Chây ì thi hành án, công ty Vĩnh Tường“đánh đu” với pháp luật?

(PLO) - Trong khi Công ty TNHH Vĩnh Tường tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì người được thi hành án lại phải đối mặt với những yêu cầu “từ trên trời rơi xuống” khiến cho việc thi hành án chuyển giao khách sạn Wooshu Plaza dậm chân tại chỗ.
Chây ì thi hành án, “đánh đu” với pháp luật
Theo Bản án phúc thẩm số 317/2013/DS-PT ngày 14/10/2013 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.Hồ Chí Minh xét xử vụ việc Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai kiện đòi Cty Vĩnh Tường phải giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại phường Tân Biên, TP.Biên Hòa (chính là khách sạn Wooshu Plaza mà Cty Vĩnh Tường là chủ sở hữu) thì Cty Vĩnh Tường buộc phải thực hiện hợp đồng, giao quyền sử dụng đất và khách sạn Wooshu Plaza cho Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai để khấu trừ khoản nợ tương đương 11 triệu USD mà Cty Vĩnh Tường vay của Cty Orient trước đó. Ngày 28/10/2013, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định thi hành án số 09/QĐCTHA cho thi hành bản án trên.
Khách sạn Wooshu Plaza đã được Tòa giao cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai
Khách sạn Wooshu Plaza đã được Tòa giao cho 
Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai 
 
Tuy nhiên, Cty Vĩnh Tường đã tìm “trăm phương nghìn kế” để không thực hiện bản án. Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh trong các số báo trước đây, ngay sau khi bản án được tuyên và có hiệu lực, Cty Vĩnh Tường đã tìm cách nhằm thay đổi “cục diện” vụ án bằng việc làm đơn kêu cứu gửi lãnh đạo các cơ quan nhà nước ở Đồng Nai và Trung ương. Trong đó, Cty Vĩnh Tường không ngần ngại đưa ra những thông tin không đúng sự thật nhằm tránh việc phải giao tài sản để trả khoản nợ đã vay.
Song, vì vụ án đã được giải quyết đúng pháp luật và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã không xem xét lại, thế nên trước trách nhiệm phải giao tài sản theo bản án, Cty Vĩnh Tường lại tìm cách trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Theo nguồn tin của Báo Pháp luật Việt Nam, khi được Cục Thi hành án dân sự Đồng Nai triệu tập đến làm việc, bà Linda Tan Woo đã không có mặt mà cử người không có thẩm quyền đến làm việc. Việc làm này đã gây trở ngại cho việc thi hành án do cơ quan thi hành án không làm việc được với người đại diện theo pháp luật của Cty Vĩnh Tường để giải quyết việc thi hành án.
Vụ việc khó thi hành án?
Theo bản án thì Cty Vĩnh Tường có nghĩa vụ chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai. Nói một cách ngắn ngọn, toàn bộ hai thửa đất và tài sản trên đất là khách sạn Wooshu Plaza phải được chuyển giao cho Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai sở hữu, sử dụng theo quy định của pháp luật. 
Tài sản thi hành án đã được kê biên theo quyết định của Tòa án và việc còn lại chỉ là buộc Cty Vĩnh Tường phải chuyển giao tài sản trên. Do đó, đây không phải là vụ việc khó thi hành án. Thế nhưng, được biết hiện nay Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai lại nhận được yêu cầu của cơ quan thi hành án là phải chứng minh “điều kiện” thi hành án của Cty Vĩnh Tường. Việc cơ quan thi hành án đưa ra yêu cầu trên liệu có vô lý khi tài sản thi hành án đang tồn tại và đã được kê biên để đảm bảo thi hành án? 
Theo Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai, để nhanh chóng thi hành án, công ty đã tích cực phối hợp với Cục Thi hành án dân sự Đồng Nai để giải quyết những vấn đề mà Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai đặt ra, như Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai chấp nhận thực hiện các hợp đồng, giao dịch với các đối tác mà Cty Vĩnh Tường đã ký, miễn là giao dịch đó minh bạch, đúng pháp luật và giao dịch đó phải được Cty Vĩnh Tường và khách thuê thực hiện đúng theo nội dung Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 139/2012/QĐ-BPKCTT ngày 21/12/2012 của TAND tỉnh Đồng Nai về việc cấm thực hiện một số hành vi nhất định đối với Cty TNHH Vĩnh Tường.
Tuy nhiên, Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai không đồng ý tiếp nhận lao động của Cty Vĩnh Tường đang làm việc tại khách sạn Wooshu Plaza như đề xuất của cơ quan thi hành án, vì bản án buộc Cty Vĩnh Tường chuyển giao tài sản mà không phải là chuyển giao cả công ty. Liệu đây có phải là một khó khăn gây trở ngại cho việc thi hành án? Theo Luật sư Lê Văn Đài - Trưởng VPLS Khánh Hưng (Đoàn Luật sư Hà Nội), trường hợp người được thi hành án không đồng ý tiếp nhận lao động thì vẫn phải thực hiện biện pháp cưỡng chế giao tài sản cho Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai.
Nếu việc thi hành án tiếp tục kéo dài thì nguy cơ người phải thi hành án lại tìm cách gây khó khăn, cản trở việc thi hành án bằng việc tẩu tán tài sản, xuất cảnh ra nước ngoài hoặc các chiêu trò khác khiến cho bản án của Tòa án có nguy cơ trở thành “án giấy” và tài sản hàng trăm tỷ đồng của Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai rất khó thu hồi. Do đó, theo Luật sư Đài, việc nhanh chóng thi hành bản án để đảm bảo bản án có hiệu lực thực tế và bảo vệ sự công bằng của pháp luật là yêu cầu cấp thiết từ phía Nhà nước và tổ chức, cá nhân được thi hành án. 
Đến nay, việc thi hành bản án vẫn dậm chân tại chỗ gây bất bình cho người được thi hành án và việc chậm trễ này phải nhanh chóng kết thúc để bảo vệ quyền lợi cho người đã bị thiệt hại do việc vi phạm hợp đồng và sự chây ì thi hành án gây ra. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc này. 

Đọc thêm