An toàn thực phẩm vẫn là rào cản lớn cho xuất khẩu

(PLO) - Hôm qua (7/6), tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị “Hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi” nhằm tìm ra giải pháp cho ngành chăn nuôi trong thời gian tới.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đề cập đến tình hình xuất khẩu thịt lợn trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua đợt khủng hoảng giá thịt lợn kéo dài nhiều tháng qua, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Việt Nam đang xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh sang các thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia. Trong đó, có 6 cơ sở giết mổ xuất khẩu sang Hồng Kông và 2 cơ sở xuất khẩu sang Malaysia. Năm 2016, sản lượng thịt lợn xuất khẩu đạt khoảng 11 nghìn tấn, trị giá khoảng 100 triệu đô la. Riêng 5 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu chính ngạch 10.600 tấn thịt lợn sữa, thịt lợn choai đông lạnh, trị giá khoảng 46 triệu đô la.

 Một số đại biểu cho rằng, các sản phẩm của ngành chăn nuôi hoàn toàn có tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là rào cản thương mại của các thị trường cũng như việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm vẫn là hạn chế lớn nhất của ngành chăn nuôi. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp nên sản xuất các sản phẩm đã qua chế biến, muốn vậy phải đầu tư đồng bộ, có kho lạnh trữ hàng, có dây chuyền sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời phải đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi không chỉ tập trung vào 1 sản phẩm để đầu tư dẫn đến cung vượt cầu, “khủng hoảng thịt lợn” như vừa qua. Đối với xuất khẩu động vật sống, các nước nhập khẩu đặt ra những yêu cầu rất khắt khe, vì vậy doanh nghiệp khi đầu tư phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu. Ngoài nỗ lực của Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, doanh nghiệp cần chủ động trong khâu kết nối với các đối tác khi việc đàm phán ký kết được hoàn thành…

Đọc thêm