Món ăn kết nối tình thân
Nằm cách Thượng Hải 150km về phía nam, thành phố cổ Ninh Ba là một trong những cổng thương mại cổ nhất và quan trọng nhất của Trung Quốc. Được cho là một trong những điểm khởi đầu của Con đường Tơ lụa trên Biển và là nơi khởi thuỷ của nghệ thuật vẽ tranh phong cảnh và thơ ca Trung Hoa, Ninh Ba cũng là nơi có một trong những món ăn được yêu thích nhất của Trung Quốc: Chè thang viên (Tangyuan) - thứ bánh trôi tàu với cái tên có nghĩa là hoà hợp và đoàn viên.
Vào mùa đông, hàng triệu người ở Ninh Ba và trên cả nước Trung Quốc lại ngồi xuống bên người thân để ăn món tráng miệng vốn đã có từ hơn 1.100 năm nay, một món ăn rất có ý nghĩa về mối quan hệ gia đình.
Chè thang viên bắt đầu xuất hiện từ thời nhà Đường (618-907). Thời đó, người dân ở Ninh Ba ăn những viên bột gạo nếp có nhân vừng đen, mỡ lợn và đường trắng mềm. Món này được đặt một số tên gọi khác nhau, nhưng đến đầu thập niên 1.400 thì cái tên “Nguyên Tiêu” (Yuanxiao - tức là 'đêm đầu tiên') trở nên phổ biến rộng rãi, được đặt tên theo Tết Nguyên Tiêu, tức ngày rằm đầu tiên của năm âm lịch.
Món chè được chế biến cầu kỳ. |
Nhưng có một huyền thoại về món ăn này là trong thời gian từ 1912 đến 1916, Viên Thế Khải đã bài xích tên gọi của món này, vì đọc lên trong tiếng Trung món ăn này nghe na ná như là ‘Viên tiêu’, có nghĩa là ‘xoá bỏ Viên’. Ông ra lệnh đổi tên nó thành “Thang viên” (có nghĩa là những viên tròn trong bát nước dùng).
Đáng chú ý là yêu cầu của ông lại được chấp nhận. Người dân ở miền nam Trung Quốc nay gọi món này là “Chè thang viên”, trong khi đó những người sống ở miền bắc và miền trung Trung Quốc vẫn gọi đây là món “Nguyên Tiêu”.
Ngày nay, cho dù món ăn này được bày bán rộng rãi trong các siêu thị, các nhà hàng quanh năm, nhưng các gia đình trên toàn Trung Quốc vẫn tự làm bánh tươi, nhồi nhân và hấp hoặc rán bánh tronh dịp Tết Nguyên tiêu. Hơn bất kỳ nơi nào khác, Ninh Ba là nơi mà món chè thang viên được coi là đặc sản địa phương.
Cũng tương tự như món bánh trôi tàu của người Việt Nam, Chè thang viên có hình tròn, vị ngọt, được làm từ bột nếp. Viên chè có thể nhỏ như viên bi ve, cũng có thể to như trái bóng bàn, được luộc hoặc đem rán trong chảo dầu, có thể là bánh chay hoặc có nhân.
Theo cách làm truyền thống thì các viên chè phổ biến nhất là bánh thập cẩm với nhân gồm nhiều loại đậu hạt giã nhuyễn và bánh nhân mè đen, hoặc bánh có nhân đường, sơn tra, vừng, đậu đỏ, táo tàu, trái cây ngào đường… Tuy nhiên ngày nay nhân bánh cũng phong phú hơn, dễ thường có đến vài chục loại khác nhau, nhân du nhập từ phương Tây như kem sữa ca cao, chocolate… Đó là chưa kể món bánh trôi mặn có nhân thịt và rau, nấu trong nước dùng xương hoặc chiên giòn để ăn khai vị đầu tiệc. Hương vị và kích thước bánh của mỗi địa phương cũng không giống nhau.
Làm món này cũng mất khá thời gian. Đầu tiên là phải lấy đoạn gậy tròn lăn nghiền hạt vừng đen rồi đem rang trong chảo. Sau đó, trộn hạt vừng đã nghiền nát với mỡ lợn và đường để tạo thành phần nhân sền sệt đặc. Tiếp đó, đổ nước vào nhồi bột gạo nếp. Xắt nhỏ từng cục bột đã nhồi dẻo, nặn thành hình chiếc chén nho nhỏ rồi bỏ nhân vào giữa, dùng tay viên tròn thành từng viên, sau đô bỏ vào luộc trong hỗn hợp nước, gừng thái lát và đường vàng.
Khi viên bánh nổi lên là bánh chín, người ta tắt bếp, bỏ thêm chút hoa quế thơm ngọt là xong. Viên bánh phải đạt độ dẻo, trơn mềm chứ không dính, và khi cắn vào sẽ cho vị ngọt mềm mới là đúng vị.
Món chè biểu tượng của tình đoàn viên. |
Theo chia sẻ của chàng thanh niên tên Runze Yu, người lên trong một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc, “đại gia đình tôi luôn quây quần bên nhau trong dịp Tết Nguyên đán. Tôi còn nhớ như in những kỷ niệm về việc bà và cô tôi tới nhà, giã vừng làm nhân rồi viên bột làm bánh, bỏ vào giỏ chuẩn bị đón Tết Nguyên tiêu. Hồi bé, tôi không được hưởng thú vui xa xỉ là ăn nhiều đồ ngọt, cho nên chè thang viên quả thật là món vô cùng ngon đối với tôi, là thứ mà tôi luôn háo hức đón chờ.
Ngay cả bây giờ, đã lớn lên, trưởng thành và sống tại Bắc Kinh, mỗi khi cắn viên chè, tôi vẫn nhớ lại ngôi nhà xưa, và nhớ đến những đêm đông lạnh giá nhưng tôi được sưởi ấm bằng sự quây quần cùng người thân và bằng những viên chè ăn với nước đường gừng nóng hổi”.
Runze Yu nói rằng, những người thiếu kiên nhẫn hoặc không đủ khéo tay để làm món chè thang viên thì nên tới trung tâm Ninh Ba, tìm đến bức tượng có hình con vịt và con chó dựa vào một thùng rượu. Bức tượng đồng trông khá kỳ quặc này nằm ở cổng vào của Ang Áp Cẩu (Gang Ya Gou), một địa điểm ăn uống có phục vụ món chè thang viên ngon nhất thành phố.
Theo chuyện kể địa phương thì một chàng ngư dân tên là Gang Ya Gou đã mở quán này hồi 93 năm về trước. Khi ra biển, anh mơ được trở về Ninh Ba ăn món chè thang viên mẹ làm, cho nên khi quay về, anh mở quán bán món ăn làm theo đúng công thức của mẹ mình. Ngày nay, có một câu nói nổi tiếng ở Ninh Ba là: “Chè viên tự làm ở nhà thì phổ biến, nhưng không gì ngon bằng chè ở Ang Áp Cẩu”.
“Có thể ở đó thì đúng là như vậy, nhưng với tôi thì không gì có thể so được với món chè mà bà và cô tôi tự làm hồi tôi còn bé. Giống như chàng ngư dân Gang Ya Gou, tôi thấy mình càng đi xa thì lại càng nhớ về món chè thang viên và hương vị gia đình”, Runze Yu nói.
Quan niệm và niềm tin về món chè
Chè thang viên có lẽ là món ăn nổi tiếng nhất trong Lễ hội Đèn lồng (Tết Nguyên tiêu), nhưng ở miền nam Trung Quốc, nó là món ăn phổ biến trong vài tuần trước dịp Đông chí. Đây là ngày có thời gian đêm tối dài nhất trong năm và được coi là thời điểm huy hoàng để bước sang giai đoạn ánh sáng sẽ lấn át bóng tối do các ngày sau đó thời gian trời sáng sẽ sớm trở nên dài hơn thời gian trời tối, đem lại sự cân bằng và hoà hợp cho con người.
Giống như Lễ hội Đèn Lồng, Đông chí là thời gian truyền thống để dành cho gia đình, nhưng khác với việc ăn chè thang viên trông giống hình mặt trăng trong dịp Tết Nguyên tiêu, các gia đình thường nhuộm viên chè thành màu đỏ hoặc hồng trong dịp Đông chí.
Thay vì chờ đợi tới ngày sinh nhật thì nhiều người Hoa cao tuổi trên toàn thế giới vẫn tin rằng con người ta sẽ thêm một tuổi sau lễ Đông chí. Và giống như niềm tin rằng ăn đậu đen ở Nam Mỹ, mỳ soba ở Nhật hay nho ở Tây Ban Nha sẽ đem lại may mắn trong năm mới, thì việc ăn chè thang viên trong dịp Đông chí được người ta tin rằng sẽ đem lại thịnh vượng, phát tài. Theo một câu ngạn ngữ của Trung Quốc, “Nếu không ăn một thang viên đỏ và một thang viên trắng thì sẽ không được thêm một tuổi”.
Quan niệm mê tín về ngày Đông chí tin rằng, chè thang viên cần phải ăn theo từng cặp thì mới may mắn, và một người đã kết hôn cần phải để lại hai viên chè trong bát thì những ước nguyện mới thành sự thật, còn với những ai độc thân thì cần chừa lại một viên để cầu năm mới may mắn.