Chọn cây, đừng chọn lô cốt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu muốn biết giá trị văn hóa – tín ngưỡng của một cây cổ thụ, xin hãy tìm đến đường Võ Chí Công (Hà Nội). Con đường dẫn từ trung tâm Thủ đô ra Sân bay Quốc tế Nội Bài đã phải nghiêng mình tránh cây đa cổ thụ có từ ngàn đời của người dân làng Nghĩa Đô.
Hà Nội sẽ thay thể cây phong trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng.
Hà Nội sẽ thay thể cây phong trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng.

Nếu muốn biết giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử của cây cổ thụ, xin hãy tìm đến những “cụ” Cây Di sản Việt Nam đã có tuổi đời hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm đã được cả đất nước tuyển chọn, vinh danh.

Và đã đứng trên mặt đất, ai cũng biết giá trị cảnh quan, môi trường của cây cối. Giữa đô thị lớn như TP HCM hay Hà Nội giữa trưa nắng hơn 40 độ C, may mắn gặp một bóng cây trú mát giây lát, mới thấy cảm giác từ “địa ngục” tới “thiên đường” là như thế nào.

Thủ tướng vừa mới chính thức phê duyệt đề án trồng một tỷ xây xanh, trong đó 690 triệu cây ở đô thị và nông thôn, 310 triệu cây trồng ở rừng. Vấn đề phải có thêm cây xanh đã trở thành câu chuyện sống còn ở tầm quốc gia, tầm thế giới.

Rất trùng hợp, cùng thời gian, Hà Nội chấp thuận đề xuất thay thế cây phong trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng bằng loài cây khác, tiếp tục một vòng luẩn quẩn “trồng – chặt – chặt – trồng”. Trước đó, những hàng cây trên tuyến phố này đã bị chặt đi để “nhường chỗ” cho 262 cây phong do một đơn vị tặng TP và được trồng thử nghiệm từ 2018.

Kế hoạch này từng bị dư luận kịch liệt phản đối, vì phong là cây ôn đới, khó thích nghi với xứ nhiệt đới, mùa hè thì chịu sao nổi? Bất chấp việc chưa có tài liệu nào thử nghiệm trồng cây phong tại Việt Nam, đặc biệt tại vùng đô thị nóng nực, Hà Nội vẫn bất chấp. Và sau 3 năm thử nghiệm, cây đã không thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội. Hiện 45 cây đã chết, 217 cây “vẫn sống, nhưng sinh trưởng, phát triển kém”; nói trắng ra là sống kiểu dặt dẹo.

Nhớ tới chuyện cây cổ thụ ở đô thị Việt Nam, có thể nhiều người lại cồn cào nhớ những hàng cổ thụ trên đường Kim Mã (Hà Nội), những hàng cây xanh mát mắt trên đường Tôn Đức Thắng (TP HCM)… Những hàng cây ấy không chỉ mang giá trị cảnh quan môi trường, văn hóa, lịch sử, mà còn mang giá trị tinh thần với mỗi người.

Nhưng cũng là cổ thụ, nhưng những “cụ” cây ấy đã không may mắn như “cụ” đa làng Nghĩa Đô, như các “cụ” Cây Di sản… Những hàng cây vô giá ấy đã bị triệt hạ không thương tiếc để nhường chỗ cho những “lô cốt” xây dựng các công trình giao thông đô thị. Đau xót hơn là những công trình đâu không thấy, hàng chục năm nay vẫn chỉ là những lô cốt gây ách tắc giao thông. Vậy là tất cả đều “thiệt đơn thiệt kép”, vừa không còn cây, vừa phải chung sống với nắng nóng kẹt xe bực bội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng có một phát biểu khiến người ta càng nghĩ càng thấy ngấm, khi ông cảnh báo về vấn nạn vì muốn phát triển nóng mà bất chấp thiên nhiên: Phải mất hàng triệu năm mới có một ngọn núi, hàng nghìn năm mới có một dòng sông, hàng trăm năm mới có một cây cổ thụ. Thế nhưng biết bao ngọn núi đã bị phá, có những dòng sông thành dòng sông chết, biết bao hàng cây xanh mát nay chỉ còn trong tâm tưởng nhớ thương… Để đổi lại, chúng ta được gì?

Cổ thụ đã gục ngã, nếu trồng mới, hẹn trăm năm sau gặp lại. Bài học đã quá đắt giá. Xin đừng chọn lô cốt, xin đừng luẩn quẩn vòng xoáy “chặt – trồng”; mà hãy chọn cách sống nâng niu tự nhiên, thuận thiên, như đề án trồng một tỷ xây xanh Thủ tướng vừa ban hành.