Câu chuyện về người tìm ra vaccine chấm dứt đại dịch đậu mùa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Căn bệnh đậu mùa đã từng là nỗi sợ ám ảnh nhiều thế kỷ tại châu Âu, châu Á và thế giới. Cơn ác mộng đó chỉ thực sự chấm dứt hoàn toàn khi bác sĩ Edward Jenner đã dám làm cái việc bị cho là điên rồ khi lấy dịch từ vết thương của một bệnh nhân nhẹ, tiêm lên cánh tay cậu bé khỏe mạnh, từ đó phát minh ra vaccine (vắc-xin) giúp thế giới thoát khỏi đậu mùa.
Bác sĩ Edward Jenner. (Ảnh: jennermuseum).
Bác sĩ Edward Jenner. (Ảnh: jennermuseum).

Đại dịch kinh hoàng

Đậu mùa xuất hiện vào khoảng 10.000 năm trước Công nguyên. Chứng tích xưa nhất của bệnh đậu mùa là những vết mụn mủ trên xác ướp của Pharaon Ramses V thời Ai Cập cổ đại.

Đến thế kỷ thứ 6, nó trở thành đại dịch, lan sang châu Âu, châu Á. Vào thế kỷ 18, bệnh đậu mùa được coi là căn bệnh nguy hiểm và gây nhiều tử vong nhất ở người. Trung bình mỗi năm, khoảng 400.000 người châu Âu thiệt mạng vì căn bệnh này. Đậu mùa do virus gây ra nhưng ban đầu người ta nghĩ đây là bệnh nan y không thuốc chữa.

Đậu mùa là bệnh đặc hữu của châu Âu, châu Á và thế giới Ả-rập trong nhiều thế kỷ, một mối đe dọa dai dẳng thường giết chết 30% người nhiễm virus và để lại những vết sẹo xấu xí trên da những người sống sót còn lại. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong ở các cựu lục địa không là gì so với sự tàn phá của dịch đậu mùa nhằm cư dân bản địa tại “Tân Lục địa” - châu Mỹ khi virus đậu mùa theo chân những nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên reo rắc tới đây vào thế kỷ 15.

Những bộ tộc người bản địa ở các vùng lãnh thổ ngày nay là Mexico và Mỹ không có khả năng miễn dịch tự nhiên đối với bệnh đậu mùa, vì thế virus này đã cướp đi hàng chục triệu sinh mạng tại đây.

“Không một thảm kịch chết chóc nào trong lịch sử có thể so sánh với những gì xảy ra ở châu Mỹ khi 90-95% dân số bản địa bị xóa sổ trong vòng 1 thế kỷ. Mexico từ 11 triệu dân trước cuộc xâm chiếm, chỉ còn lại 1 triệu người”, Giáo sư lịch sử Mockaitis nói.

Triệu chứng ban đầu của đậu mùa là nổi các mụn đỏ trên trán, rồi toàn mặt, sau đó thành mụn nước chứa đầy mủ lan ra khắp cơ thể, gây sốt, nhiễm trùng, có thể dẫn đến mù lòa và tử vong. Nếu không chết thì khi khỏi bệnh cũng để lại sẹo rỗ khắp cơ thể. Bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc nên số người mắc tăng lên rất nhanh. Bệnh đậu mùa thường làm tổn thương đến các mạch máu nhỏ ở miệng, da và cổ họng.

Đối với nam giới bị bệnh đậu mùa sẽ có nguy cơ cao bị hiếm muộn, khó có con. Trong một số trường hợp nhất định, bệnh đậu mùa có thể gây biến dạng ở các chi do biến chứng viêm khớp hoặc viêm xương mãn tính.

Thông thường, loại virus Variola major thường gây bệnh đậu mùa nghiêm trọng hơn so với virus Variola minor. Chúng có thể dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời.

Bệnh đậu mùa đã giết chết khoảng 400.000 người dân châu Âu ở những năm cuối thế kỷ 18.

Bệnh đậu mùa đã giết chết khoảng 400.000 người dân châu Âu ở những năm cuối thế kỷ 18.

Ân nhân của hàng triệu người

Edward Anthony Jenner (1749-1823) là thành viên của Hội Hoàng gia Anh. Ông là một bác sĩ đa khoa, nhà phẫu thuật người Anh. Ông đã nghiên cứu môi trường tự nhiên xung quanh nơi ông sống và làm việc như một bác sĩ, một nhà phẫu thuật, một nhà y khoa ở Berkeley (Gloucestershire, Tây Nam nước Anh).

Ông trở nên nổi tiếng nổi vì là bác sĩ đầu tiên nghiên cứu và sử dụng vaccine để phòng chống bệnh đậu mùa. Nhờ Edward Jenner, bệnh đậu mùa, một căn bệnh tàn phá khủng khiếp với loài người trong nhiều thế kỷ trước, đặc biệt ở châu Âu, cướp đi sinh mạng hàng triệu người trong thời kỳ đó.

Khi bác sĩ Edward Jenner sinh ra cũng là thời kỳ đậu mùa hoành hành tại châu Âu. Khi còn là một đứa trẻ, Eward đã có khả năng quan sát thiên nhiên sắc sảo. Cha Jenner vốn là một người giảng đạo cho giáo xứ, mất khi Edward Jenner 5 tuổi.

Edward Jenner có cơ hội học việc với bác sĩ phẫu thuật Daniel Ludlow tại Chipping Sodbury (Gloucestershire) suốt 7 năm. Trong quá trình học nghề bác sĩ phẫu thuật tại đây, Edward Jenner tình cờ nghe được câu chuyện một cô gái làm nghề vắt sữa bò nói rằng cô không thể mắc bệnh đậu mùa đáng sợ do cô đã mắc bệnh khác là bệnh đậu bò (bệnh đậu mùa ở bò). Điều kỳ lạ này đã gợi lên sự tò mò trong Edward Jenner và thôi thúc ông tìm hiểu sâu hơn về căn bệnh đậu mùa.

Tranh vẽ bác sĩ Edward Jenner tiêm chủng thử nghiệm cho một cậu bé.Tranh vẽ bác sĩ Edward Jenner tiêm chủng thử nghiệm cho một cậu bé.

Năm 1770, sau khi hoàn thành khóa đào tạo bác sĩ phẫu thuật ở Gloucestershire, Edward Jenner đã đến bệnh viện St George (London). Tại đây, công việc của ông là nghiên cứu về giải phẫu và thực hành phẫu thuật dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nổi tiếng John Hunter. Sau khi học xong, Edward Jenner trở về Berkeley mở một cơ sở y tế, ông sống và làm việc tại đây cho đến khi qua đời. Vì sống ở nông thôn nên các bệnh nhân của ông hầu hết là nông dân hoặc làm việc trong các trang trại với gia súc.

Năm 1788, một đợt bệnh đậu mùa quét qua Gloucestershire. Lúc này, đúng như câu chuyện mà ông đã từng được nghe khi còn học việc, Edward Jenner quan sát thấy những người vắt sữa bò sau khi mắc bệnh đậu bò thì hoàn toàn không bị đậu mùa nữa. Ông trăn trở “liệu có thể lây căn bệnh đậu bò sang người để phòng được bệnh đậu mùa ở người hay không? Như thế, người ta sẽ mắc căn bệnh đậu bò không chết nhưng thoát khỏi bệnh đậu mùa chết người”.

Năm 1796, Edward Jenner đã tiến hành thí nghiệm trên cơ thể một bệnh nhân của mình. Edward Jenner đã chiết lấy dịch từ các vết đậu bò trên cánh tay của một cô gái chăn bò rồi cấy vào cánh tay của cậu bé 8 tuổi khỏe mạnh cùng làng tên là James Phipps. Cậu bé bị sốt nhẹ nhưng sau vài ngày đã khỏe lại. 48 ngày sau, Edward Jenner tiêm chất có chứa mầm bệnh đậu mùa vào người cậu. Theo dõi, ông thấy Phipps không hề mắc đậu mùa.

Theo các tiêu chuẩn y đức ngày nay thì phương pháp “tiêm ngừa” của Edward Jenner khi đó có thể xem là hoàn toàn sai trái. Nhưng thực tế, nhờ sự liều lĩnh của ông, con người mới thoát đại dịch đậu mùa. Edward Jenner cũng áp dụng cho chính con trai mới 10 tháng tuổi của mình. Ông đã hoàn thành công nghệ chế tạo thuốc tiêm chủng với 3 công đoạn.

Bước một, lấy ít vi trùng bệnh đậu mùa trên một con bò mắc bệnh này. Bước hai, làm cho vi trùng yếu đi. Bước ba, tiêm các vi trùng này vào cơ thể người qua đường máu. Ông giải thích rằng, những người được tiêm chủng sẽ không mắc bệnh đậu mùa nữa vì máu của họ đã có một yếu tố kháng bệnh.

Năm 1798 sau khi thực hiện các xét nghiệm thành công hơn, ông đã công bố phát hiện của mình. Edward Jenner gọi phương pháp này là “vaccination”, chính là nguồn gốc công cuộc tiêm vaccine ở người phổ biến cho đến ngày nay.

Năm 1798, phương pháp tiêm chủng của Edward Jenner được nhân rộng ra khắp thế giới. Hai năm sau, chính phủ Anh đã mời ông tiêm cho binh chủng Hải quân hoàng gia. Hoàng đế Napoleon ở Pháp cũng ra lệnh cho toàn bộ binh lính phải tiêm chủng đậu mùa. Mỹ sau đó cũng áp dụng phương pháp này. Năm 1802, Edward Jenner được bầu làm Chủ tịch Ủy ban quốc tế về phòng chống đậu mùa. Ông cũng được Nữ hoàng Anh, Nga, Hoàng đế Pháp, Tổng thống Mỹ trao giải thưởng giá trị và được mời vào làm việc tại Viện Hàn lâm khoa học Pháp.

Trên thực tế, bác sĩ Edward Jenner không phải là người đầu tiên trên thế giới khám phá ra cơ chế của vaccine. Bởi theo nghiên cứu thì những người Trung Quốc mới là những người đầu tiên khám phá ra cơ chế này. Tuy vậy, khám phá của Edward Jenner mới thực sự đặt nền móng cho lĩnh vực miễn dịch học, đẩy lùi được dịch bệnh đậu mùa, một trong những đại dịch nghiêm trọng của loài người. Năm 1980, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố bệnh đậu mùa là một căn bệnh đã được loại bỏ.

Đọc thêm