Sau chuyến công tác trở về, chị Đỗ Thị Khánh An (41 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) bỗng đau đớn sững sờ khi phát hiện dưới đáy tủ áo của chồng là một chiếc áo lót phụ nữ, cỡ lớn, màu đỏ mận cháy bỏng, sực nức nước hoa. Ý nghĩ “gái có công mà chồng vẫn phụ” khiến chị muốn gào khóc, chửi bới, làm ầm ĩ cho hả giận. Nhưng rồi bình tĩnh suy xét lại, chị thấy vẫn cần phải gìn giữ gia đình này vì hai đứa con, và cũng vì trong thâm tâm, chị vẫn còn yêu chồng, muốn hàn gắn gia đình.
Bí mật theo dõi, chị bất ngờ khám phá ra sự thật rợn người. Chiếc áo lót ấy không phải của một cô bồ ngực khủng mà chính là của chồng chị. Anh đeo cái “của nợ” đó để “cặp” với một ông khách ngoại quốc đồng tính mà anh dạy khiêu vũ. Hoá ra chồng chị chấp nhận “đi làm thêm” kiểu đó để có thu nhập, khỏi mang tiếng là gánh nặng cho vợ.
Anh xin chị tha thứ nhưng chị không thể chấp nhận, chị sợ hai đứa con sẽ bị sốc, sẽ ảnh hưởng nhân cách khi biết sự thật về người cha. Lá đơn ly hôn chị đã thảo sẵn, chỉ chờ anh ký vào là đưa ra toà làm thủ tục thuận tình ly hôn. Từ ngày vợ chồng mâu thuẫn, anh thuê nhà trọ ở riêng, hai người sống ly thân từ đó.
Đời không ai đọc được chữ ngờ, trong khi chị chỉ chờ anh ký vào đơn thuận tình ly hôn thì anh gặp tai nạn. Đi trên đường trong tâm trọng căng thẳng, lo lắng nên anh tự gây tai nạn cho mình, bị ngã gãy xương đùi. Nhận tin, chị bỏ dở mọi công việc, tức tốc vào bệnh viện với chồng, chị thức trắng chăm sóc anh như giữa họ chưa từng có sóng gió. Lá đơn ly hôn cũng vì vậy mà bị giấu kín dưới đáy tủ. Chị bảo đạo lý không cho phép chị nhắc đến tờ đơn ly hôn lúc này.
Vì gia đình không có điều kiện nên chị không thể đăng ký cho chồng điều trị dịch vụ, chị phải xin nghỉ phép 2 tuần để chăm sóc chồng. Có những lần đang lúi húi thay đồ và rửa vết thương cho anh, bất chợt chị ngẩng lên thấy đôi mắt rớm lệ của chồng đang nhìn mình, chị chợt bối rối, mặt đỏ bừng khi nhận ra dễ chừng nửa năm vợ chồng không hề gần gũi nhau.
Sau chục ngày điều trị, anh xin điều trị ngoại trú để đỡ chi phí. Chồng chị nói sẽ về lại nhà trọ nhưng chị quyết định chuyển anh về nhà mình để mẹ con chị tiện chăm sóc. Chị bảo chị làm thế không phải chị muốn hàn gắn gia đình mà chỉ vì nghĩ đến đạo lý và trách nhiệm.
Khi anh tự làm những việc cá nhân được, chị bắt đầu đi làm, thế nhưng chị luôn cố gắng về nhà sớm để chăm sóc anh. Thâm tâm chị nghĩ mình phải làm vậy vì đạo lý và trách nhiệm dù sau này không ở cùng nhau nữa thì hai người vẫn nghĩ tốt về nhau. Mười bốn năm tình nghĩa vợ chồng, chị không đành bỗng chốc buông lơi.
Tuy vậy, chị cảm nhận rất rõ tâm trạng mình đang giằng co khi nghĩ tới tờ đơn ly hôn nằm dưới đáy tủ. Thật lòng chị chỉ muốn tạm gác chuyện ly hôn chứ không phải chị muốn níu kéo và hàn gắn. Nhưng nhìn anh tàn tật, chị lại không đành lòng…Để rồi khi anh ngập ngừng hỏi: “Bệnh anh cũng ổn rồi, liệu anh có phải về lại phòng trọ hay không?”. Chị bỗng bối rối, ngượng ngùng: “Để em tính đã”…/.