Pháp luật không bảo vệ nạn nhân “tín dụng đen“?

(PLO) - Từ việc thế chấp nhà để vay tiền với lãi suất cao, người vay đã trở thành nạn nhân của một vụ lật lọng, thế nhưng cơ quan điều tra (CQĐT) lại xác định việc này chỉ là “tranh chấp dân sự” khiến cho những nạn nhân của “tín dụng đen” chỉ còn biết kêu trời.
Pháp luật không bảo vệ nạn nhân “tín dụng đen“?
Một vụ vay lãi “cắt cổ”
Theo phản ánh của vợ chồng anh Phan Viết Thuần (trú tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội), năm 2010 vợ chồng anh cần vốn để phục vụ việc kinh doanh nên đã vay của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Trực, bà Vương Tú Hồng (trú tại Bồ Đề, Long Biên) một khoản tiền lớn với lãi suất 2.000 đồng/01ngày/01triệu đồng (tương đương lãi suất 72%/năm). 
Để vay được tiền, bên cho vay yêu cầu vợ chồng anh Thuần phải thế chấp tài sản bằng hình thức “ký hợp đồng chuyển nhượng 03 khu nhà đất” thuộc quyền sử dụng của vợ chồng anh Thuần, trong đó có khu nhà đất tại thôn Hồi Quan (Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh). Tháng 01/2011, anh Thuần đã trả hết gốc và lãi số tiền vay trên và nhận lại sổ đỏ 03 thửa đất đã thế chấp.
Khoảng tháng 03/2011, vợ chồng anh Phan Viết Thuần lại phải vay 1,3 tỷ đồng của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Trực với lãi suất như trước và để đảm bảo cho khoản vay, vợ chồng anh Thuần phải giao sổ đỏ các thửa đất mà vợ chồng anh sử dụng cho chủ nợ. Đến tháng 02/2013, vợ chồng anh Thuần đã trả được cho vợ chồng ông Nguyễn Hữu Trực khoảng hơn 1,85 tỷ đồng, bao gồm cả gốc và lãi.
Tuy nhiên, khoảng tháng 4/2013, anh Phan Viết Thuần nhận được tin có người đến đòi nhà đất của gia đình anh tại thôn Hồi Quan ( Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh). Vì vậy, vợ chồng anh Thuần đã đi kiểm tra thông tin. Vợ chồng anh "ngã ngửa" khi được biết, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Trực đã sử dụng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà trước đây anh Thuần ký “làm tin”, và làm hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất từ vợ chồng anh Thuần sang vợ chồng ông Nguyễn Hữu Trực. UBND TX.Từ Sơn cũng đã chấp thuận sang tên quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Trực. 
Theo phản ánh của anh Thuần, điều ngang ngược là trong khi đã âm thầm chuyển quyền sử dụng đất sang tên mình nhưng vợ chồng ông Trực vẫn vô tư nhận tiền gốc và lãi do vợ chồng anh Thuần trả.
Ngay sau khi biết sự việc, vợ chồng anh Thuần đã có đơn tố cáo gửi CQĐT. Nhưng, trong lúc CQĐT còn chưa xác minh thì ngày 01/09/2013, một nhóm người lạ mặt huy động cả máy xúc, máy ủi đến san phẳng nhà anh Thuần rồi đánh vợ anh Thuần đến mức phải nhập viện cấp cứu. 
Nhưng, việc côn đồ ngang nhiên hủy hoại tài sản của công dân và việc chuyển nhượng tài sản đầy khuất tất trên đã không được các cơ quan chức năng thị xã Từ Sơn và tỉnh Bắc Ninh quan tâm.
Tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật, gia đình anh Thuần chờ đợi CQĐT thị xã Từ Sơn và tỉnh Bắc Ninh sẽ khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ những khuất tất trong việc chiếm đoạt tài sản thế chấp. Thế nhưng ngày 18/11/2013, CQĐT Công an thị xã Từ Sơn đã có quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Cần xử lý nghiêm
Theo Luật sư Trần Văn Toàn (Văn phòng Luật sư Khánh Hưng), tình trạng cho vay tiền với lãi suất cao và nắm giữ tài sản của người vay là rất phổ biến hiện nay. Thông thường, người cho vay buộc bên vay phải ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản, thậm chí phải giao tài sản khi nhận tiền. 
Nếu không trả đủ cả gốc và lãi thì có thể có nguy cơ mất nhà vì các giấy tờ pháp lý thể hiện một giao dịch mua bán chứ không thể hiện giao dịch thế chấp. Do thời điểm năm 2012, 2013 rất khó vay tiền nên nhiều người đã phải chấp nhận mạo hiểm như trên để vay tiền với lãi suất “cắt cổ”. Đây chính là thủ thuật chủ yếu của giới cầm đồ, cho vay nặng lãi để lách luật.
Còn theo Luật sư Lê Văn Kiên, rất dễ nhìn thấy sự vô lý trong các hợp đồng chuyển nhượng tài sản mà thực chất là thế chấp, vì giá trị ghi trên hợp đồng rất nhỏ trong khi giá trị thật sự của tài sản là rất lớn, như trường hợp của gia đình anh Phan Viết Thuần, bản hợp đồng mua bán ghi giá trị mua bán là 250 triệu, trong khi giá thị trường nhà đất này khoảng 6 tỷ. 
Bên cạnh đó, việc ký hợp đồng tháng 10/2010 nhưng đến tháng 6/2012 mới chuyển quyền cũng đã phần nào thể hiện thỏa thuận về việc “cầm cố tài sản” của các bên.  Do đó, những dấu hiệu cho vay nặng lãi và kể cả việc chiếm đoạt tài sản của người vay cần phải được điều tra, làm rõ.
Thế nhưng, đến nay nạn nhân của vấn nạn tín dụng đen vẫn kêu cứu, còn cơ quan chức năng thì cho rằng chính nạn nhân có lỗi, nên tình trạng “khoanh tay đứng nhìn” vẫn cứ diễn ra khiến nạn nhân của tín dụng đen chỉ còn biết kêu trời.

Đọc thêm