Chuyện buồn của một thương binh và con số 7.000
Đầu tháng 12, báo chí đưa tin ông Nguyễn Phú Thơm (49 tuổi, ở thôn Kim Thọ, xã Hương Quang, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) là thương binh trở về từ chiến trường Campuchia, mất sức 91%. Từ năm 1989, ông Nguyễn Phú Thơm được lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng dành cho người có công 5,4 triệu đồng/tháng. Nhưng từ tháng 5/2013, bỗng dưng gia đình ông bị cắt hết tiền chế độ thương binh và tiền trợ cấp chăm sóc thương binh. Vợ chồng ông Thơm đã nhiều lần lặn lội lên Phòng LĐTB&XH huyện để thắc mắc, nhưng đều bị từ chối.
|
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn internet |
Lý do khiến thương bình Nguyễn Phú Thơm bị cắt hết các khoản tiền chế độ là do gia đình ông chưa bàn giao nơi ở cũ để di chuyển đến khu tái định cư theo chủ trương di dời khỏi khu vực lòng hồ thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang nên bị UBND tỉnh yêu cầu Sở LĐTB&XH dừng chi trả chế độ. Việc chỉ đạo này cũng đã được Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh công nhận.
Ngạc nhiên – đó là phản ứng của ông Đào Ngọc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Người có công khi biết về sự việc trên. Theo ông Lợi, không có quy định nào cho phép tạm dừng trợ cấp của người có công, trừ trường hợp người đó vi phạm pháp luật thành án.
7.000 đối tượng bị cắt trợ cấp người có công là con số được Bộ LĐTB&XH đưa ra tại hội nghị chuyên đề về rà soát công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách ưu đãi trong 2 năm 2012- 2013 và định hướng công tác những năm tới. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, có khoảng 7.000 đối tượng bị cắt trợ cấp người có công do sai phạm và thu về cho ngân sách 75 tỷ đồng.
Cũng qua thanh tra, kiểm tra công tác này tại 13 tỉnh, thành phố do Thanh tra Bộ LĐTB&XH thực hiện, kết quả còn nhiều sai phạm, nhiều nhất là trong công tác tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ đã phát hiện 609/7.460 hồ sơ có sai sót, chiếm tỷ lệ 8,16%, qua đó đã đình chỉ trợ cấp đối với 160 hồ sơ thương binh, 103 hồ sơ chất độc hóa học; tạm dừng trợ cấp 188 hồ sơ thương binh và 158 hồ sơ chất độc hóa học…
Như vậy, câu chuyện ở đây cho thấy việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công của ngành LĐTB&XH còn không ít vướng mắc. Người có công thật sự thì bị “trừng phạt” bằng việc cắt trợ cấp không đúng luật, bên cạnh đó lại có không ít trường hợp được phát hiện là giả mạo, khai man hồ sơ thương binh (như giả mạo, khai man giấy tờ chứng minh bị thương, giả mạo giấy tờ y tế chứng minh điều trị vết thương tái phát; hồ sơ không đủ giấy tờ theo quy định, người làm chứng không hợp pháp, mâu thuẫn về thời gian ghi trong hồ sơ, trình tự xác lập hồ sơ; đối với hồ sơ nạn nhân chất độc hóa học thì giả mạo hồ sơ y tế như bệnh án giả, giả mạo giấy tờ gốc chứng minh tham gia kháng chiến như tẩy xóa, sửa chữa, viết thêm địa bàn hoạt động...) để được hưởng chế độ ưu đãi.
Chữa sai từ gốc
Tuy nhiên, để khắc phục được những tồn tại này không dễ vì có không ít địa phương mắc lỗi trong công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công. Theo báo cáo của Thanh tra Bộ LĐTB&XH, trong 2 năm 2012- 2013, trong quá trình kiểm tra, thanh tra đã phát hiện ra nhiều sai phạm của các địa phương trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công.
Theo ông Phạm Quang Phụng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ LĐTB&XH, trong năm 2012, qua kiểm tra, thanh tra đã có 17 Sở LĐTB&XH quyết toán kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi người có công không đúng quy định; 15 Sở chi quyết toán cho đối tượng giả mạo hồ sơ và khai man hồ sơ...
Hiện cả nước có gần 1,4 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng tại hơn 11.000 xã, phường trong cả nước, với tổng kinh phí chi trả trong năm 2013 là trên 27 nghìn tỷ đồng - theo Bộ LĐTB&XH. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, chính sách đối với người có công là một chính sách lớn, đối tượng đông, nhất là sau khi sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công năm 2012, cả đối tượng người có công và chính sách đều được bổ sung. Qua đánh giá thực hiện những năm vừa qua, đại bộ phận các địa phương thực hiện đúng, đủ và nghiêm túc các chế độ chính sách đối với người có công. Tuy nhiên, ở các địa phương vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xem xét.
Được biết, Thanh tra Bộ đã kiến nghị thu hồi hơn 10 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước, trong đó có 9,5 tỷ đồng chi trợ cấp hàng tháng không đúng đối tượng. Song theo báo cáo của các địa phương, đến nay mới thu hồi được hơn 500 triệu đồng. Hiện nay Bộ LĐTB&XH đang triển khai thực hiện các kết luận thanh tra và xem xét trách nhiệm của những người sai phạm.