Sợ… khi chết không được ăn cơm cúng
Bà Nguyễn Thị Điền (71 tuổi, ngụ đường Đoàn Văn Bơ, phường 14, quận 4, TP.HCM) trình bày, gia đình có 4 anh chị, quê gốc ở ấp 2, xã Long Thới, huyện Nhà Bè. Bố bà tham gia cách mạng từ năm 1940.
Do chồng đi kháng chiến, thường xuyên bị địch vào nhà dò xét nên mẹ bà Điền thay đổi tên họ cho các con, đổi từ họ “Trang” sang họ “Nguyễn”.
“Để khỏi bị giặc truy hỏi, chúng tôi khai chệch đi bố đã chết, thực ra năm 1992 cụ mới qua đời do tai biến. Thời gian đó mẹ tôi đưa các con lên Sài Gòn tá túc tại Quận 4 bây giờ”, bà Điền kể.
Năm 1976 cả nhà bà Điền ra chính quyền kê khai lại họ tên thật trước đây. Riêng bà Điền lập gia đình từ năm 1965, bám lại thành phố sinh sống nên không đi chung.
Giấy CMND bà Điền đang sử dụng hiện tại |
Suốt 71 năm qua, bà dùng tên Nguyễn Thị Điền trên tất cả giấy tờ hộ tịch, hộ khẩu. Việc mang họ giả không gây phiền toái hay thiệt hại gì. Bản thân cụ Điền chưa bao giờ để ý đến chuyện họ tên cho đến tháng 7/2014 vừa qua.
Lúc này mẹ bà này lâm bệnh qua đời, trong lễ tang, người con gái chột dạ tủi thân bởi người chị và 2 em trai mang họ “Trang” của bố, còn mình vẫn mang họ “Nguyễn”.
Đám tang xong, bà Điền đem chuyện dùng họ giả than phiền với các con rằng: “Là anh em ruột, thế mà tao mang họ khác. Sau này chết đi, người ta kêu tao họ “Nguyễn”, làm sao tao về ăn cơm cúng được”. Thấy mẹ già buồn phiền, các con bà Điền đem giấy tờ ra UBND phường 14 làm thủ tục cải chính thông tin hộ tịch.
“Mớ bòng bong” thủ tục pháp lý
Tại phường, bà Điền được hướng dẫn làm giấy khai sinh trễ hạn do bố mẹ chết không có giấy chứng tử. Căn cứ pháp lý cán bộ hộ tịch phường dựa vào là tờ hôn thú của bà Điền dưới chế độ cũ.
Tuy nhiên trong tờ hôn thú, bà Điền khai họ “Nguyễn”, khai tên giả của bố mẹ là Nguyễn Văn Năm và Nguyễn Thị Hai. Ông Năm từ năm 1976 đã đổi lại tên Trang Tấn Khương, bà Hai đổi lại Hà Thị Tánh.
“Từ trước đến nay tôi chưa từng làm giấy khai sinh, nếu làm khai sinh dựa theo tờ hôn thú thì tôi vẫn mang họ Nguyễn. Nội dung tờ trình lại không đúng hoàn cảnh gia đình tôi”, bà Điền nói.
Cụ bà 71 tuổi đưa ra tập đơn xác nhận có chữ kí, dấu đỏ của chính quyền xã Long Thới, huyện Nhà Bè trình bày: Trước khi làm thủ tục khai sinh, bà đã về nơi gia đình cư ngụ trước đây xin giấy xác nhận. Chị gái, em trai của bà Điền đã làm đơn xác nhận lời khai.
Bà Điền cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu khai man |
Bản thân bà cam kết bằng văn bản rằng việc làm giấy tờ tùy thân chỉ nhằm thỏa nguyện vọng lấy lại họ của cha, đến khi qua đời được chung họ với các chị em khác. Cụ bà cam kết không liên quan đến tranh chấp, kiện tụng và nếu có hành vi mạo nhận ông Trang Tấn Khương và bà Hà Thị Tánh làm bố mẹ sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Nhưng cán bộ tư pháp phường trả lời những giấy tờ này chưa đủ cơ sở để làm giấy khai sinh theo nguyện vọng.
Sau đó, cán bộ phường yêu cầu chứng minh hai người Nguyễn Văn Năm và Trang Tấn Khương là một, nhưng bà Điền không có giấy tờ chứng minh: “Tất cả người dân ấp 2 xã Long Thới và các anh chị của bố mẹ tôi hiện còn sống có thể làm chứng. Chứ giấy tờ thất lạc, tôi không còn lưu đủ”, bà trình bày.
Mong muốn thoả ước nguyện cuối đời của mẹ già, con trai bà Điền lên Sở Tư pháp xin trích lục giấy khai sinh. Cơ quan này cho biết không tìm thấy trong hồ sơ lưu trữ do từ trước đến nay bà chưa từng đăng kí khai sinh.
Gia đình tiếp tục gửi đơn lên UBND quận 4, đơn vị này từ chối nhận đơn. Hơn 3 tháng nay, cụ bà “đòi lại họ cha” cùng các con gõ cửa các cơ quan tư pháp từ phường lên sở nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thoả mãn.
“Phường hẹn trả lời bằng văn bản rồi lại không, quận từ chối nhận đơn. Người ta hướng dẫn tôi phải làm đơn gửi ra trung ương, chờ gửi đơn tới nơi chắc gì tôi còn sống”, bà Điền bức xúc./.