30 hộ dân “màn trời chiếu đất” vì lệnh cưỡng chế mồm

(PLO) -Như PLVN đã đưa tin, cuộc giải phóng mặt bằng gây phẫn nộ ở Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) đã khiến gần 30 hộ dân sống tại hai bên đường Quốc lộ 14, đoạn qua xã Nam N’Jang (huyện  đang phải rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Éo le nhất, trong đó có cả những gia đình liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Người dân cắm cờ kêu cứu trên các nền nhà vừa bị cưỡng chế giải tỏa. Ảnh: Nguyễn Duyên
Người dân cắm cờ kêu cứu trên các nền nhà vừa bị cưỡng chế giải tỏa. Ảnh: Nguyễn Duyên
Gia đình ông Trương Thanh Hùng (SN 1956) và bà Võ Thị Lan (SN 1954, ngụ thôn Boong Rinh, xã Nam N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) có bố và chị gái là liệt sỹ, mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng cũng đang lâm vào cảnh vạ vật nơi vệ đường, mất nhà mất cửa, mất kế sinh nhai sau cưỡng chế giải tỏa mà chẳng biết kêu ai.
“Không có giấy tờ… có chấp hành không”?
Ông Hùng cho biết, năm 2008 có quyết định giải tỏa 58 hộ dân trong xã Nam N’Jang và có danh sách các hộ kèm theo, nhưng không có tên hộ gia đình ông. Khi lực lượng giải tỏa đến, gia đình ông hỏi về quyết định, những người này nói “không có giấy tờ nhưng giờ ra lệnh có chấp hành không?”. 
Sau đó họ kéo căn nhà của ông đổ ngổn ngang xuống rồi bỏ đi, vì lý do “nhà Đảng viên nên phải dỡ trước”, và không thấy dỡ thêm bất kỳ hộ gia đình nào khác. Tiếp những năm sau cũng không ai đến nói gì về vấn đề giải tỏa hay vi phạm.
Năm 2010, ông Hùng được bầu làm Bí thư chi bộ thôn. Thời gian gần đây chính quyền xã thường xuyên triệu tập ông lên họp với nội dung về vận động gia đình và bà con trong thôn chấp hành việc di dời nhà cửa và tự đi tìm nơi ở mới. Ông Hùng không đồng tình với việc làm của chính quyền vì “bây giờ chúng tôi biết đi đâu về đâu? Làm gì mà sống”. Ngày 16/1/2014, ông bị cách “chức” Bí thư.
 Bất chấp sự phản đối kịch liệt của người dân, ngày 26 và 27/4 việc cưỡng chế giải phóng mặt bằng vẫn diễn ra. Chiều 30/4, bốn xe ô tô biển xanh lại tới lấy đi hai bao gạo và hai thùng mì tôm và một bình nước là tài sản duy nhất còn lại của bà con mà người dân xã bên vừa ủng hộ, vì vội vàng chạy mưa nên bà con đã không kịp mang theo.
Tháng 10/2013, gia đình ông nhận được quyết định của UBND huyện về việc buộc gia đình phải tháo dỡ di dời nhà quán và các công trình phụ. Gia đình đã gửi rất nhiều đơn thư khiếu nại lên các cấp chính quyền nhờ giải quyết, nhưng đến giữa tháng 4/2014 lại nhận được thông báo về việc thi hành quyết định cưỡng chế. “Nhưng tôi không nghĩ việc này lại diễn ra vô lý và nghiêm trọng như vậy” - vợ ông Hùng trình bày. Vào ngày 26/4, toàn bộ nhà cửa tài sản của gia đình đã bị lực lượng cưỡng chế đem đi.
Mất cả bằng Tổ quốc ghi công, không có nơi giỗ mẹ
Gia đình ông Hùng, bà Lan thuộc diện chính sách. Bố và chị gái bà Lan là liệt sĩ, mẹ bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Bản thân ông bà đều là thương bệnh binh. Ông Hùng tham gia chiến trường từ năm 1972, 23 tuổi đã được kết nạp Đảng, đến 1988 trở về với quân hàm Đại úy. Bà Lan cũng tham gia phong trào du kích ở địa phương từ năm 1971, sau đó tham  gia bộ đội đến năm 1990 mới trở về, cũng được phong quân hàm Trung sĩ. Hai ông bà chiến đấu ở khắp các chiến trường Bình Định, Quảng Nam, Campuchia… Khi rời quân ngũ cả hai đều mang trên mình thương tật nặng.
Ông bà có dành dụm được ít tiền phòng khi đau ốm nhưng tất cả số tiền này cất trong chiếc tủ đã bị lực lượng cưỡng chế ập vào kéo đi. Tất cả các Huân, Huy chương kháng chiến, Bằng Tổ quốc ghi công, bằng khen, giấy tờ quan trọng khác đều bị đem đi mà không biết đem đi đâu. “Chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày giỗ mẹ tôi, giờ đây không còn nhà nữa, không biết sẽ cúng mẹ ở đâu” - ông Hùng trăn trở.
Mới đây, bà Lan về quê ở Bình Định và nhận được Huy chương kháng chiến hạng Nhì, còn chưa kịp mang đi để làm chế độ cũng đã bị lực lượng cưỡng chế lấy đi hết. Thứ duy nhất ông Hùng kịp mang theo được là một bộ quần áo quân ngũ mà ông luôn nâng niu giữ gìn. “Ngày 30/4, tôi vẫn mang bộ quần áo này ra mặc là để tưởng nhớ lại khí thế hào hùng của dân tộc ta ngày ấy” - ông ngậm ngùi.
Ở ổn định 12 năm mới phát hiện lấn đất?
Theo lời kể, gia đình ông Hùng, bà Lan chuyển đến đây sinh sống từ năm 2002, khi đó tỉnh Đắk Nông và huyện Đắk Song còn chưa được thành lập, nơi này thuộc địa phận xã Đắk Rung (huyện Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk cũ).
Ông Hùng, bà Lan không biết đi đâu, làm gì để sống tiếp. Ảnh: Nguyễn Duyên
Ông Hùng, bà Lan không biết đi đâu, làm gì để sống tiếp. Ảnh: Nguyễn Duyên 
Ban đầu gia đình đến khai hoang, nơi đây là đất trống, đồi trọc, địa thế đất dốc đứng. Vị trí nền nhà thấp hơn mặt đường rất nhiều, “gia đình tôi phải  mất bao công sức san lấp mặt bằng để nâng vườn làm sân và làm nền nhà nên mới ngang bằng mặt đường như hiện nay” - bà Lan nói.
Tiền trợ cấp thương binh ít ỏi không đủ nuôi con cái học hành, gia đình đã phải bỏ tiền ra đầu tư một quán bán nước trước nhà cho khách đi đường để kiếm thêm thu nhập, ngoài ra còn ra sức chăm bón vườn tược, trồng cây ăn quả và cây keo để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Toàn bộ diện tích cũng chỉ được chưa đầy 4 sào, ngoài ra không còn nghề phụ nào khác.
“Tính đến nay, gia đình tôi đã sinh sống ở đây  12 năm, là hộ gia đình chính sách, bao năm phục vụ quân đội “vào sinh ra tử” với nhiều vết thương trên người. Nhưng gia đình tôi không dựa dẫm hay đòi hỏi quyền lợi gì, chúng tôi vẫn cố gắng lao động sản xuất để kiếm sống, song việc cưỡng chế giải tỏa vừa qua đã đẩy chúng tôi lâm vào thảm cảnh” - bà Lan rầu rĩ.
Ông Hùng nói thêm: “Nếu cho rằng gia đình tôi vi phạm, tại sao ngay từ ban đầu chúng tôi đến đây không thấy ai ngăn cấm hay yêu cầu ngừng việc khai hoang trồng cây cối. Thậm chí cán bộ còn đến động viên khuyến khích chúng tôi trồng cây. Đến nay cuộc sống đã ổn định lại cho rằng chúng tôi vi phạm và bắt chúng tôi phải di dời mà không bố trí nơi ở mới cũng không bồi thường thỏa đáng. 
Cùng thời gian này, cũng có rất nhiều hộ đến đây khai hoang, trong đó có cả các hộ là cán bộ chính quyền nhưng không bị tính vi phạm. Hơn nữa, quyết định “khắc phục hậu quả” của huyện nhằm trả lại rừng cảnh quan quốc lộ 14, nhưng khu này từ khi có những hộ dân chúng tôi về đây sinh sống,  trồng và chăm bón thì cây cối mới mọc được. Nếu khôi phục lại tình trạng ban đầu khác nào phải múc đất đổ đi và chặt hết cây cối để “trở lại” cảnh đất trống, đồi trọc”?
Ông cho biết, sau ngày bị cưỡng chế, có thông tin “đây là gia đình chính sách, đã cho một lô đất ngoài thị trấn và cho thêm 100 triệu đồng mà không chịu nhận, còn đứng ra chống đối…”. Nhưng ông khẳng định điều này không có thật.
Vợ chồng ông Hùng, bà Lan cho biết không phản đối chủ trương của Nhà nước, nhưng chỉ mong các cấp thực hiện xem xét cho người dân “có đường sống”. Thực tế, trước mắt, ông bà với thương tật như vậy vẫn chưa biết đi đâu, làm gì để tiếp tục sống?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ cưỡng chế này./.

Đọc thêm