua công ty chăm sóc sức khỏe gây tranh cãi của cô, Goop. Các sản phẩm đó được quảng cáo là mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như tăng cường năng lượng và thúc đẩy chuyển hóa. Theo đơn vị sản xuất, một loại TPCN phổ biến của hãng là tên “Why Am I So Effing Tired” được bổ sung thêm nhiều thành phần để “giải quyết sự thiếu hụt chất dinh dưỡng-khoáng chất phổ biến nhất hiện nay như vita¬min B, C, D và E, i-ốt, magiê, molypden và nhiều chất khác.
Tuy nhiên, phân tích cho thấy công thức của sản phẩm không dựa trên khoa học nghiêm ngặt. Các gói TPCN bổ sung vitamin này chứa 12,5 milig¬am vitamin B6 – tương đương khoảng 960% mức bổ sung hàng ngày được đề nghị (mặc dù trên nhãn của Goop, tỉ lệ này được liệt kê là 625%) - và các thành phần như chiết xuất hương thảo và củ mài Trung Quốc. Những tác dụng của các thành phần này chưa từng được nghiên cứu ở người và cũng không có mức bổ sung tiêu chuẩn hàng ngày. “Điều khác biệt so với quảng cáo của Goop là các thành phần được các bác sỹ của họ tự ý kết hợp với nhau”, bác sỹ Alejandro Junger cho hay.
Theo Mayo Clinic, vitamin B6 “nhiều khả năng là an toàn” với lượng tiêu thụ hàng ngày được đề nghị là 1,3 miligam cho những người ở độ tuổi 19-50. Nhưng việc dùng quá nhiều TPCN có chứa chất này có thể dẫn tới nhịp tim bất thường, giảm trương lực cơ và hen suyễn nặng hơn. B6 liều cao cũng có thể làm giảm huyết áp, và có thể tương tác với các loại thuốc như Advil, Motrin và những thuốc được kê đơn để điều trị chứng lo âu và Al¬zheimer. “Những người sử dụng bất kỳ loại TPCN nào cũng nên kiểm tra tờ rơi đi kèm và thảo luận với một chuyên gia chăm sóc sức khỏe có trình độ, bao gồm dược sĩ, về các tương tác có thể xảy ra”, Mayo Clinic khuyến cáo.