TAND TP Hải Dương vi phạm tố tụng, “ép” dân vào tù

(PLO) - Bị cho là thủ phạm “hủy hoại” căn nhà khung sắt của người khác, bị cáo Nguyễn Duy Sơn (trú tại Cầu Cốn, phường Trần Hưng Đạo, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) vừa bị TAND TP.Hải Dương tuyên phạt 27 tháng tù. Trong khi đó chỉ là một căn nhà tạm đã hết giá trị sử dụng, sắp bị chính quyền dỡ bỏ, được “thổi phồng” về giá trị…
Căn nhà này không hề bị gãy khung thép như mô tả của Tòa.
Căn nhà này không hề bị gãy khung thép như mô tả của Tòa.
“Hình sự hóa” tranh chấp dân sự?
Như PLVN đã thông tin, căn nhà trên được ông Thuấn dựng trái phép trên thửa đất mang tên ông Trần Đình Thái (em rể ông Thuấn) có số thửa 120 và 121, khu 2 phường Nhị Châu, TP.Hải Dương.
 Trước đó vào năm 2008, vợ chồng ông Thái đã viết giấy nhượng 2 lô đất này cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu Hà với giá 595 triệu đồng. Cuối năm 2011, bị cáo Sơn mua lại thửa đất này (gồm tường bao là tài sản trên đất) từ vợ chồng chị Hà.  
Tại phiên tòa, bị cáo Sơn khai do bức xúc vì thấy người khác đến dựng nhà trên đất mình đã mua, đã bị chính quyền đình chỉ, yêu cầu phá dỡ nhưng chủ đầu tư không chấp hành nên bị cáo đã thuê người đến đập bỏ bức tường bao cũ của khu đất. Vì căn nhà khung sắt, quây tôn dựa vào bức tường này nên đã bị nghiêng (chứ không đổ sập hoàn toàn).
Cùng khẳng định với bị cáo Sơn về việc bức tường này là tài sản gắn liền với thửa đất từ trước chứ không phải của bị hại mới xây, chủ đất cũ là chị Hà cùng nhiều nhân chứng đều cam đoan trước tòa rằng, họ đã tiến hành xây tường bao trước khi bán đất cho bị cáo Sơn. Đơn xin phép xây tường bao (có xác nhận đồng ý của UBND phường) và biên bản giao đất đều thể hiện bức tường này.
Với chứng cứ này, bị cáo Sơn khẳng định: “Việc đập bỏ bức tường thuộc sở hữu của mình, nếu có gây ảnh hưởng đến công trình khác thì chỉ là tranh chấp dân sự chứ không thể truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Nhiều vi phạm tố tụng?
Các cơ quan tiến hành tố tụng TP.Hải Dương quy kết bị cáo Sơn đã thuê người đập tường và “kéo đổ nhà” hoặc “tháo dỡ khung nhà sắt” của ông Thuấn. Từ đó, thiệt hại của vụ án được xác định là giá trị của tường bao và toàn bộ giá trị nhà khung sắt này.
Tuy nhiên, bức ảnh do Cơ quan điều tra (CQĐT) chụp tại hiện trường đã phản bác lại những nhận định “trên mây” này: 13 ngày sau khi xảy ra vụ việc, ngôi nhà khung sắt chỉ bị nghiêng chứ không hề đổ sập, khung thép vẫn nguyên vẹn, tôn không bị rách bẹp… 
Đó là chưa kể tới việc một thời gian dài (13 ngày), hiện trường vụ án không đảm bảo nguyên vẹn thì lấy gì để khẳng định không có những tác động khác nhằm cố ý làm hư hại thêm cho ngôi nhà rồi đổ tội lên đầu bị cáo Sơn? 
Lạ hơn, trong khi chưa tiến hành định giá thiệt hại thì CQĐT đã vội vã cho bị hại được dỡ nhà, thu hồi số sắt, tôn… ở hiện trường. Những vật chứng quan trọng của vụ án đáng lẽ cần được bảo quản nguyên vẹn để phục vụ công tác điều tra thì CQĐT lại gián tiếp hô “biến” như trên là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng? Hậu quả có thể thấy ngay là việc Hội đồng định giá đã không thể xác định giá trị chính xác mà chỉ là “tạm tính” vì không biết chủng loại tôn cụ thể như thế nào…
Theo quy định thì khi có mâu thuẫn trong lần định giá đầu (tại TP.Hải Dương) và định giá lại (tại tỉnh Hải Dương) như trong vụ án này thì cần phải tiến hành định giá lại lần 2 tại Hội đồng định giá cấp Trung ương. Tuy nhiên, khi định giá lần 3, CQĐT lại quay trở lại để trưng cầu tại Hội đồng định giá của TP. Hải Dương  nhằm “định giá lại trên hồ sơ…” và “xác định tổng thiệt hại” (chứ không phải định giá bổ sung đối với một số tài sản chưa định giá).
Vô lý hơn, Hội đồng định giá lần 3 này lại căn cứ vào chính kết quả định giá lần 1 của mình để đưa ra mức thiệt hại. Trong khi đó kết quả định giá lần 1 này đã bị “tố” là thiếu chính xác khiến CQĐT phải trưng cầu giám định lại. Đã vậy, ông Nguyễn Phú Vinh không thấy có tên trong danh sách thành viên Hội đồng định giá nhưng vẫn có chữ ký trong phần cuối bản kết luận định giá; có 2 giám định viên tham gia cả 2 Hội đồng định giá lần 1 và lần 3…   
Bỏ lọt tội phạm? 
Tranh luận tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo khẳng định việc ông Thuấn dựng nhà trên đất mà anh Sơn đã mua không thể được pháp luật bảo vệ. Việc dựng nhà trên đất mang tên người khác là bất hợp pháp và ông Thuấn phải chịu thiệt hại từ việc dựng nhà này.
Thế nhưng, HĐXX sơ thẩm lại có ý cho rằng ông Thuấn đã mua đất từ ông Trường và dựng nhà trên đất của mình. Vậy thì rõ ràng đã có việc vợ chồng anh Thái, chị Thủy (em gái ông Thuấn) đã bán cho chị Hà  2 thửa đất không phải của mình để chiếm hưởng 595 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, chị Hà cho hay: “Thấy anh Thái được đứng tên thửa đất trên hồ sơ địa chính thì tôi mới tin tưởng bỏ gần 600 triệu ra để mua đất. Trong giấy bán đất giữa 2 bên, anh Thái, chị Thủy còn khẳng định rõ thửa đất của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bán đất này. 
Nay, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng thửa đất này là của ông Thuấn (mua của ông Trường) thì rõ ràng tôi đã bị vợ chồng anh Thái lừa. Đề nghị CQĐT cần khởi tố làm rõ hành vi lừa đảo này”.
Tuy nhiên, hành vi mang dấu hiệu lừa đảo lại chưa bị xử lý. Trong khi đó thì hành vi bị kết tội trong vụ án này lại đang có biểu hiện bị “hình sự hóa”. Còn hành vi dựng nhà trái phép, sự chậm trễ trong việc cưỡng chế phá dỡ của chính quyền… đã không được Tòa đề cập tới. Và kết cục là, pháp luật hình sự đã được đưa ra để bảo vệ một quan hệ sở hữu không hợp pháp đối với một tài sản đã hết giá trị sử dụng./.

Đọc thêm