Vỡ oà và đau đớn
Sau khi hôn nhân đồng giới (LBGT) được chính thức hợp pháp hóa trên toàn nước Mỹ, cộng đồng LGBT vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Những tưởng từ nay những con người này sẽ được cởi bỏ lớp mặt nạ để sống thật với bản thân, nhưng đâu đó lẩn khuất trong niềm vui sướng ấy có những con người vẫn không thể tận hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn khi hàng ngày phải lo sợ ánh mắt dè bỉu khinh khi từ xã hội, cộng đồng và những người xung quanh.
Mới đây, nhiếp ảnh gia Brandon Stanton của trang Humans of New York đã đăng tải tấm ảnh về một cậu bé đang khóc cùng với chia sẻ làm quặn đau trái tim của hàng triệu con người.
Lời nói của cậu bé như một nhát dao cứa vào tim của vô số con người, những người đang đấu tranh giành giật sự công bằng cho cộng đồng mình, những người lớn chứng kiến giọt nước mắt của một đứa trẻ, những kẻ cùng cảnh ngộ không dám công khai giới tính thật của mình.
Họ tự nhắc bản thân rằng, hợp pháp hóa hôn nhân là một bước tiến dài nhưng chưa thể xóa nhòa khoảng cách giữa hai thế giới.
Chỉ 1 giờ sau khi câu chuyện về cậu bé đồng tính được chia sẻ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng đã lên tiếng bình luận thể hiện sự ủng hộ và khích lệ tinh thần công dân nhí thuộc cộng đồng LGBT:
“Tiên đoán” từ một người trưởng thành dành cho cháu: Tương lai của cháu sẽ vô cùng tuyệt vời. Cháu sẽ tự cảm thấy bất ngờ với những điều kì diệu mà bản thân cháu có thể làm được. Hãy tìm kiếm những người yêu thương và tin tưởng ở cháu, ngoài kia có rất nhiều người như vậy”.
Không chỉ nhận được sự ủng hộ của bà Hillary, đoạn chia sẻ của Brandon còn thu hút hơn 511 nghìn lượt bấm “like”, gần 45 nghìn lượt chia sẻ và bình luận.
Nếu cháu là con của ta, ta cũng sẽ yêu quý con và ta sẽ là người bố tự hào nhất khi có một đứa con biết dũng cảm thừa nhận với bản thân và cả thế giới này. Và con biết không, bất kể chúng ta chọn là ai, chọn yêu ai, người ta cũng sẽ có đủ các lý do để không thích mình. Đừng để điều đó làm con bận tâm, cứ theo đuổi ước mơ và bước đi trên con đường của chính con. Và hãy nhớ rằng, người ta đến và đi qua đời con đều có lý do.
Có người chọn ở bên con một thời gian ngắn, có kẻ lại dài hơn. Có những người sẽ làm tổn thương con, nhưng sẽ có rất nhiều người chắc chắn sẽ bao bọc con, chấp nhận, dỗ dành và an ủi con. Từng người một, sẽ là những bài học dành cho con. Đừng bao giờ để ý tới thái độ của người khác như thế nào về mình, hãy sống cuộc đời của mình, hãy làm những việc mình cho là hạnh phúc, chỉ cần hạnh phúc đó không làm tổn thương bất kỳ ai thì hạnh phúc đó luôn xứng đáng được trân trọng”.
Đó là câu chuyện từ nước Mỹ xa xôi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khi LBGT được hợp thức hoá, cộng đồng mạng cũng đón nhận như một… trào lưu khi đồng loạt để cờ 6 màu, biểu tượng của người đồng tính. Tất nhiên, trong số những người ủng hộ đó, có người hiểu và có người… không hiểu họ đang chia sẻ điều gì, chỉ đơn giản là thấy mọi người ào theo một điều gì đó, mình cũng ào theo để chứng minh mình không… lạc hậu.
Nhưng sâu xa ở đó, là nỗi đau của người đồng tính, họ phải giấu mình trong sự dằn vặt, sự khác biệt ít ra đã được nhìn thấy và được thừa nhận, dù vẫn còn quá nhiều chông gai khi ai đó dám sống là chính mình…
Cậu bé Gay nhận phản hồi động viên của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton |
Ở Việt Nam, từ rất lâu rồi, giới tính, tình dục người ta có thể nói ở khắp nơi dưới nhiều hình thức rõ ràng hoặc ẩn ý nhưng tất cả chỉ mang tính chất là những câu chuyện đùa cợt, vui vẻ… Chính bởi không có sự nghiêm túc, nên ai cũng cho rằng đó là lẽ tự nhiên, ai rồi cũng đi qua trong cuộc đời. Và thời gian gần đây, người ta nói tới câu chuyện sau giai đoạn “ẩn ức” là sự bung ra của đời sống tình dục, khi Việt Nam là đất nước đứng hàng đầu về tỷ lệ nạo phá thai trên thế giới.
Trong khi các bậc phụ huynh và thầy cô còn đang loay hoay và né tránh những “chuyện người lớn” thì một khảo sát gần đây cho thấy tuổi quan hệ tình dục của nam lần đầu là 14 tuổi và được các chuyên gia lý giải phần lớn sự loạn dục do tự tìm hiểu qua internet. Con số này sớm hơn nhiều so với điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên lần 2 công bố năm 2010, tuổi quan hệ tình dục lần đầu là 18,1 tuổi.
Ông Lê Minh Công, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, dẫn chứng hai trường hợp rối loạn hành vi tình dục liên quan đến internet. Trường hợp thứ nhất là nữ, 18 tuổi, đang học THPT và sống ở Đồng Nai. Vấn đề của bạn gái này là có thay đổi về hành vi giới tính trong một năm nay: ăn mặc như con trai, có xu hướng hung hăng, cáu gắt với gia đình, sử dụng internet quá mức.
Tìm hiểu sâu xa cho thấy cô gái này thường xuyên sử dụng internet để vào chat room, việc trao đổi ẩn danh giúp cô có thể nói nhiều khó khăn trong cuộc sống. Sau chat là offline (gặp mặt) để uống cà phê rồi các em cặp thành các đôi, chia sẻ cảm xúc như các cặp đôi yêu nhau thật sự với nhiều cung bậc cảm xúc. Bạn cảm thấy lo lắng mình thuộc giới tính thứ ba và đến gặp bác sĩ.
Trường hợp thứ hai là T.A.T., một nam sinh lớp 8, đến gặp bác sĩ vì suy nhược cơ thể, mệt mỏi, buồn nôn, căng thẳng, hay cáu gắt, học tập sa sút... Khi tìm hiểu tâm lý sâu hơn, T. cho biết thường xuyên sử dụng internet để chơi trò chơi trực tuyến và tìm kiếm phim khiêu dâm. T. bắt đầu có hành vi lạ là có khoái cảm khi tiếp xúc với quần lót của mẹ và bà giúp việc, có hành vi thủ dâm với đồ vật cường độ cao. Theo ông Công, đây là trường hợp loạn dục với đồ vật.
Theo khảo sát này, có đến 45% từng tự quay, chụp ảnh sexy của bản thân, 21% từng quay, chụp hình ảnh sexy của người yêu, bạn tình (8% trong số này không được đồng ý), 16% từng quay, chụp hình ảnh sexy của người khác (25% trong đó không được đồng ý). 22% tham gia khảo sát từng nhận tin nhắn, cuộc gọi quấy rối tình dục nhưng chưa nhiều thanh niên biết ứng xử khi bị quấy rối.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Tài (TP. HCM), thậm chí có những bé gái có quan hệ tình dục lần đầu (tự nguyện) khi mới... 10 tuổi. “Đây là trường hợp dậy thì sớm từ năm 8 tuổi, khi tiếp xúc riêng với cháu, cháu đã thông tin quan hệ tình dục là tự nguyện. Có ba trường hợp có quan hệ tình dục lần đầu khi mới 10-12 tuổi, nhưng vì số lượng thấp nên chúng tôi không đưa vào tổng hợp chung”, bác sĩ Tài cho biết.
Ở các gia đình cha mẹ quan tâm, thân thiện với con cái, thường trao đổi hướng dẫn con khi có thay đổi về tâm sinh lý, học hành, khả năng có thai ngoài ý muốn giảm 0,62 lần, bác sĩ Tài cho biết thêm. Theo nghiên cứu, giai đoạn dễ xuất hiện có thai ngoài ý muốn nhất là thời điểm các bé gái 14-16 tuổi, cũng trùng hợp với giai đoạn các bé gái mới dậy thì, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Nếu gia đình không “bắt kịp”, có thể sẽ có rủi ro phát sinh trong quan hệ bạn bè của con trong giai đoạn này.
Bác sĩ Nguyễn Thu Giang, Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng cho hay, khác với các hình thức tác động khác, internet tác động nhanh và không định hướng. Nếu không có “bộ lọc”, bạn trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi cả điều xấu lẫn điều tốt trên mạng.
Với các bạn học sinh THPT, khảo sát tại hai trường thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội cho thấy cha mẹ thường đợi thầy cô giáo nói cho học sinh về sức khỏe sinh sản và tình dục, nhưng thực tế thông tin sức khỏe tình dục nhận được từ thầy cô là thấp nhất. Mặc dù, giáo dục giới tính và sức khỏe tình dục đã được lồng ghép vào ba môn học chính khóa, nhưng chỉ khoảng 17% học sinh THPT biết thời điểm dễ thụ thai (trong đó có 19% nam, 10% nữ).
Mới đây, tại một trại hè của Trung tâm sáng kiến sức khoẻ và dân số (CCIHP), các bạn học sinh THCS tham gia chương trình “Nói những điều khó nói” đã có cái nhìn khá nghiêm túc và nói về các biện pháp tránh thai, thụ tinh, chuyện “người lớn” và người đồng tính khá cởi mở: “Giờ đây, tớ đã hiểu rằng, dù là nam hay nữ đều có quyền bộc lộ nhu cầu tình dục của mình. Đồng thời, “chuyện ấy” xảy ra không chỉ ở người khác giới, mà giữa những người đồng giới cũng rất bình thường. Và việc làm này không nói lên phẩm chất, đạo đức của mỗi con người”.
Một bạn học sinh khác tâm sự: “Tôi nên làm gì- đó là câu hỏi mà tôi đã suy nghĩ bấy lâu. Tôi đã biết điều này từ khi tôi còn là một bé trai, thay vì muốn chơi đá bóng, siêu nhân như bao nhiêu bạn trai khác, tôi chỉ muốn được mặc váy và chơi búp bê mà thôi. Trái tim tôi đập mạnh khi ở bên người ấy, người con trai tôi yêu. Dù biết là sai trái, dù cố chối bỏ nhưng tôi không thể…”.
Đành rằng, không ai sinh ra muốn là một người dị biệt, nhưng không ai có thể sống hộ ai được nên dù là người đồng tính hay dị tính thì ai cũng là những con người bình thường trong cuộc đời, chỉ có sự khác biệt về hấp dẫn giới tính mà thôi. Và trong gia đình, khi một đứa trẻ được định hướng và có những thông điệp khéo léo về tình dục, về giới tính, không phải là sự né tránh thì những sự việc đau lòng, hay những vết trượt dài đã không xảy ra…