Nhân viên Cấp cứu 115 làm giả hồ sơ rút thuốc cho mẹ đẻ

(PLO) - Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội thừa nhận có hiện tượng dược sỹ tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội lợi dụng thẻ bảo hiểm y tế của bệnh nhân không đến khám, khai khống để lấy thuốc cho người nhà dùng. Tuy nhiên, Sở này có cách xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, khiến dư luận vô cùng bức xúc. 

Nhân viên Cấp cứu 115 làm giả hồ sơ rút thuốc cho mẹ đẻ
Làm ngơ vi phạm vì… cả nể
Sau khi có thông tin trên báo chí đưa tin về vụ việc nhân viên tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội kê khống hàng chục hồ sơ, lợi dụng thẻ bảo hiểm y tế của người có công, rút ruột tiền thuốc của Nhà nước, Thanh tra Sở Y tế đã vào cuộc và tiến hành xác minh vụ việc. 
Tại thời điểm kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế phát hiện 33 hồ sơ khống được dựng lên để lấy thuốc cho người nhà. Sau đó, Bảo hiểm xã hội Hà Nội vào cuộc, kiểm tra việc thu chi của bảo hiểm y tế trong năm 2012 và sáu tháng 2013 đã phát hiện 49 hồ sơ khống được dựng lên để rút ruột thuốc của bảo hiểm y tế, với số tiền hơn 19 triệu đồng.
Theo kết quả thanh tra của Sở Y tế, việc dược sỹ Lê Thị Thu Hương sử dụng số thẻ bảo hiểm y tế của người khác, lập 33 hồ sơ và lĩnh thuốc bảo hiểm y tế về cho mẹ đẻ sử dụng  là vi phạm quy định và vi phạm quy chế chuyên môn về khám, chẩn đoán, điều trị bệnh. Thanh tra Sở Y tế kết luận trong vụ việc, chỉ có duy nhất dược sĩ Lê Thị Thu Hương là làm sai quy định, lạm dụng thẻ bảo hiểm y tế của bệnh nhân để rút ruột thuốc. 
Ông Trần Ngọc Tụ, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, sau khi Sở Y tế có thông báo kết luận thanh tra, trong buổi kiểm điểm trước lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội là ông Trần Văn Nam đã thừa nhận trách nhiệm của mình. Cụ thể là không quản lý, kiểm soát được chặt chẽ nhân viên và công việc ở đơn vị “trong lúc sức khỏe yếu” và xin được nghỉ hưu trước tuổi.
Ông Trần Văn Nam đã xin đi giám định sức khỏe, được kết luận là sức khỏe bị suy giảm trên 61% nhưng do có liên quan đến vụ việc nói trên nên hiện vẫn chưa được giải quyết cho nghỉ hưu. Mặc dù trên danh nghĩa vẫn đang đương chức là Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội nhưng vì lý do sức khỏe nên suốt từ đầu năm 2014 đến nay, ông Nam đã ủy quyền phụ trách hoàn toàn đơn vị cho Phó Giám đốc Nguyễn Văn Chánh.
Ông Trần Ngọc Tụ cho biết, dược sỹ Hương đã bị xử lý kỷ luật ở mức độ 2 - chậm tăng lương trong 6 tháng và điều chuyển vị trí công tác khác. Ngoài ra, 7 cán bộ y tế có liên quan trong quy trình lập phiếu khám khống, kê đơn… chỉ bị nhắc nhở, phê bình và giữ nguyên vị trí công tác vì sai phạm chưa nghiêm trọng và không vì mục đích cá nhân, mà chỉ vì “cả nể” khi đồng nghiệp nhờ ký vào phiếu khám bệnh, kê khống đơn thuốc. Sự việc trên cho thấy năng lực quản lý yếu của Giám đốc Trung tâm và có 11 người liên quan vụ việc (gồm 8 nhân viên và 3 người thuộc Ban Giám đốc).
Có dấu Hiệu hình sự trong vụ việc
Tuy nhiên, dư luận cho rằng Sở Y tế xử lý quá nhẹ vụ việc này. Theo quy trình thì mỗi hồ sơ cần tới 3 chữ ký để nhận được thuốc, nhưng Sở Y tế lại “chấp nhận” việc chỉ một mình bà Hương nhận và bị kỷ luật mức rất nhẹ, còn 7 bác sỹ có chữ ký trong các hồ sơ thì được cho là làm vì “nể nang đồng nghiệp”, nên chỉ xử lý ở mức “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Trần Văn Nam mặc dù bị tố cáo là có liên quan việc kê khống hồ sơ nhưng cũng chỉ “kiểm điểm rút kinh nghiệm” trước lãnh đạo Sở Y tế. 
Đây không phải là lần đầu tiên Sở Y tế Hà Nội gây bức xúc vì xử lý quá nhẹ các vụ việc chấn động. Trước đó, vụ nhân bản xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội Sở Y tế không xử lý từ những đơn tố cáo đầu tiên, người tố cáo buộc phải mời cơ quan công an và báo chí.
Nhận định về vụ việc, Thạc sỹ luật Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông pháp luật Việt Nam) cho biết: dược sỹ Lê Thị Thu Hương đã lập khống 49 hồ sơ để lấy tiền thuốc từ Quỹ bảo hiểm y tế với số tiền 19 triệu đồng chỉ bị xử lý kỷ luật  kéo dài thời gian nâng lương thêm 6 tháng và bố trí công việc khác là chưa đúng quy định pháp luật.
Thứ nhất, nếu Thanh tra Sở Y tế Hà Nội có quan điểm cho rằng sai phạm của dược sỹ Hương chỉ dừng ở mức sai phạm hành chính thì cần phải tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Điểm đ Khoản 2 Điều 63 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: “Phạt tiền đối với hành vi lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc mà thực tế không có người bệnh nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo một trong các mức sau đây: Từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 15 triệu đồng đến dưới 25 triệu đồng”.
Thứ hai, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cần phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để khởi tố vụ án, điều tra cụ thể mức độ sai phạm của các cá nhân có liên quan. Vì hành vi của dược sỹ Hương lập khống 49 hồ sơ để lấy tiền thuốc từ Quỹ bảo hiểm y tế với số tiền 19 triệu đồng đã có cấu thành tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Hình sự: “Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm”. 

Đọc thêm