Chờ đợi và âu lo cho giải Euro 2020

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chưa đầy 1 tháng nữa, các sân cỏ châu Âu sẽ trở nên vô cùng sôi động khi giải đấu hấp dẫn Euro 2020 chính thức diễn ra. Các đội bóng hàng đầu lục địa già sẽ ra sân với tâm thế của những kẻ chinh phục, hứa hẹn mang đến những màn so tài đỉnh cao.
Với đội hình rất mạnh, Pháp là ứng cử viên nặng ký cho chiếc Cúp vô địch Euro 2020.
Với đội hình rất mạnh, Pháp là ứng cử viên nặng ký cho chiếc Cúp vô địch Euro 2020.

Đáng để chờ đợi

Đây là kỳ Euro đầu tiên được tổ chức trong một năm lẻ (2021) nhưng tên của giải đấu vẫn là Euro 2020. Đại dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới khiến giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất châu Âu phải lùi sang năm sau. Tuy nhiên, không phải vì thế mà kỳ Euro này kém đi phần hấp dẫn. Chỉ còn chưa đến 1 tháng nữa, trái bóng Uniforia sẽ lăn trên khắp các sân cỏ trên toàn lục địa già. Đó cũng chính là điều đặc biệt đầu tiên. Nếu như trước đây, Euro chỉ tổ chức tại một hoặc cùng lắm là hai quốc gia, thì năm nay các thành phố tại 11 nước sẽ cùng đăng cai giải đấu này. 

Cụ thể: Hà Lan (Amsterdam), Tây Ban Nha (Sevilla), Nga (St.Peterburg), Ý (Rome), Đức (Munich), Anh (Luân Đôn), Đan Mạch (Copennhagen), Scotland (Glasgow), Azerbaijan (Baku), Romania (Bucharest), Hungary (Budapest). Tuy nhiên, trận bán kết và trận chung kết sẽ được tổ chức tại sân vận động Wembley tại nước Anh, là một trong những sân bóng đẹp và hiện đại nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.

Trong 11 thành phố được dăng cai, sẽ rất ý nghĩa đối với người dân 6 thành phố gồm St.Peterburg, Copennhagen, Glasgow, Baku, Bucharest, Budapest khi lần đầu tiên trong lịch sử họ sẽ được chào đón không khí sôi động của giải đấu lớn nhất châu lục. Như vậy, để theo dõi toàn bộ EURO 2020 (nếu các sân bóng mở cửa đón khán giả), người hâm mộ sẽ phải có một hành trình dài dằng dặc tưởng như là bất tận, từ thành phố Baku xa xôi, nơi có sự giao thoa Âu-Á, cho tới thành phố Copenhagen của vùng Bắc Âu - Đan Mạch.

Một buổi tập của Đội tuyển Pháp.
Một buổi tập của Đội tuyển Pháp.  

Euro 2020 sẽ rất đáng chờ đợi cho cuộc đua tìm ra đội bóng vô địch khi khoảng cách về đẳng cấp, lịch sử của những anh tài tại châu Âu không quá xa. Ứng viên được đánh giá cao nhất chắc chắn sẽ là Pháp, khi họ đang là đương kim vô địch thế giới, bên cạnh đó, tại Euro 2016, họ cũng vào đến trận chung kết và chỉ thua Bồ Đào Nha trong 1 phút lóe sáng của cá nhân. Đến với sân khấu lần này, đội bóng xứ sở lục lăng vẫn có trong đội hình rất nhiề cầu thủ đẳng cấp trải đều trên các tuyến. 

Người được kỳ vọng nhất vẫn là cầu thủ đắt giá nhất thế giới hiện tại – Kylian Mbappe (Paris St Germant). Bên cạnh đó, những cái tên như N’Golo Kante (Chelsea), Paul Pogba (Man United), Lucas Hernandez (Bayern Munich),… đều là những cầu thủ thuộc hàng đẳng cấp nhất thế giới ở vị trí của mình.

Một đội bóng toàn ngôi sao, lại được một huấn luyện viên nhiều kinh nghiệm như Didier Deschamps, Pháp tràn đầy cơ hội viết tiếp lịch sử ở mùa hè này. Cạnh tranh với Pháp là đương kim vô địch giải đấu – Bồ Đào Nha. Đội bóng ở bán đảo Iberia có thừa khát khao để bảo vệ danh hiệu mà họ giành được cách đây 5 năm. 

Dù Ronaldo đã già hơn, nhưng anh vẫn chơi vô cùng hiệu quả ở tuổi 36. Bên cạnh đó, những mầm non đã phát triển, tạo nên những tên tuổi nổi bật như Ruben Dias, Bruno Fernandes, Bernardo Silva, Diogo Jota… Dù chưa có được danh hiệu nào trong 1 thời gian dài, nhưng cũng không thể gạch tên 2 cái tên Bỉ và Anh. Với Bỉ, Lukaku hay De Bryne đang tỏa sáng rực rỡ tại Inter Milan và Man City, hứa hẹn trở thành những đầu tàu dẫn dắt đội bóng chinh phục những đỉnh cao. 

Với đội tuyển Anh, họ có dàn sao trẻ và nhiều nhiệt huyết. Và việc được chơi trận đấu cuối cùng tại sân Wembley sẽ là động lực lớn thúc đẩy họ. Ngoài những cái tên kể trên, Hà Lan, Ý hay Croatia cũng không thể coi thường dù đang trong giai đoạn chuyển giao.

Chắc chắn họ không tham gia Euro lần này chỉ để là những kẻ lót đường. Kỳ Euro cũng hứa hẹn hâp dẫn khi có Đan Mạch, đội bóng không phải quá lớn về tên tuổi, nhưng bộ khung của họ gồm rất nhiều ngôi sao đang chinh chiến tại nhiều câu lạc bộ lớn ở châu Âu như thủ môn Kasper Schmeichel, hậu vệ Andreas Christensen, tiền vệ Christian Eriksen và tiền đạo Martin Braithwaite.

Sự chờ đợi tiếp theo nằm ở cuộc đua vua phá lưới. Theo đó, năm nay vẫn là cuộc đua của những cây săn bàn hàng đầu thế giới như Antoine Griezmann (Pháp, vua phá lưới Euro 2016), Harry Kane (Anh, chiếc giày vàng World Cup 2018), Robert Lewandowski (Ba Lan) và tất nhiên rồi, là Ronaldo, đầu tàu của Bồ Đào Nha, người vẫn đang thể hiện phong độ không có tuổi của mình. 

Còn những âu lo

Đáng để chờ đợi, nhưng Euro 2020 cũng phải đối mặt với rất nhiều âu lo, tất cả đều xoay quanh Covid-19. Viện tổ chức ở nhiều quốc gia, lại trong thời điểm Covid-19 vẫn hoành hành đặt ra thác thức vô cùng lớn cho Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA). Dù UEFA chỉ kỳ vọng lấp đầy 20% – 50% số ghế ngồi nhưng như vậy xem chừng cũng không thật sự ổn.

Ví như việc cách đây không lâu, 2 thành phố Dublin (CH Ai-len) và Bilbao (Tây Ban Nha) bị tước quyền đăng cai Euro khi chính quyền thành phố sở tại không chấp thuận việc cho khán giả vào sân. Vì vậy, St. Petersburg sẽ tổ chức thêm các trận đấu tại vòng bảng  thay cho Dublin. 

Luân-đôn nhận thêm một trận ở vòng loại trực tiếp. Các trận đấu đáng ra tổ chức ở Bilbao sẽ phải rời sang sang Seville. Với những thành phố còn lại, chính quyền không ít nơi vẫn còn nhiều đắn đo. Như Munich (Đức), đặt mục tiêu đưa 14,5 nghìn khán giả vào sân Allianz Arena nhưng mới đây, thị trưởng thành phố này bỗng đăng đàn tuyên bố mọi việc vẫn chỉ là kế hoạch.

Covid-19 vẫn đe dọa thành công của Euro 2020.
Covid-19 vẫn đe dọa thành công của Euro 2020. 

Ông này cũng không dám hứa trước điều gì, đặt ra nỗi lo cho UEFA khi một trong những sân vận động lớn nhất của giải đấu này sẽ diễn ra không có khán giả. Ngược lại, thành phố Budapest lại tham vọng lấp đầy hơn 61 nghìn chỗ ngồi trên sân vận động Pukas, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh có thể tăng lên.

Ngoài ra, một khó khăn nữa cho UEFA đó là việc nhiều nước đăng cai chưa có những thỏa thuận cụ thể về việc đặc cách visa cho cổ động viên và vì thế, không ít người hâm mộ sẽ bị cấm nhập cảnh, mà nếu có nhập cảnh thì vẫn bị cách ly kể cả khi họ có hộ chiếu vắc-xin hay có giây xét nghiệm âm tính với Covid-19. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc lập các chỗ trống trên khán đài. 

Hiện tại, nhiều nước lo lắng trong việc lây lan dịch bệnh khi UEFA chưa có kế hoạch tiêm vắc-xin cho thành viên các đội bóng tham dự Euro 2020. Các đội bóng đã bày tỏ quan ngại vì Covid-19 sẽ lây lan giữa các cầu thủ, như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giải đấu. Kế hoạch của UEFA không phải là quyết liệt trong việc yêu cầu tiêm vắc-xin mà sẽ phun khử khuẩn toàn bộ các sân vận động trước và sau các trận đấu. Dung dịch khử khuẩn cũng sẽ đặt ở nhiều nơi tại sân vận động. Các cầu thủ, thành viên ban huấn luyện cũng sẽ được kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kịp thời phát hiện những trường hợp nhiễm bệnh.

Trên trang chủ của mình, UEFA cũng khẳng định sức khỏe của cổ động viên, cầu thủ, thành viên các đội bóng mới là quan trọng nhất. Các quy định giãn cách nghiêm ngặt cũng đã được công bố. VIệc đeo khẩu trang cũng trở thành bắt buộc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, thật khó để hướng sự an toàn về phía tuyệt đối. Nói thể để thấy rằng nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn sẽ hiện hữu dù UEFA hay bản thân các đội bóng cũng đã có những kế hoạch cho riêng mình. Sẽ là một mùa hè sôi động, hay có những sự gián đoạn sẽ xuất hiện khi trái bóng bắt đầu lăn? Một câu hỏi thật sự khó cho những nhà tổ chức. Những âu lo xuất hiện cũng là vì thế. 

Đọc thêm