Sau khi “tạm trú” nhà lao gần chẵn năm vì có liên quan đến vụ Võ Trứ, thì lại tiếp cái án thứ hai để thân họ Trần, phải đeo gông vào cổ, mà chịu án “Trung thiên dịch”. Sự thể ra sao cái án ấy?
Thuyết “Trung thiên dịch” tạo nguồn cơn
Cái thuyết “Trung thiên dịch” được nói tới ở đây, có gì ghê gớm thế? Nguyên do của “Trung thiên dịch”, hẳn ta phải tìm hiểu qua đôi chút vậy.
Như trong “Thân thế và sự nghiệp Trần Cao Vân (1866-1916)” cho hay, thì xưa kia thời Phục Hy bên Tàu, có thuyết “Tiên thiên” nói về thiên văn, sau đến thời Văn vương, lại phát minh ra học thuyết mới là “Hậu thiên” bàn về quả đất. Bước sang thời Chu Công, Khổng Tử, lại phụ thêm các lời “Hào từ, Thoán từ, Văn ngôn, Hệ từ…” để bàn thêm rộng hơn về “dịch”.
Về phần Trần Cao Vân, sau khi ở nhà lao Phú Yên ra, theo “Cụ Trần Cao Vân, người đã đề xướng “dịch trung thiên” và đã cùng hoàng đế Duy Tân điều động cuộc cách mệnh năm 1916”, thì kể từ đâu, họ Trần ngoài mưu đồ phục quốc, “cụ chuyển vào việc khảo cứu Dịch học”.
Ngay từ dạo ở chùa Cổ Lâm đất Đại Đồng, Đại Lộc, họ Trần đã làm một tu sĩ, đạo sĩ, nghiên cứu bộ Kinh Dịch trong ba năm (1888-1891): “ròng rã ba năm, cụ Cao Vân với bộ kinh “Dịch” là thầy, là bạn, là đồng chí, mà cũng là tri âm”. Cái chí của cụ khi ở nơi Cổ Lâm làm đạo sĩ ấy, được chính cụ tự sự qua một bài thơ Đường luật còn giữ được, rằng:
“Chí quyết tang bồng vỡ bốn phương,
Chõng nằm chi để ghé râu vương.
Ba thù quyết trả đền ơn trọng,
Một giận mong ra gỡ tiếng ương.
Nợ nước đã toan tròn nghĩa vụ,
Tình nhà đành gác nỗi tư lương.
Nam mô nguyện trả xong rồi nợ,
Mối thánh đem về cõi Hạ, Thương”.
Về nội dung cụ thể của “Trung thiên dịch” mà nhà yêu nước họ Trần nghiên cứu, không rõ cụ thể ra sao. Chỉ biết rằng, sau khi ra khỏi nhà lao Phú Yên, Trần Cao Vân mở trường dạy học, và truyền bá cái học thuyết “Trung thiên dịch” này. Được biết “Trung thiên dịch” ra đời trên cơ sở kết hợp dịch “Tiên thiên” của Phục Hy với dịch “Hậu thiên” của Văn vương mà ra.
|
Chuồng cọp nơi Côn Đảo giam phạm nhân. Ảnh. Đình Ba |
Tài thuyết pháp của họ Trần, gây được ảnh hưởng lớn, hoặc giả chăng đó là tấm bình phong cho hoạt động yêu nước, nên thu hút rất đông sĩ phu bấy giờ nơi đất Trung Kỳ tìm đến. Và đó, lại trở mối bận lòng cho bọn quan lại địa phương.
Cực chẳng đã, lo dư đảng Võ Trứ dưới tay Trần Cao Vân có cơ phục hồi, thế là chúng bèn “ra lệnh bắt Trần và một số môn đồ quan trọng, kể cả bà Trần và con gái đầu, đem về tỉnh tống giam”. Lại một lần nữa, họ Trần bị đưa vào nhà lao Phú Yên.
Ba năm ngồi lao Bình Định
Bắt được Trần Cao Vân rồi, Bố chánh Bùi Xuân Huyến liền trực tiếp tra tấn, hỏi cung về việc truyền bá “Trung thiên dịch”, nhưng chẳng tìm được bằng cớ nào liên quan đến quốc sự, nên vu khống cụ Trần là “Hoặc thế vu dân, xúi dân làm phiến loạn”.
Muốn có thông tin về “Trung thiên dịch” hắn bắt họ Trần khai do đầu mà có, thì được thuật lại những lời đầy ma mị thế này: “Tôi đến núi Ngũ Hành, gặp một cụ già, dắt theo một đồng tử, tay trái cầm quyển sách, tay phải cầm hoa sen, vừa đi vừa ngâm, rồi nghiêm trang ngồi lên tảng đá… Ông già ấy trao cho tôi 3 quyển Thiên thư và bảo: Ta là người Đông, Tây, Nam, Bắc, tên ta khó nói là gì…”. Ấy, lời khai đó, Huyến cho là bịa đặt mà ra.
Không khai thác được gì từ Trần Cao Vân, Huyến tiếp tục hỏi cung vợ ông. Bà Trần bị đánh 40 roi da, nhưng nhất mực không khai báo thêm gì. Cực chẳng đã, Bố chánh Huyến kết tội cụ Trần là “Dùng yêu thơ, yêu ngôn xúi dân làm loạn, tuyên án tử hình”. Kết án xong, hắn tư bẩm về triều đình Huế để xin phê chuẩn. Toàn bộ thân thích nhà Trần Cao Vân bị giải về giam tại ngục Bình Định.
Những tưởng số dương sinh của họ Trần đến đây là dứt, nhưng án tử ấy gửi về triều đình, may sao lại không được duyệt. Cho rằng ông chỉ hành động mê tín chứ không quan hệ đến âm mưu lật đổ nào, nên kết án 3 năm khổ sai. Còn vợ ông cùng những người bị bắt khác, người thì án tù ngồi 2 năm, người 1 năm hoặc 9 tháng, 6 tháng. Riêng cụ thân sinh ra Trần Cao Vân, thì bị phạt 40 đồng bạc về cái tội không biết dạy dỗ con.
Dù bị án tù, nhưng tinh thần của Trần Cao Vân nơi ngục thất tỉnh Bình Định xét ra, vẫn lạc quan lắm, như thơ ông vịnh thân tù của mình, có câu trào lộng rằng:
“Một lỗ cùm xây vòng tạo hóa,
Hai vai gông nặng gánh kiền khôn”.
Bị giam nơi ngục Bình Định, nhưng sau đó Tổng đốc Bình Định biết xung quanh họ Trần, binh lính nhiều người có cảm tình, còn học trò của họ Trần, thì vẫn quẩn quanh trong dân. Thế là chúng chuyển Trần Cao Vân về Quảng Nam giam giữ.
|
Núi Ngũ Hành, nơi Trần Cao Vân nhận được sách tiên theo lời khai của ông |
Án chung thân Côn Đảo
Mãn hạn tù, họ Trần lại hưởng trời tự do, nhưng cái số ăn cơm nhà lao thì vẫn quấn quít với cụ lắm. Bằng chứng là sau đó, đầu năm Mậu Thân (1908), đất Quảng Nam xảy ra sự biến chống thuế mà dân gian gọi là “giặc đồng bào”, hoặc “giặc cúp tóc”. Từ Đại Lộc, Quảng Nam nổ ra phong trào đòi chính quyền giảm bớt sưu cao thuế nặng cho dân, rồi lần lần phong trào lan rộng ra 10 tỉnh Trung Kỳ.
Lúc này, Trần Cao Vân không liên quan gì, như trong “Cụ Trần Cao Vân, người đã đề xướng dịch trung thiên và đã cùng hoàng đế Duy Tân điều động cuộc cách mệnh năm 1916” cho hay, thì “vụ dân xin xâu nổi lên một hành động mà chính cụ không hiểu biết chi cả”. Ấy thế mà tai họa cứ thế ập đến. Vốn có tì vết với chính quyền rồi, nên mặc lòng dù không cũng thành liên đới.
Một hôm trời vừa tảng sáng, lính ập đến nhà, bắt luôn Trần Cao Vân giam vào ngục Quảng Nam. Lần lượt những anh em, đồng chí, nhà yêu nước xứ Quảng, cũng vào khám hết. Nào là Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyên, nào là Lê Bá Trinh, Tiểu La Nguyễn Thành… Ngỡ ngàng cho cái việc bỗng dưng bị bắt, Trần Cao Vân tức cảnh mà rằng:
… “Hỏi việc chi, ủa biết đâu nào?
Khi không thỉnh vô lao ngồi lúc ngúc.
Nào những khách triều đình, nào những trang khoa mục,
Cục hổn nguyên vinh xáo nhất trường.
Xâu một xâu ngô, đạo thấy mà thương,
Nguyên nhân ấy hỏi ai gây nên nỗi?”…
Thế rồi lần lượt bao nhiêu nhà yêu nước đất Quảng bị tống giam, sau bị kết án tất thảy với cái tội “Hô hào dân trí, cổ vũ dân quyền, mầm mống xúi dân dấy loạn”. Riêng Trần Cao Vân, lĩnh cái án khổ sai chung thân, lưu đày ra “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Ngày 8/8/1908, tàu đưa họ Trần ra đảo Côn thọ án.
Với cái án khổ sai chung thân đeo vào mình, là một bước ra đi không trở về của họ Trần, nhưng ông vẫn giữ cái khí phách của kẻ làm việc lớn, đã xác định thân mình hiến cho quốc dân rồi, chẳng còn chi e sợ cái nỗi bị gông cùm nữa:
“Thù nước chua nguôi cơn báo quốc,
Thảo thân khôn thấu nỗi hàn ôn!
Cá đi muốn gửi lời tâm huyết,
Sóng vỗ như khua giấc mộng hồn”.
Án chung thân đấy, nhưng không, năm 1916, Trần Cao Vân còn sẵn sàng thọ cái án cao hơn bậc nữa: Án tử hình...