Nhưng số này cũng thừa biết rằng cả khi ông Biden đắc cử thì cũng vẫn không có nghĩa là mối quan hệ giữa Mỹ với châu Âu sẽ lại như ở thời ông Biden la Phó Tổng thống Mỹ.
Nhưng cái khó lớn nhất và không dễ khắc phục nhất là những thách thức từ nơi khác đến với châu lục, cụ thể là dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, là suy thoái kinh tế và khủng bố. So sánh với 3 thách thức này thì những thử thách khác đối với các nước châu Âu như vấn đề dòng người tị nạn và nhập cư; dân chủ nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở một số nước trên châu lục hoặc cả chuyện nước Anh ra khỏi EU (Brexit) chỉ là chuyện dễ xử lý hơn.
Hiện tại, trên thế giới chỉ còn Mỹ có thể sánh ngang với các nước châu Âu về mức độ lây lan và hoành hành của dịch bệnh, cả về số lượng ca nhiễm dịch bệnh mới lẫn số lượng người bị chết vì dịch bệnh. Châu Âu lại trở thành tâm điểm mới của dịch bệnh với làn sóng dịch bệnh thứ hai, thậm chí thứ ba. Ở rất nhiều nơi trên châu lục, chính quyền lại phải áp dụng biện pháp phong toả đất nước và cách ly xã hội. Dịch bệnh đang dần vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các quốc gia và chính quyền ở các nơi bây giờ chỉ còn tìm cách cầm cự với dịch bệnh cho tới khi có được vaccine phòng ngừa.
Chưa thấy ở nơi đâu trên châu lục có đối sách khả thi và hiệu quả hơn trong ứng phó dịch bệnh. Cũng không thấy có nỗ lực thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa các nước trên châu lục, đặc biệt giữa các quốc gia thành viên EU, để cùng đối phó dịch bệnh. Không chỉ có trong 2 tháng cuối năm nay mà chắc chắn còn cả trong năm tới, châu lục vẫn bị sa lầy và khốn khó bởi dịch bệnh.
Trong bối cảnh tình hình ấy, kinh tế châu lục làm sao có thể tăng trưởng được, ở nơi đâu kinh tế không bị suy thoái đã là tốt lắm rồi và chỉ ở rất ít nơi trên châu lục hiện thấy có biểu hiện tăng trưởng kinh tế dương. Các biện pháp chính sách riêng của các quốc gia và của Liên minh châu Âu (EU) cho tới nay chưa đủ để có thể xoay chuyển được chiều hướng diễn biến của tình hình tăng trưởng kinh tế xã hội này.
Nỗi khốn khó chung của châu lục thêm gia tăng khi khủng bố lại xảy ra, như mới đây nhất ở Pháp và Áo. Thủ phạm khủng bố được xác định là những phần tử Hồi giáo cực đoan. Cả chính phủ Pháp lẫn chính phủ Áo đều coi những hành động khủng bố này là cuộc tấn công của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nhìn nhận đó là lời tuyên chiến của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và trên thực tế cũng đã tuyên chiến.
Pháp là thành viên của NATO và bị tấn công như thế đồng nghĩa với việc Pháp yêu cầu các thành viên khác của NATO phải luôn sẵn sàng thực hiện cam kết cùng bảo vệ an ninh cho đồng minh. Cả Áo làm vậy cũng có nghĩa nhắc nhở các nước thành viên EU phải ủng hộ Áo. Khủng bố lại bùng phát trên châu lục không chỉ đơn giản là thách thức và đe dọa an ninh trực tiếp đối với các nước trên châu lục mà còn khơi dậy những căng thẳng và mâu thuẫn, đối kháng và xung khắc giữa đạo Hồi và phương Tây về ý thức hệ.
Những chuyện liên quan đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở các nước châu Âu luôn có thể bùng nổ và biến dạng thành bạo lực và hiềm khích trên chính trường cũng như trong nội bộ xã hội ở các quốc gia châu Âu. Thách thức ngày càng thêm trầm trọng trong khi chưa thấy ở nơi nào trên châu lục có được ý tưởng giải pháp thích hợp va khả thi giúp châu lục khắc phục được thách thức này.
Năm 2020 chưa qua nhưng hiện đã có thể nhận xét được rằng nó không phải là năm tốt lành gì cho châu lục.