Nước mắt nghẹn đắng vì phải lụy con cháu
Trong một cuộc điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam năm 2011 cho thấy, mô hình gia đình Việt Nam đang từng bước thay đổi chóng mặt. Cụ thể, nếu năm 1993 có tới 80% người già sống với con cái thì năm 2010, tỷ lệ này chỉ còn 57,2%.
Tỷ lệ người già sống cô đơn cũng tăng từ 3,47% (năm 1993) lên 6,8% (năm 2010). Tương tự, tỷ lệ người già sống với vợ (chồng) tăng từ 9,48 lên 24,84%.
Có một thực tế mà cuộc điều tra này chỉ rõ là, ngay cả khi sống cùng với con cháu, những phận già vẫn thường xuyên phải chịu cảnh cô đơn. Họ sống trong cảnh “mồ côi” một mình, không được chăm sóc, thậm chí bị đe dọa, đánh đập.
Minh chứng rõ nhất là, có đến 30% số người cao tuổi khi được hỏi đều cho biết, bản thân họ buồn và hoàn toàn không biết chia sẻ với ai. Ngoài ra, khoảng 11% thường xuyên bị nói nặng lời, 4% bị từ chối nói chuyện và 1,6% bị đánh đập, đe dọa.
Nhìn vào thống kê này, nhiều ý kiến khác cho rằng, tuổi tác và số lượng người già tăng cao thì tỷ lệ bị cô đơn, ngược đãi cũng tăng theo.
Trường hợp ông Lê Văn T (91 tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội) sinh được 7 người con nhưng vẫn chịu cảnh cô đơn, phải “sống tạm” trong chính căn nhà của mình là một ví dụ. Theo đó, vợ ông T mất sớm, dù chỉ một thân một mình nhưng ông T vẫn cần mẫn làm lụng, suốt nhiều năm “gà trống nuôi con” chăm sóc con cái chu đáo. Đến khi các con đều trưởng thành, có gia đình đề huề, ông bán ngôi nhà và 500m2 đất chia cho 7 con.
Con trai cả ông T cho nhiều hơn vì phải phụng dưỡng và “gánh” thêm trách nhiệm chăm lo bàn thờ tổ tiên. Những người con trai đều được chia nhiều hơn con gái một chút vì con gái ăn lộc nhà chồng. Ông nghĩ như thế là công bằng. Ông chắc rằng đã sống hết lòng vì con cái. Ông yên tâm ở lại gia đình con trai cả vì đã cho phần nhiều nhất.
Thế nhưng, ông T không ngờ rằng bản thân lại phải sống trong sự ghẻ lạnh của con cái. Mỗi ngày, vợ chồng người con cả chỉ nấu duy nhất một bữa cơm chiều, còn lại bỏ mặc ông ở nhà với thùng mì tôm. Đến bữa ăn là thời điểm cả gia đình quây quần thì con lại bận dùng ipad xử lý công việc, lúc lại vin cớ “hẹn đối tác”, bận xem phim… chẳng mấy ngó ngàng đến ông.
Sau một thời gian quá sức chịu đựng cảnh cô đơn ngay trong chính căn nhà mình, ông T bực bội, gọi con trai, con dâu ra mắng chửi. Ông bảo rằng, nếu không sửa đổi thì ông sẽ đòi lại nhà, để cho người con khác phụng dưỡng. Đến lúc này, anh con cả cười khẩy vì “sổ đỏ” đã sang tên, ông T chỉ là phận… ở nhờ.
Ông T định dọn sang nhà con trai thứ ở, thì người này cự cãi rằng ông đã “chia phần” công bằng nên trách nhiệm nuôi phải thuộc về người con cả. Con gái ông T cũng bảo, bản thân ăn lộc nhà chồng nên không nuôi được.
Cuối cùng, trách nhiệm phụng dưỡng đều bị các con đùn qua, đẩy lại khiến ông T lâm cảnh bơ vơ. Ông T không còn tiền, không còn nhà vì thế, giờ ông vẫn chịu phận ở nhờ con trai, chan cơm bằng nước mắt.
Người cao tuổi tự đem lại niềm vui
Trong một hội nghị y tế bàn về vấn đề chăm sóc người cao tuổi và những kiến nghị về chính sách, GS.TS. Lê Vũ Anh - Chủ tịch Hội Y tế công cộng Việt Nam cho biết: thời gian chuyển từ giai đoạn "già hóa dân số" sang "dân số già" của Việt Nam tương đối nhanh, chỉ khoảng 17-20 năm, ngắn hơn nhiều nước, kể cả những quốc gia phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc (26 năm), Anh, Tây Ban Nha (45 năm), Mỹ (69 năm), Thụy Điển (85 năm).
Trong bối cảnh người cao tuổi ngày càng cô đơn, kéo theo chất lượng chăm sóc sức khỏe chưa đủ đáp ứng thì chuyện thành lập các câu lạc bộ, hội, nhóm… để tự đem lại niềm vui là hết sức cần thiết. Câu lạc bộ 19-5 của người cao tuổi thuộc ấp Hương Phước, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa là một ví dụ.
Theo đó, đều đặn mỗi sáng thứ năm hàng tuần, trong suốt 11 năm qua câu lạc bộ 19-5 ngoài sinh hoạt thơ ca còn làm cầu nối để người cao tuổi trong ấp Hương Phước giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau lúc ốm đau, chia sẻ kinh nghiệm sống vui, sống khỏe với những bài thuốc, động tác thể dục phù hợp.
Buổi sáng hàng ngày, các thành viên trong câu lạc bộ đều tập trung lại để luyện tập thể dục dưỡng sinh, ngâm thơ, diễn văn nghệ. Ai tìm được bài thuốc nào hay thì chia sẻ cho nhau để cùng phòng tránh hay chữa bệnh khi cần.
Trở lại câu chuyện cảnh già cô đơn giữa chốn thị thành, xét trên góc độ đời sống hiện đại với nhịp độ công việc cao, thiết nghĩ bản thân người cao tuổi cũng cần thay đổi quan niệm “già cậy con” theo kiểu “thoáng” hơn.
Hay nói như bà Lưu Thị Hường, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trưởng Ban Chăm sóc Người cao tuổi thì hạn chế bắt con bên cạnh, hầu hạ, dạ vâng.
“Nếu bản thân “ngứa mắt” với lối sống của các con thì cũng nên thông cảm, rộng lượng và tìm cách sống độc lập để khỏi vướng bận con cháu. Đến lúc quá yếu, không thể tự lo cho bản thân mới lụy con. Nói cách khác, người cao tuổi cần tự chăm sóc bản thân, tạo niềm vui, sự thanh thản cho mình hơn là trông đợi ở con cháu” – bà Hường chia sẻ.