Cách đây hai năm, khi Hiền vừa về làm dâu nhà chồng chừng vài tháng, cô đã tất tả khăn gói vào bệnh viện cùng chồng. Khi đó, Thịnh- chồng cô- bị sốt cao, một bên mông thì sưng tấy, đỏ bầm như quả gấc thối. Bác sĩ chẩn đoán Thịnh bị viêm cơ mông dẫn đến biến chứng, điều trị kháng sinh liều cao hơn một tuần thì Thịnh được xuất viện.
Hơn một năm sau họ phấn khởi đón đứa con đầu lòng ra đời. Để có thêm thu nhập, Thịnh bỏ nghề lái taxi, vào miền Nam phụ giúp anh trai quản lý công việc ở một xưởng may gia công. Vào Nam chưa được bao lâu, một ngày cuối năm, Hiền đã thấy chồng lững thững ôm ba lô trở về vì bệnh cũ tái phát.
Nghe con gái nước mắt ngắn, nước mắt dài kể chuyện, bà Hoa phần vì thương con rể, phần cũng xót con gái chưa kịp hưởng hạnh phúc đã sớm phải vất vả nên cũng sồn sồn tìm cách “đuổi vận đen” giúp con.
Bỏ ngoài tai lời khuyên của bác sĩ là phải cho bệnh nhân uống thuốc đúng liều, đúng bữa và tuyệt đối không được đắp các loại lá thuốc nam vào vết thương, bà Hoa luôn dặn con gái hạn chế cho chồng uống thuốc kháng sinh. Bởi theo bà, uống thuốc tây nhiều sẽ sinh ra khí hỏa, như vậy sẽ càng làm cho vết thương thêm tấy đỏ, thay vào đó phải tìm các loại lá có tính mát đắp vào giải nhiệt.
Đợi ăn Tết xong, bà Hoa cất công lên tận một xã vùng cao của tỉnh Hòa Bình- cách nhà chừng vài trăm cây số- để nghe lời “chỉ dạy” của một cô đồng.
Nghe người ta đồn thổi, vị “thánh cô” này mới được “Thánh” cho ăn lộc nên có biệt tài bắt bệnh giỏi hơn bác sỹ, đặc biệt là cô đồng có thể đoán được tiền vận, hậu vận như thần.
Sau buổi lên miền ngược trở về, gặp con gái, bà Hoa đưa ra một mớ lá cây rừng phơi khô rồi cao giọng: “Thầy bảo con cho năm bát nước vào đun sôi, nấu thật đặc rồi cho thằng Thịnh uống, vừa uống vừa bôi”.
|
Ảnh minh họa từ Internet |
Sau khi đã truyền đạt lại bí quyết pha chế thuốc, bà Hoa kéo con gái vào góc phòng với vẻ mặt hệ trọng. Theo lời “thánh cô” thì trong ngày cưới, vợ chồng Hiền đã phạm điều cấm kỵ của “luật nhà giời”. Buổi rước dâu năm ấy, đám cưới có đi qua ba làng nhưng không vào miếu thờ Thành Hoàng làng để thắp hương kính báo- tương đương với việc qua mặt ba Thần Hoàng làng.
Không chỉ vậy, lúc chụp ảnh, Thịnh lại chổng mông vào miếu thờ Thành Hoàng làng để tạo dáng nên mới bị ngài quở phạt. Nếu không làm lễ đến tạ lỗi với Thần thì bệnh của chồng Hoa chỉ có nặng thêm chứ đừng mong khỏi hẳn. Bằng chứng là năm ngoái đã được chữa lành nhưng đến năm nay bệnh lại tái phát nặng hơn đó thôi.
Nghe mẹ truyền lại những lời “thánh phán”, giữa tiết mưa xuân mà Hiền toát mồ hôi hột. Cô bắt đầu lục lại trí nhớ của mình về buổi đưa dâu hai năm về trước. Đúng là đám cưới của cô có đi qua ba làng và cô dâu chú rể cũng có dừng lại đôi lần theo yêu cầu của ông “phó nháy” để chụp ảnh. Nhưng cô chẳng hề thấy chiếc miếu hoặc ngôi đình nào bên đường có thờ Thành Hoàng làng theo lời của bà thầy bói.
“Có miếu, có đình thì người ta cũng xây khuất sau vòm cây to cho kín đáo chứ ai lại đặt chình ình bên đường đi bao giờ”- bà Hoa giải thích cho con gái.
Nghe theo lời mẹ, Hiền ngày ngày sắc thuốc lá rừng cho chồng uống và không quên bôi thuốc lá lên vết thương của chồng. Sau đó cô cùng mẹ sắm sửa lễ vật để đến nhà “thánh cô” xin làm lễ tạ lỗi với các Thành Hoàng làng mà chồng cô đã trót dại chổng mông vào mặt thánh lúc chụp ảnh cưới.
Vừa đi, vừa về, mẹ con cô mất gần hai ngày đường. Lúc vừa đặt chân đến cổng thì đứa em út của chồng Hiền chạy ra mếu máo: “Tối qua anh Thịnh lên cơn co giật, tay chân không vận động được. Bố đã đưa anh đến bệnh viện cấp cứu…”. Chưa kịp nghe hết câu, Hiền vứt vội chiếc làn đỏ trong đó đựng đùm lá rừng và chiếc bùa mà bà thầy bói làm riêng cho chồng Hiền xuống đất rồi chạy vù ra đầu ngõ vẫy xe.
Gặp bác sĩ, Hiền như chết lặng khi nghe về bệnh tình của chồng. Vị bác sĩ này trách gia đình Hiền tại sao cố tình bôi thuốc lá vào vết thương của bệnh nhân, khiến vết thương bị hoại tử, dẫn đến nhiễm trùng máu, nguy cơ Thịnh bị liệt nửa người là khó tránh khỏi. Tối qua, phải vất vả lắm các bác sĩ mới cứu được chồng Hiền thoát khỏi cửa tử.
Giờ đây, ngồi bên chồng đang mê man trong cơn sốt, Hiền không biết làm gì hơn là luôn đưa vạt áo lên lau nước mắt. Cô thấy mình quá ấu trĩ và sai lầm khi tin lời nói nhảm nhí của vị “thánh cô” trên miền ngược. Tại sao những lời dặn dò trách nhiệm của các bác sĩ lại bị mẹ con cô xem thường đến vậy? Giá như Hiền tỉnh táo hơn thì đâu đến nỗi./.