Châu Âu gặp khó vì thiếu chip điện tử của châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Biến thể Delta của SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành khắp châu Á. Là nguồn cung cấp đến 80% linh kiện bán dẫn cho thị trường toàn cầu, việc châu Á bị tê liệt một phần vì dịch bệnh khiến châu Âu cũng bị vạ lây vì thiếu linh kiện...
Châu Âu gặp khó vì thiếu chip điện tử của châu Á

Tác động nặng nề

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến hàng loạt các nhà máy trên thế giới phải hoạt động chậm lại. Ở nhiều nơi, các công nhân không thể đến nhà máy để làm việc. Tuy nhiên, lý do ngoài việc nhằm ngăn chặn lây lan của dịch bệnh còn có việc do vấn đề kỹ thuật, thiếu các linh kiện để sản xuất những bộ phận được cho là “não bộ” của những thiết bị điện tử bao gồm từ xe hơi đến điện thoại thông minh, máy tính cá nhân, TV, thẻ tín dụng ngân hàng...

Châu Âu là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả, trong gần 1 năm qua, hàng loạt các nhà máy sản xuất xe hơi trên khắp nước Pháp đã phải tạm cho nhân viên nghỉ việc nhiều đợt. Theo thống kê, trong năm qua các xưởng sản xuất của hãng xe Nhật Toyota ở châu Âu chỉ hoạt động 40% so với công suất bình thường vì nhà máy không còn chip điện tử để lắp ráp xe. Tập đoàn Volkswagen của Đức cũng chịu cảnh tương tự. Còn Tập đoàn sản xuất xe vận tải của Thụy Điển Scania vào cuối tháng 8 vừa qua đã phải thông báo ngừng sản xuất trong vòng một tuần tại tất cả các nhà máy ở Thụy Điển, Pháp và Hà Lan cũng vì lý do thiếu linh kiện.

Các nhân viên tại chi nhánh của Tập đoàn Peugeot ở Rennes (Pháp) sau khi vừa kết thúc kỳ nghỉ hè kéo dài 3 tuần vào tháng 8 vừa qua cũng đã bất ngờ được thông báo tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ phép ngoài ý muốn. Tổng Giám đốc Emil Frey France - hãng phân phối 28 nhãn hiệu xe khác nhau với 250 văn phòng đại diện trên cả nước Pháp - trong một tuyên bố cho hay, thời gian giao hàng của các nhà máy theo thông báo sẽ bị chậm từ 6 đến 9 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Theo hãng tư vấn Boston, chỉ riêng trong năm nay, hiện tượng khan hiếm linh kiện bán dẫn đã ảnh hưởng đến tốc độ bán ra của khoảng 8 triệu chiếc xe trên thế giới, tương đương với gần 10% thị trường toàn cầu. Công ty chuyên về thẩm định Alix Partners (New York, Mỹ) cho biết, việc này dẫn đến khoản thất thu ước tính lên tới khoảng 110 tỷ USD cho chuỗi cung ứng xe hơi.

Vấn đề là hiện tượng khan hiếm chip điện tử có nguy cơ kéo dài. Theo ông Paul Boudre - Tổng Giám đốc Tập đoàn cung cấp nguyên liệu sản xuất công nghệ bán dẫn Soitec của Pháp cho rằng, “cơn khát” chip điện tử ở châu Âu có thể sẽ kéo dài thêm 6 đến 9 quý nữa, tức là đến tận cuối năm 2023.

Đâu là nguyên nhân?

Theo các chuyên gia, một phần nguyên nhân khiến thị trường công nghệ bán dẫn càng lúc càng trở nên khan hiếm là do dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại châu Á, nơi tập trung đến 80% các nhà máy sản xuất chip điện tử để cung cấp cho toàn cầu. Điển hình, chỉ riêng Tập đoàn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) đã sản xuất 28% chip điện tử bán ra cho thế giới. Một “ông lớn” của Đài Loan trong lĩnh vực này là Tập đoàn UMC cũng chiếm 13% thị phần toàn cầu. Nhật Bản trong khi đó bảo đảm 16,5% nhu cầu tiêu thụ của thế giới, còn của Hàn Quốc là 21%.

Theo cơ quan tư vấn IC Insight của Mỹ, trong lĩnh vực điện tử, châu Âu lệ thuộc vào 94% chip điện tử châu Á. Trong đó, 5 nhà máy tại Malaysia là nguồn cung cấp chính phục vụ các nhà máy lắp ráp xe hơi tại châu Âu. Trong số 5 nhà máy này, một nhà máy được đặt tại bang Penang ở phía Tây Bắc Malaysia; một nhà máy đặt tại tỉnh Kedah, sát biên giới với Thái Lan; một ở cảng Malacca; một ở khu vực cực nam là tỉnh Johor và nhà máy quan trọng cuối cùng được đặt tại bang Selangor, cách thủ đô Kuala Lumpur không xa. Dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 và bùng phát mạnh trở lại tại Malaysia từ đầu năm nay đã khiến các nhà máy này phải tạm đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng với số lượng nhân viên ít hơn nhiều so với bình thường.

Trong khi nguồn cung bị thu hẹp đáng kể như vậy thì nhu cầu ở châu Âu lại gia tăng nhanh chóng, một do dịch bệnh đã làm phát sinh thêm những nhu cầu mới. “Linh kiện bán dẫn từ 40 năm nay đã đem lại nhiều thay đổi trong cuộc sống hàng ngày... Ngành công nghệ bán dẫn càng lúc càng chiếm một vị trí quan trọng và cũng đã có nhiều tiến bộ trên thị trường này. Đại dịch đã đưa đến nhiều thay đổi quan trọng, thậm chí có thể nói là đảo lộn mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta”, ông Paul Boudre nhận định.

Cụ thể, theo ông Boudre, trước đây, các ngành công nghiệp như xe hơi là những ngành chủ yếu sử dụng chip điện tử. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng lên, trong giai đoạn phong tỏa, mọi người đã phải mua thêm đến 300 triệu chiếc máy tính cá nhân để làm việc, để phục vụ cho việc học tại nhà, kéo theo nhu cầu linh kiện bán dẫn để phục vụ cho sản xuất cũng gia tăng, đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử đứng trước nhiều thử thách.

Ưu tiên chiến lược

Một phần nguyên nhân khác khiến hoạt dộng sản xuất tại châu Âu bị đình trệ là do thiếu sự chuẩn bị từ trước. Trung Quốc đã lo xa, tích trữ linh kiện cần thiết cho hoạt động sản xuất trong một thời gian dài. Cùng với đó, nước này cũng đã đầu tư 180 tỷ USD để phát triển các nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn, để không còn lệ thuộc vào những con “bọ điện tử” của Mỹ. Do đó, khi dịch bệnh xảy ra, Trung Quốc đã tránh được nguy cơ thiếu hụt linh kiện, kéo theo dây chuyền sản xuất bị gián đoạn. Còn Mỹ từ lâu cũng đã xem công nghệ bán dẫn là một ưu tiên chiến lược thì châu Âu gần đây mới bắt đầu nhập cuộc.

18 tháng trước, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng lên, tại Pháp nói riêng và Liên minh châu Âu nói chung đã có nhiều ý kiến thúc giục thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo tự chủ về mặt công nghiệp để tránh nguy cơ thiếu hụt từ khẩu trang đến trang thiết bị y tế đến lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Tuy nhiên, các nhà máy chip điện tử của châu Á cho đến rất gần đây vẫn hoạt động gần như bình thường. Do đó, việc “tự chủ về công nghiệp” của châu Âu đã tạm lắng xuống.

Vậy nên ngành công nghiệp xe hơi của châu Âu, với 2 đầu tàu là các hãng lớn của Đức và Pháp, điêu đứng vì thiếu linh kiện bán dẫn của châu Á, thất thu hàng chục tỷ USD được kỳ vọng sẽ là cú hích thúc đẩy “Lục Địa Già” thay đổi chiến lược phát triển công nghiệp.

Theo ông Boudre, nhu cầu linh kiện bán dẫn của ngành y tế, giáo dục đang gia tăng trong bối cảnh đại dịch. Vì vậy, các trung tâm nghiên cứu về công nghệ nano và công nghệ vi mô càng cần được hỗ trợ nhiều hơn. “Đã đến lúc các tập đoàn của châu Âu cần đẩy mạnh chiến lược phát triển trong lĩnh vực này. Châu Âu có những công ty dẫn dầu thị trường trong ngành. Những công ty đó cần được hỗ trợ để tiếp tục là những con chim đầu đàn, để tiếp tục giữ thế thượng phong trong tương lai”, ông nhận định.

Đọc thêm