Cấp sổ đỏ sai, đẩy dân ra tòa kiện nhau

(PLO) - Bỏ ra cả tỷ đồng để mua đất, được chính quyền cấp GCNQSDĐ một cách hợp pháp nhưng rút cuộc thì GCNQSDĐ này cũng vô giá trị. Nghịch lý này đã tồn tại từ 3 năm nay nhưng vẫn chưa được cơ quan cấp GCNQSDĐ giải quyết dứt điểm. 
Năm 2007, bà Lê Thị Tiễn (trú tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) có mua 2 lô đất số 16 và 17 tại đường Lý Anh Tông, khu 9, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Hai lô đất này đều đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nên bà Tiễn đã được UBND huyện Vân Đồn gộp thửa và được cấp GCNQSDĐ với diện tích 144m2. 
Trước đó, tại Biên bản kiểm tra thực địa (nhà ở, đất ở) vào ngày 3/10/2007, ông Đinh Bùi Hải Sơn - đại diện UBND thị trấn Cái Rồng đã ghi rõ: “Vị trí địa danh (nhà, đất) kiểm tra: mặt đường Lý Anh Tông, khu 9, thị trấn Cái Rồng; thực trạng sử dụng đất: ô 17 chưa xây nhà; ô 16 đất chưa xây dựng…”.
Hơn một năm sau, khi thấy chính quyền UBND thị trấn Cái Rồng thông báo về chủ trương “bán” diện tích đất liền kề phía sau, bà Tiễn đã đóng tiền cho Nhà nước để mua thêm 72m2. Sau khi mua đất thì bà Tiễn tiếp tục được UBND huyện Vân Đồn gộp diện tích để cấp một GCNQSDĐ mới với diện tích  216m2. Cuối năm 2010, khi bà Tiễn chuẩn bị xây nhà trên diện tích đất đã được cấp GCNQSDĐ trên thì đã thấy có người chở vật liệu đến, xây nhà tại đúng vị trí này (lô 16 và 17). 
Từ đó đến nay, tuy bà Tiễn liên tục có đề nghị UBND huyện Vân Đồn phân định rõ quyền sử dụng đất tại đây nhưng không hiểu sao việc xây dựng trái phép trên đất tranh chấp vẫn diễn ra. Sau rất nhiều lần gửi đơn và trực tiếp gặp lãnh đạo UBND huyện Vân Đồn, bà Tiễn được trả lời rằng: Hồ sơ chuyển nhượng đất là hợp pháp, không sai gì. Tranh chấp phát sinh có thể là do “cấp trùng lô thửa đất”, đề nghị bà Tiễn khởi kiện ra tòa để phân xử quyền sử dụng đất.
Công trình vẫn được xây trên khu đất tranh chấp
Công trình vẫn được xây trên khu đất tranh chấp 
Trả lời trên Báo Quảng Ninh thì ông Tô Xuân Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn - cho biết: Năm 2007, khi đi kiểm tra thực địa để thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất cho bà Tiễn, cán bộ địa chính của thị trấn thấy 2 ô đất số 16, 17 đều đã có người sử dụng nhưng không báo cáo kịp thời cho lãnh đạo biết để xử lý mà lại tự ý đếm tịnh tiến và giao đất tại thực địa cho bà Tiễn vào ô số 19 + 20. Trong khi đó, ô số 19 + 20 đã được em bà Tiễn mua của ông Thân Văn Trụ (là nhân viên của Cty CP Đầu tư bất động sản Hải Phòng) từ năm 2000.
Như vậy, chính quyền không thể thoái thác trách nhiệm trong việc cấp GCNQSDĐ cho bà Tiễn bị sai vị trí, trùng lô thửa như trên. Tuy nhiên, ông Thao lại “đá” trách nhiệm rằng:  “Nguyên nhân dẫn đến sự cấp đất chồng lấn là do sau khi được cấp đất triển khai dự án, Công ty CP Đầu tư bất động sản Hải Phòng đã không tuân thủ đúng các nguyên tắc quản lý, dẫn đến để nhân viên tự ý bán trái phép 136 ô đất cho các hộ dân. Khi Ngân hàng TMCP Công thương - Chi nhánh Hải Phòng tiến hành kê biên để bán phát mại lại không được Công ty CP Đầu tư bất động sản Hải Phòng bàn giao đầy đủ nên tiếp tục bán các ô đất đó, dẫn đến có sự chồng lấn”. 
Ông Thao cũng cho hay: “Vụ án phức tạp này hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, xử lý” và đẩy vụ việc sang Tòa án rằng: “Để giải quyết dứt điểm sự tranh chấp này cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Tiễn, UBND huyện đã khuyên bà nên chuyển vụ tranh chấp này ra TAND huyện”.
Không biết bà Tiễn có nghe theo “lời khuyên” này hay không, nhưng có thể thấy ngay rằng TAND khó có thể thụ lý vụ việc này khi cơ quan chức năng khác “đang tiếp tục điều tra, xử lý”. Và không hiểu tại sao UBND huyện Vân Đồn - cơ quan đã từng trực tiếp công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho bà Tiễn lại không đứng ra để tái khẳng định điều này?  
Điều đáng nói ở chỗ, trong diện tích đất tranh chấp thì có cả diện tích đất bà Tiễn “mua” từ chính quyền. Cứ tình trạng rủi ro như thế này thì sẽ còn ai yên tâm “mua” đất từ chính quyền như bà Tiễn? 

Đọc thêm