Bí quyết để người Nhật "lùn" thành cao lớn vượt trội
Nếu nhìn vào người Nhật hiện nay, có lẽ sẽ có rất nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng ở những năm đầu của thế kỷ trước, họ vẫn bị chế giễu là “Nhật lùn”. Thậm chí, nếu so với họ, chiều cao trung bình của người Việt Nam còn vượt trội hơn hẳn. Theo một số liệu thống kê, trước năm 1950, trong khi chiều cao trung bình của nam giới ở Việt Nam là 154cm thì ở người Nhật, con số này chỉ vỏn vẹn có 150 cm. Ở nữ giới, chiều cao của trung bình của người Việt Nam là 151cm thì người Nhật chỉ đạt 149cm.
Tuy nhiên, người Nhật qua thời gian cũng đã trở thành ví dụ điển hình cho việc đạt được thành tựu vượt bậc trong cải thiện chiều cao của người dân. Thành tựu đó trước hết đến từ sự quyết tâm cải thiện tầm vóc, sự ưu tú của chính họ. Đối với người Nhật, chiều cao không chỉ để nhìn cho đẹp mà nó đại diện cho cả tinh thần, thể diện của quốc gia. Chính vì vậy, kết thúc Chiến tranh thế giới II, Chính phủ Nhật Bản đã quyết tâm và đầu tư mạnh mẽ vào thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao thể trạng, đặc biệt là chiều cao của người dân.
Theo các chuyên gia, bí quyết tăng chiều cao của người Nhật nằm ở một số yếu tố. Trước hết, với quan niệm coi con người là trung tâm, đề cao giáo dục, Chính phủ nước này đã thực hiện nhiều biện pháp để tuyên truyền và làm cho người dân nhận ra việc chiều cao không chỉ là vấn đề cá nhân mà là vấn đề liên quan đến tự tôn của cả dân tộc, là yếu tố thể hiện tầm vóc dân tộc để tất cả mọi người cùng có tinh thần phấn đấu, rèn luyện nhằm có thể cải thiện chiều cao.
|
Hiện chiều cao trung bình của người Nhật ngang bằng với chuẩn thế giới. |
Cùng với đó, người Nhật cũng đã tích cực cải thiện chế độ ăn uống. Bước ra khỏi cuộc Chiến tranh thế giới II, chiều cao trung bình của người Nhật sụt giảm trông thấy. Trước bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định khuyến khích người dân áp dụng chế độ dinh dưỡng của phương Tây, thay đổi khẩu phần ăn theo hướng bổ sung nhiều protein động vật, đặc biệt là tăng cường uống sữa.
Các chuyên gia của Mỹ và Nhật đã xác định được trong sữa có chứa tới hàng chục hormone bổ sung tăng trưởng. Chính vì vậy, Chính phủ Nhật đã cùng các doanh nghiệp đã tích cực quảng bá sữa đến người dân. Những hình ảnh và công dụng của sản phẩm này tới thể trạng con người được treo ở khắp nơi. Các văn phòng công ty và đặc biệt là trường học, bệnh viện đều có bán sữa. Một thống kê cho thấy, ở thời điểm năm 1995, lượng sữa mà người Nhật tiêu thụ mỗi ngày nhiều gấp 3 lần người Hàn Quốc.
Đặc biệt, Chính phủ Nhật Bản cũng áp dụng chương trình “một ly sữa làm mạnh một dân tộc” nhằm giúp người Nhật có nền tảng phát triển chiều cao ngay từ khi còn nhỏ. Theo đó, tại tất cả các trường học tiểu học và cấp 2 trên cả nước, trong khẩu phần bữa ăn miễn phí của học sinh đều luôn có 1 ly sữa. Ở giai đoạn đầu mới áp dụng, sữa học đường dành cho trẻ em ở Nhật mới chỉ là sữa bột và sữa tách kem được nước ngoài viện trợ.
Đến những năm 1970, sữa tươi mới được áp dụng. Theo một thống kê, tính đến tháng 5/2013, 99,2% trong tổng số 20.789 trường tiểu học trong cả nước Nhật có phục vụ sữa với bữa trưa ở trường của học sinh. “Cung cấp sữa trong bữa trưa ở trường là cách tốt nhất để trẻ hấp thu được canxi - điều rất cần thiết cho sự phát triển của chúng”, ông Masayo Kaneda (Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Dinh dưỡng Kagawa) cho hay.
Thực tế cho thấy, hầu hết trẻ em Nhật Bản đều có thói quen uống sữa mỗi ngày. Bên cạnh sữa, trẻ con ở Nhật còn được cha mẹ thường xuyên bổ sung sữa chua và các chế phẩm từ sữa như như phô mai, kem, bơ... Những thực phẩm này không chỉ khiến trẻ khỏe mạnh, thông minh, mà còn giúp cơ thể chúng luôn đảm bảo lượng vitamin D, hỗ trợ quá trình phát triển xương và chiều cao. Tuy nhiên, gần đây, một số trường ở Nhật đã bắt đầu không phục vụ sữa trong bữa ăn trưa của trẻ với lý do thức uống này không phù hợp với khẩu phần ăn là các món ăn thuần Nhật. Việc này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều bên khác nhau.
Cân bằng dinh dưỡng
Trong một chia sẻ, GS.TS Lê Danh Tuyên (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho rằng yếu tố đầu tiên giúp chiều cao của người Nhật tăng nhanh là việc coi trọng cân bằng dinh dưỡng, trong đó tập trung vào bữa sáng cho mọi gia đình. Theo GS Tuyên, ngay từ những năm 1950, người Nhật đã ý thức được việc cần phong phú bữa ăn, đặc biệt lưu ý đến các loại vi chất dinh dưỡng và canxi, đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, đặc biệt các bà nội trợ những thông tin về những loại thực phẩm không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng để cải thiện bữa ăn. Khẩu phần ăn của các gia đình người Nhật rất phong phú, đầy đủ các dưỡng chất cần thiết.
Theo ông Tuyên, người Nhật quan niệm, một bữa ăn được xem là đảm bảo khi có đủ các nhóm chất và cân bằng dinh dưỡng với nhau. Nhờ tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc này mà thế hệ trẻ Nhật Bản không ngừng phát triển chiều cao nhưng vẫn không bị béo phì như nhiều trẻ em ở các nước phương Tây.
Cùng với đó, người Nhật cũng rất chú trọng tới việc cung cấp canxi cho phụ nữ mang thai. Thai phụ nước này trong thời gian mang bầu được bác sĩ tư vấn kĩ lưỡng, khuyến khích bổ sung canxi đầy đủ để hệ xương trẻ phát triển toàn diện từ trong bụng mẹ. Khi em bé ra đời, người Nhật cũng rất chú trọng tới việc bổ sung canxi ở nhiều dạng khác nhau cho trẻ cho đến khi chiều cao của trẻ không còn phát triển nữa. Việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng được khuyến cáo mạnh mẽ.
Bên cạnh việc cải thiện dinh dưỡng, cuộc cách mạng mang tên “toàn dân vận động thể dục thể thao” cũng được xem chìa khóa giúp người Nhật thoát khỏi biệt hiệu Nhật “lùn”. Trẻ em Nhật Bản từ lúc mới sinh ra đã được khuyến khích tham gia các hoạt động thể thao như bơi lội, vận động thể chất... Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dù chưa phải là yếu tố hàng đầu giúp người Nhật cải thiện chiều cao nhưng việc vận động thể dục thể thao có đóng góp không hề nhỏ trong việc giúp người dân nước này duy trì sức khoẻ, thể lực, tăng hệ miễn dịch và góp phần thúc đẩy khả năng hấp thụ các dinh dưỡng ở cơ thể, đặc biệt là khoáng chất và canxi.
Cho đến nay, các công trình nghiên cứu đều chứng minh rằng sự phát triển chiều cao của trẻ không chỉ phụ thuộc vào di truyền mà còn phụ thuộc rất nhiều vào dinh dưỡng và môi trường. Sự phát triển về tầm vóc của người Nhật có thể xem như một minh chứng rõ nét. Từ chỗ bị chế giễu là người lùn, đến nay, chỉ sau vài chục năm, đến cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, chiều cao trung bình của người dân Nhật Bản đã tăng thêm hơn 10cm, đạt mức 172cm với nam và 157cm với nữ, thua chiều cao trung bình của toàn thế giới chỉ khoảng 5cm.