Cây sung “lạ” đem lại may – rủi cho gia chủ?

(PLO) - Khi kinh tế khó khăn, cây sung đã giúp gia đình ông Bùi Đăng Tỵ (SN 1941, ngụ xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) qua cơn hoạn nạn. Từ ngày cây bị sâu, quả ít, gia đình ông Tỵ lại lao đao.
Hình minh họa

“Lộc” sung

Nhà ông Tỵ nằm cuối một con ngõ nhỏ của xóm Miếu (xã Phù Chẩn). Xung quanh  bao bọc bởi nhiều cây sung. Ông Tỵ dáng người nhỏ nhắn, đon đả ra đón khách và cởi mở kể chuyện cây sung lạ của nhà mình.
Cây có từ trước khi ông ra đời, không rõ năm nào. “Ban đầu, nhà tôi có hai cây, một lớn, một nhỏ, mọc cách nhau vài mét. Thỉnh thoảng cây lại ra lác đác vài quả, anh em chúng tôi thường vặt quả chấm muối, nhiều lúc ăn no không cần ăn cơm. Sau này, cây nhỏ bị chặt đi để lấy đất làm nhà”, ông Tỵ kể.
Cây lớn còn lại phát triển nhanh trông thấy, cao gần 2m, tỏa tán rộng 8m, rợp bóng mát cả một khoảng sân rộng. Tuy sinh trưởng mạnh nhưng số lượng quả không nhiều. Sau đó, cây chết khô. Lá rụng hết.
Mất khoảng sân mát cho trẻ con chơi, ông Tỵ định đợi nhà xây xong sẽ chặt cây để đổ sân. Nhưng một thời gian sau, cây đột ngột “sống lại” đâm chồi, nảy lộc, xanh tốt lạ thường. Các mầm quả ở thân, ở cành cây nhú dần, chẳng bao lâu những quả sung bao phủ khắp cả cây, từ gốc lên đến ngọn.
Thấy cây sung cho ra quả “thích mắt”, ông quyết định không chặt nữa. Khi làm sân, ông cẩn thận lấy gạch quây gọn gốc cây. “Điều đặc biệt, mỗi lần trẻ con hái sung ăn đều tấm tắc khen ngon. Gia đình tôi thấy vậy cũng hái ăn. Quả sung vốn chát nhưng sung ở cây nhà tôi lại có vị ngọt, giòn… Ăn một quả muốn ăn thêm quả nữa”, ông Tỵ cười nói.
Thấy sung nhiều không ăn hết, ông bàn với vợ “liều” hái mang ra chợ bán. Ông kể: “Trước khi ra chợ, bà nhà tôi cứ lo không ai mua. Ai ngờ người ta nếm sung xong đều khen ngon, loáng cái hai rổ sung đã bán hết. Vui mừng vì bỗng dưng có thêm thu nhập, những ngày sau đó, vợ chồng tôi tiếp tục hái sung đi bán. Ngày nào cũng  hết nhẵn. Nhiều người còn theo về nhà mua”.

Theo lời ông Tỵ, dù xây được ngôi nhà mới kiên cố nhưng vợ chồng ông đã phải gánh vác một khoản nợ không hề nhỏ. Đang lúc bí bách không biết phải làm sao có tiền trả nợ thì bỗng “gặp may” có thêm thu nhập từ bán sung. Cây sung càng ngày càng nhiều quả. Ông Tỵ cho rằng cây “hiểu nỗi lòng” mình nên cũng tìm mọi cách chăm sóc, giữ gìn cho cây, bón phân đạm thường xuyên để “cảm tạ” cây.

 Ông Tỵ bên cây sung từng cho gia đình thu tiền triệu mỗi tháng.

Cứ rảnh rỗi ông lại tranh thủ bắt sâu, tưới tắm cho cây chu đáo. “Bình thường người ta vặt quả sẽ bẻ cả chùm sung hoặc tuốt quả tùy ý. Nhưng riêng tôi, mỗi lần hái sung, tôi hái từng quả một. Hái đến đâu hết đến đó và để trơ phần cuống của mỗi quả sung lại. Hái xong, tôi lấy nước sạch rửa từng cuống sung thật tỉ mỉ cho hết bụi bẩn. Chỗ nào bị muội bám, tôi phun thuốc hoặc dùng tay phủi hết. Cứ như vậy, từ cuống ấy mầm quả sẽ mọc ra rất nhanh. Trừ những cuống bị khô còn lại, chỉ cần khoảng một tháng tôi lại có sung bán”, ông kể.

Theo đó, mỗi năm gia đình ông sẽ có khoảng 10 đợt thu hoạch sung. Mỗi đợt gần 80kg, trong khoảng một tuần. Ông cho biết, mấy năm trước, một cân sung giá 5 – 6 ngàn. Nhưng gần đây giá cao hơn, khoảng 10 ngàn đồng/kg, đỉnh điểm lên tới 12 ngàn/kg. Ông Tỵ nói, mỗi tháng ngoài hơn 2 triệu tiền lương thương binh còn “kiếm được kha khá” từ việc bán sung.
Cây chết, gia đình lao đao?
Kể về cây sung quý của mình, ông Tỵ nói từ năm cây sung sống lại và cho ra nhiều trái ngọt, cuộc sống gia đình ông cũng thay đổi nhiều. Từ một gia đình khó khăn, đông con, con cái không được học hành đến nơi đến chốn, giờ đây các con ông đều có kinh tế ổn định.
“Tôi có 5 người con. Nhưng mỗi đứa đều đã tự gây dựng được tài sản riêng cho mình. Vợ chồng tôi không phải lo lắng cho đứa nào. Cây sung đã già, nhiều lần cũng có ý định chặt đi cho quang đãng nhưng sau đó, tôi vẫn quyết định giữ lại”, ông chia sẻ.
Chuyện đồn đại gia đình ông “gặp nhiều vấn đề” bắt đầu vào cuối năm 2011. Cây sung vốn luôn xanh tốt, quả nhiều bỗng không ra quả, dù vẫn được chủ nhân chăm sóc chu đáo. Sự việc bất thường đó khiến gia đình ông khốn đốn vì vừa hụt một khoản thu nhập khá, vừa phải đối diện với nhiều lời đồn thổi.
“Người ta đồn đại nhà tôi lấy “lộc” từ cây nhiều quá, bây giờ phải “trả lại”. Cây không ra quả có nghĩa gia đình tôi cũng sẽ lụi bại. Bản thân tôi ốm đau liên miên. Con cái không những bị đau ốm mà ngay cả việc làm ăn cũng không thuận lợi. Những lời đồn đại đó khiến gia đình tôi rất buồn vì sự thật không phải vậy”, ông Tỵ rầu rĩ.
Ông giải thích, chuyện ông ốm đau là có thật nhưng ông là thương binh, vết thương tái phát mỗi khi thời tiết thay đổi là bình thường. Ông Tỵ than thở: “Ngày trẻ, sức khỏe tốt, mỗi lần bị đau đớn, tôi đều chịu đựng được. Nay tuổi cao sức yếu, vết thương cũ tái phát, đó là điều không thể tránh được. Riêng chuyện làm ăn của các con không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Phải có lúc này lúc kia. Cây cũng như người, nó già rồi, có chăm bẵm cũng không cầm cự mà xanh tốt mãi được”.
 Những cây sung ông Tỵ nhân giống nay đã được thu hoạch.
Bởi vậy, không quan tâm những lời đồn đại ác ý, ông Tỵ không những chăm sóc cây sung trăm tuổi mà còn nhân giống trồng khắp trên mảnh vườn nhỏ hẹp của mình. Ông hào hứng bộc bạch: “Cây sung đó đã gắn liền với tôi và gia đình mấy chục năm. Nó giống như một người bạn già thân thiết của gia đình nên dù giờ cây bị muội, bị mục gần hết nhưng tôi vẫn cố gắng chăm sóc thật tốt cho nó. Cây đã gãy gần hết phần thân nhưn vẫn đâm chồi nhánh, giờ cũng đã cao “đáo để” rồi. Cây sung “mẹ” thì vậy, còn những cây sung tôi nhân giống được hiện nay gia đình cũng đã thu hoạch được nhiều lứa. Tuy nhiên, so với cây “mẹ” thì chất lượng quả không ngon bằng”.
Chia sẻ về cây sung lạ của gia đình ông Tỵ, ông Lê Nguyên Tuân, Trưởng xóm Miếu cho hay: “Cây sung nhà ông Tỵ rất nổi tiếng. Xung quanh đây chưa có nhà nào có cây sung ra nhiều quả như thế. Chuyện cây sung bị trụi quả và đang dần chết có ảnh hưởng tới gia đình ông Tỵ chỉ là lời đồn đại. Bởi cây già cằn cỗi là quy luật tự nhiên”.

Đọc thêm