Tháng 7 về, dải đất miền Trung nắng như đổ lửa. Những người làm báo Pháp luật Việt Nam từ mọi miền Tổ quốc vẫn đều đặn hẹn nhau ở Thủ đô, thực hiện hành trình vượt hơn 500 cây số tìm về Quảng Trị để thắp nén hương thơm tri ân những anh hùng đã ngã xuống cho nền độc lập hôm nay…
1.Tính đến chuyến đi vào ngày 17/7 này, những người làm báo Báo Pháp luật Việt Nam lần thứ 8 về nguồn trong nắng lửa. Tôi còn nhớ vào một tối mùa hè nóng nực năm 2009, Tổng Biên tập Đào Văn Hội, Trưởng phòng Trị sự Trịnh Đức Tiến (giờ đã nghỉ hưu) anh Quang Tám – phóng viên thường trú của Báo ở Huế và tôi ở một quán ven đường lên Nghĩa trang đường 9.
Đêm đó, anh Hội nói nhiều về chuyến “mở đường” cho các cuộc hành hương sau này về vùng đất lửa Quảng Trị vào tháng 7 hàng năm. Tự đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta phải vào đây, anh Hội đồng thời trả lời: “Vì đây là một trong những địa danh tàn khốc nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam; nơi nằm lại của rất nhiều chàng trai, cô gái “xếp bút nghiên theo việc đao cung” để mong quê hương thống nhất; nơi có nhiều địa danh như sông Bến Hải, nơi chia cắt đất nước, Thành cổ Quảng Trị, Ngã ba Đồng Lộc... vẫn còn dấu tích của bom đạn với những trận đánh ác liệt... Hành trang chúng ta mang theo là tinh thần tưởng nhớ thế hệ cha anh, tôn trọng sự thật của lịch sử và những thế hệ tiếp nối phải sống xứng đáng với sự ngã xuống này”.
Hồi đó, tôi thực sự bất ngờ khi thấy hành trang mang vào Quảng Trị có cả những chồng báo PLVN với nhiều ấn phẩm khác nhau. Lý giải điều này, Tổng Biên tập nói: “Mang tặng cho các anh đọc. Đây giống như một hành động báo công của người làm công tác báo chí với người đã khuất”.
|
Đoàn công tác của Báo Pháp luật Việt Nam tại Nghĩa trang Trường Sơn |
Trong cái nóng đổ lửa của Quảng Trị, lễ vật mang theo, trong đó có những tờ báo Pháp luật Việt Nam, gửi cho các anh chị như một tâm nguyện của người làm báo: Được sống trong hòa bình là một điều may mắn và sống phải xứng đáng với thế hệ cha anh đã ngã xuống cho hòa bình.
Mỗi lần đến đây, nhìn hàng ngàn ngôi mội trên vùng đồi núi này thì những tham vọng của chúng ta dường như chùng xuống. “Ở đây chỉ còn lại tình người, sự san sẻ với nhau. Tôi muốn hàng năm anh em đến đây không phải chỉ thăm viếng mà thấm nhuần một bài học lớn về đạo đức, sự hy sinh và tình người”, anh Hội bộc bạch như vậy sau một ngày ròng rã với các địa danh nơi đây.
2. Cũng như Quảng Trị, Hà Tĩnh được biết đến là một trong những địa danh hứng chịu nhiều đau thương trong chiến tranh chống Mỹ và Ngã ba Đồng Lộc là địa chỉ đỏ không thể thiếu trong các chuyến về nguồn tri ân.
Như một huyền thoại, địa danh mà 10 nữ thanh niên xung phong nằm lại bên nhau từ lâu đã trở thành một địa chỉ linh thiêng. Đến đây, nhìn các o (người Hà Tĩnh gọi các cô là o) nằm cạnh nhau khiến chúng ta tưởng tượng như các o đang trò chuyện vui vẻ với nhau sau những giờ phá bom, mở đường.
|
Phó Tổng Biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến dâng hương tại Nghĩa trang Đường 9 |
Tuổi trẻ họ đã sống như vậy, đơn giản, không vướng bận nhiều, những sự cống hiến cho đất nước quả là lớn lao. Tấm gương trong sáng của 10 cô gái ở ngã ba bom đạn dày đặc này luôn nhắc nhở chúng ta sống với nhau an lành và nâng niu hòa bình.
Trở lại chuyến đi đầu tiên và được coi là tiền trạm, tôi không bao giờ quên cảnh 4 anh em, chú cháu thuộc 3 thế hệ ngồi bên nhau cạnh dòng Thạch Hãn trong đêm tưởng niệm những người lính đã nằm lại dòng sông này khi tham gia đánh trận Thành cổ. Cả dòng sông đỏ lửa từ những ngọn hoa đăng được thả nhẹ trôi trên dòng sông.
Tĩnh lặng trong đêm tháng 7 và thanh âm của tiếng cầu kinh từ các vị sư cầu cho linh hồn các tử sĩ siêu thoát khiến chúng tôi cảm thấy mình rất gần với các chú, các anh, các chị. Lúc này, chúng tôi mới thấm bốn câu thơ nổi tiếng của tác giả Lê Bá Dương viết về dòng sông này: Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.
Không gian đó, con người đó, mảnh đất đó là động lực thúc đẩy mỗi năm đến tháng 7, những người làm báo Báo Pháp luật Việt Nam lại tìm về như một lẽ tự nhiên để soi mình đã sống, làm việc xứng đáng với sự hi sinh của các cô, các chú, các anh chị hay chưa.?