Cho cây đời mãi xanh

(PLVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa gửi thư khen tỉnh Bến Tre, đánh giá lễ phát động trồng 10 triệu cây xanh của Bến Tre đã góp phần hiện thực hóa sáng kiến trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm tới, thiết thực triển khai Tết trồng cây theo lời dặn của Bác Hồ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng là ưu tiên quan trọng của Chính phủ và nhấn mạnh việc này cần thực hiện một cách nghiêm ngặt. Cho rằng độ che phủ rừng của nước ta còn thấp, ông đề nghị cả nước phải tiếp tục trồng cây gây rừng, làm Tết trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa theo lời dạy của Bác Hồ. “Hướng đến lời dạy đó, tôi đề xuất sáng kiến trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn yêu từng ngọn cỏ, mỗi nhành hoa, kêu gọi “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn dân đã thực hiện “Tết trồng cây” đầu tiên dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 1960. “Tết trồng cây” đã thực sự mang lại lợi ích to lớn cho đất nước và trở thành một tập quán tốt đẹp, góp phần tích cực hiệu quả trong phòng chống thiên tai, cải thiện môi trường, làm đẹp cảnh quan…

Thế nhưng một số năm gần đây, dường như vấn đề trồng cây gây rừng bảo vệ thiên nhiên đã bị lơ là ở một số nơi, một số lúc. “Lâm tặc” hoành hành, nhiều cánh rừng tự nhiên “chảy máu”, quan niệm “sính” đồ gỗ “độc, lạ, cổ thụ” vẫn dai dẳng như trọng bệnh trong một số người… Khi luật pháp chưa truy đến từng cá nhân vi phạm thì mẹ thiên nhiên đã nổi giận: Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của Trái đất... Thiên tai và hiện tượng khí hậu cực đoan gia tăng nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, để lại hậu quả rất nặng nề, như đợt thiên tai lịch sử cuối năm 2020 tại các tỉnh miền Trung.

Nhiều ý kiến cho rằng đại dịch Covid-19 đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng toàn thế giới cũng là hệ quả của việc con người tác động tiêu cực nghiêm trọng tới tự nhiên, tới hệ sinh thái trong nhiều năm qua.

Báo cáo Triển vọng Môi trường toàn cầu mới đây do 250 nhà khoa học từ 70 quốc gia thực hiện trong 6 năm đã chỉ ra rằng nếu loài người không hành động kịp thời, việc chạy theo những lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất trước mắt một cách bất chấp tất cả, môi trường, thiên nhiên tiếp tục bị hủy hoại, bị tàn phá… có thể đưa nhân loại tới chỗ diệt vong.

Sáng kiến của Thủ tướng như vậy càng thiết thực, ý nghĩa. Ngày 2/1, UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức lễ phát động Đề án trồng 10 triệu cây xanh, góp phần thực hiện sáng kiến của Thủ tướng và lời dạy của Bác.

Bến Tre có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới như vận động mỗi hộ gia đình đăng ký với phường xã việc trồng và chăm sóc cây xanh; vận động các cơ quan, trường học, bệnh viện… tổ chức cho học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên trồng và chăm sóc cây, hoa tại trụ sở. Những cách làm thiết thực, hiệu quả này kỳ vọng bảo đảm mỗi cây trồng được chăm sóc, phát triển tốt, tránh tình trạng cây trồng xong bị bỏ mặc héo chết, vừa lãng phí tiền của, thời gian, công sức.

Việc triển khai chương trình 10 triệu cây xanh cũng rất ý nghĩa với Bến Tre nói riêng và ĐBSCL nói chung, là một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới.  

Với những sáng kiến, hành động thiết thực như vậy, tin rằng đất nước sẽ ngày càng xanh, cây đời mãi xanh. Đó là quy luật bất biến, vì phát triển bền vững đã là một nhu cầu cấp thiết với nhân loại; phát triển kinh tế - xã hội đi đôi bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đã là xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của cả thế giới.