Chờ đợi gì ở các giải đấu trở lại trong tâm dịch ?

(PLVN) - Để cứu vớt phần còn lại của mùa giải, nhiều giải đấu như Ngoại hạng Anh, vô địch quốc gia Tây Ban Nha, Italia, Đức… đều rục rịch tổ chức lại các trận đấu. Tuy nhiên, một vấn đề khiến nhiều người quan tâm đó là sẽ chờ đợi điều gì từ các trận đấu được tổ chức trên những khán đài không khán giả, với những cầu thủ vừa chơi bóng vừa lo ngại về sức khỏe.
Giải Ngoại hạng Anh đã chính thức công bố trở lại

Những khán đài trống vắng

Hãy thử tưởng tượng, một ai đó bật tivi xem một trận đấu bóng đá hấp dẫn nhưng bỗng nhiên chiếc tivi bị hỏng loa. Thế rồi tất cả những gì cảm nhận được về trận đấu đó chỉ là hình ảnh, không còn âm thanh. Chắc chắn sẽ rất nhàm chán bởi thiếu đi 2 thứ vô cùng quan trọng, đó là tiếng bình luận viên và sự huyên náo trên khán đài.

Khi tường thuật một trận đấu bóng đá hấp dẫn, đạo diễn hình luôn dành những khoảng thời gian nhất định đưa máy quay lên góc khán đài nhằm ghi lại những hình ảnh của khán giả. Thậm chí, khi tổng kết về những khoảnh khắc ấn tượng của một giải đấu nào đó, luôn có chỗ cho những bức hình, đoạn phim thú vị trên khán đài.

Ngay từ cuối tháng 4, Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin cho biết các giải đấu trên khắp châu Âu đã sẵn sàng quay trở lại.

Tuy nhiên, có lẽ những hình ảnh, âm thanh của cổ động viên sẽ vắng bóng trên các khán đài một khoảng thời gian nữa, khi khán giả không được vào sân cổ vũ cho đội bóng mình yêu mến để bảo đảm ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19.

Điều đó cũng đồng nghĩa sau mỗi bàn thắng ghi được, các cầu thủ chỉ còn biết ôm lấy nhau ăn mừng bởi vì không còn khán giả trên sân để họ có thể chạy đến chia sẻ nữa. Khi được hỏi về cảm giác khi phải thi đấu trên những sân bóng thiếu cổ động viên, Ronaldo đã từng buồn rầu chia sẻ: “Chẳng cầu thủ nào hạnh phúc được khi trong sân không có khán giả. Đó là động lực để chúng tôi mang về chiến thắng cho đội bóng và chơi một thứ bóng đá hấp dẫn”.

Thời điểm Ronaldo phát biểu là khi ban tổ chức Serie A thông báo có thể trận derby Italia giữa Juventus và Inter Milan vào tháng 3 sẽ phải thi đấu mà không có khán giả đến xem. Thời điểm đó dịch Covid-19 chưa hoành hành khủng khiếp như bây giờ. Nhưng mới chỉ một trận mà cầu thủ đã tỏ ra không vui, thì liệu chơi nốt cả chục trận của mùa giải này, thậm chí kéo dài sang mùa sau trên những khán đài trống vắng, các cầu thủ liệu còn động lực. 

 Một bài tập sút khá lạ lùng của Bayern Munich để tuân thủ quy định giãn cách 

Harry Winks, tiền vệ ngôi sao của Tottenham là người đã từng “nếm mùi” thi đấu trên sân bóng không có khán giả. Đó là trận đấu thức Anh và Croatia Nations League vào năm 2018 và anh đã từng chia sẻ rất thật lòng: “Cảm giác thật tệ và tôi biết các cầu thủ khác cũng cảm thấy điều tương tự”.

Chính vì thế, khi biết kế hoạch của Ban tổ chức Ngoại hạng Anh, Harry Winks khẳng định: “Tôi chắc rằng không một cầu thủ tại Ngoại hạng Anh nào mong muốn điều này thành hiện thực”. Anh cũng cho rằng, sẽ rất lạ lẫm đối với bất cứ cầu thủ nào nếu phải thi đấu mà không có người hâm mộ bởi cổ động viên mới chính là điều tạo nên sức cuốn hút của bóng đá.

Đó cũng là thứ mà mọi cầu thủ bóng đá hướng đến để thi đấu hết mình. Họ làm điều đó vì người hâm mộ. “Khi không thể nghe tiếng cổ vũ, không thể nghe thấy tiếng đám đông cổ động viên, mọi thứ trên sân trở nên vô nghĩa” , Winks chia sẻ. Việc có khán giả là quan trọng là vậy, không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc của người xem, động lực của cầu thủ, mà nó còn gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của đội bóng.

Champions League là giải đấu quan trọng nhất mà UEFA muốn hoàn thành sớm. 

Ví dụ giải bóng đá ngoại hạng Anh, trung bình mỗi năm tiền bán vé xem các trận đấu trên sân nhà chiếm khoảng từ 10 đến 20% doanh thu cả mùa giải, đó là chưa kể các dịch vụ đi kèm khi khán giả đến sân. Đội thu được nhiều nhất từ khoản này là Man United khi bỏ túi 141 triệu Euro từ tiền bán vé vào sân Old Trafford, chiếm 17,7% trong doanh thu 796 triệu Euro của năm 2019.

Theo thống kê, nếu phần còn lại của giải đấu phải thi đấu mà không có khán giả, Ngoại hạng Anh sẽ mất đi khoảng 170-180 triệu Euro từ tiền bán vé và dịch vụ đi kèm. Tình cảnh tương tự cũng sẽ đến với các giải đấu lớn, vốn đầy ắp khán giả đến sân vào những dịp cuối tuần như La Liga, Bundesliga. Chưa kể, một khoản tiền không nhỏ từ quảng cáo cũng sẽ mất đi tại các sân vận động lớn bởi các nhà tài trợ cũng không còn mặn mà với các tấm biển quảng cáo trên sân. 

Các cầu thủ lo sợ?

Tại nước Ý, Fiorentina là đội bóng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19. Từ khi dịch bùng phát mạnh, đội bóng này đã có 3 cầu thủ dương tính với Covid-19.  Đầu tháng 5 này, Fio xác nhận có thêm 6 cầu thủ và thành viên ban huấn luyện nhiễm Covid-19. Câu lạc bộ Sampdoria cũng tuyên bố có bốn thành viên bị nhiễm Covid-19 trong cuộc kiểm tra y tế chuẩn bị cho sự trở lại của mùa giải. Bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ban lãnh đạo 2 đội bóng vẫn không hoãn kế hoạch tập luyện.

Việc cả Sampdoria và Fiorentina không tiết lộ danh tính những người bị nhiễm bệnh đã khiến không ít cầu thủ và người hâm mộ tỏ ra lo ngại bởi khả năng lây lan dịch bệnh. Tại Tây Ban Nha, bắt đầu từ ngày 4/5, các đội bóng tiến hành khử trùng sân bóng, phòng thay đồ… trước khi cho phép các cầu thủ tập luyện trở lại.

Để bảo vệ sức khỏe cầu thủ, các nhân viên y tế sẽ phải căng mình ra để kiểm soát các hoạt động khử trùng cũng như kiểm tra sức khỏe thường xuyên, trong đó, bao gồm xét nghiệm PCR, cùng với những hoạt động y tế khác dựa theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Tất nhiên, đó là trên lý thuyết, và việc này cũng không ngăn được tâm lý sợ hãi của các cầu thủ. Trên truyền thông, một cầu thủ tại xứ sở bò tót tỏ ra lo ngại về khoảng cách an toàn khi thực hiện các bài tập.

Thậm chí, những quả bóng cũng có thể trở thành nguy cơ lây lan dịch bệnh. Không ít cầu thủ cũng đã tỏ ra lo ngại về sự chính xác tuyệt đối của các biện pháp xét nghiệm. Nếu có sai số, chắc chắn sự lây lan sẽ rất lớn trong giới cầu thủ. Real Madrid không ngần ngại cho biết đội ngũ y tế của họ đang mất phương hướng trước kế hoạch trở lại của mùa giải bởi tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Với Barelona, đội bóng này cũng lo ngại về việc sẽ gặp khó khăn trong quá trình xét nghiệm.

Chưa kể, các bác sĩ, nhân viên y tế cũng phải căng mình để làm việc bởi cầu thủ đã có 2 tháng không được tập luyện 1 cách chuyên nghiệp, dẫn đến nguy cơ chấn thương cao khi trở lại thi đấu. Tại Anh, nhiều cầu thủ lo ngại về sức khỏe của bản thân cũng như gia đình nếu phải thi đấu khi dịch bệnh chưa thật sự được kiểm soát.

Không ít ngôi sao cho rằng bản thân họ cũng có thể vô tình nhiễm bệnh và phải tiếp tục thi đấu sẽ khiến mầm bệnh lây lan rất nhanh khiến đội ngũ y tế và an ninh phải căng sức làm việc và có nguy cơ quá tải. Thậm chí, trung vệ Antonio Rudiger của Chelsea khẳng định sự nguy hiểm đến tính mạng nếu bắt các cầu thủ trở lại sân bóng chỉ để giải đấu cứu vớt những giá trị thương mại.

Trong khi một vài cầu thủ khẳng định chỉ muốn thi đấu nếu sản xuất được vaccine phòng chống Covid-19. Không ít cầu thủ phản đối về việc Ban tổ chức Premier League yêu cầu họ ký vào mẫu đơn thi đấu vì cho rằng đây là động thái từ chối trách nhiệm pháp lý của giải đấu cũng như đội bóng chủ quản. Hiện tại, mới chỉ có 2 giải Ligue 1 của Pháp và Eredivisie của Hà Lan hủy bỏ mùa giải để bảo đảm sức khỏe cho các ngôi sao mà không quan tâm đến những thiệt hại to lớn về mặt tài chính.

Động thái này được nhiều cầu thủ và cổ động viên ủng hộ. Những giải đấu còn lại, dù đã rục rịch kế hoạch tổ chức lại các trận đấu, tuy nhiên, bóng chưa lăn, điều đó đồng nghĩa mọi thứ có thể thay đổi. Sức khỏe cầu thủ quan trọng hơn, hay vớt vát giá trị thương mại của giải đấu mới là điều đáng quan tâm nhất? Chắc chắn đây là điều mà các nhà tổ chức, các câu lạc bộ căng óc để tính toàn. Nhưng có lẽ, khi cầu thủ không còn hứng thú với những sân bóng không có khán giả, trong khi sức khỏe bị đe dọa, sẽ rất khó để có các trận đấu hấp dẫn.

Đọc thêm