Cư dân mạng ra sức “ném đá”, coi đó là hành vi làm nhục quốc thể. Bình tĩnh mà xem xét, bệnh “tắt mắt” hay gọi hài hước là “cầm nhầm” không hiếm gặp trong cộng đồng.
Ở bất cứ đâu, trong khu dân cư hay một tập thể nhỏ, thể nào cũng có một vài người ưa trộm cắp vặt, đến nỗi “hở cái gì ra là mất cái đó”. Có hiện tượng được coi là bệnh lý khi đánh cắp trở thành sở thích của một người.
Chẳng hạn anh ta chuyên đánh cắp các thứ lặt vặt của đồng nghiệp, đến nỗi ngăn kéo của anh ta đầy bút mà chẳng để làm gì. Thói quen “tắt mắt” khiến người ta hành động như vô thức, không lấy không chịu được, lúc bị phát hiện rồi cũng không hiểu tại sao mình lại làm cái việc đáng xấu hổ đến vậy.
Ăn cắp vặt là biểu hiện lòng tham của con người, tâm lý thích chiếm hữu vật dụng của người khác, thấy vật gì đó hớ hênh là thó ngay, bất cần hậu quả. Dân gian có thành ngữ: “Trông thấy của người ta thì tối mắt lại”. Thật chính xác, lúc đó sự tham lam trỗi dậy làm “tối mắt”, mà đã tối mắt thì còn nghĩ gì nữa đến danh dự, nhân cách, chiếm đoạt thôi.
Mới đây ở ta có một kẻ trốn truy nã 20 năm giờ bị bắt. Anh ta phạm tội trộm cắp tài sản, trốn vào Nam và thay tên, đổi họ, làm đến chức Trưởng phòng Đào tạo trong ngành Giáo dục.
“Chạy trời không khỏi nắng”, anh ta phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình là đúng nhưng phê phán rằng một tên trộm cắp mà trở thành cán bộ lãnh đạo cấp phòng của ngành Giáo dục và cho thế là biểu hiện “loạn” thì chưa hẳn đã đúng.
Một người hoàn toàn có thể thay đổi mình theo chiều hướng phục thiện, tiến bộ, tự rút ra bài học từ lầm lỗi của mình để vươn lên thành người tốt, có ích là đáng nể chứ sao! Pháp luật cũng như dư luận cần mở cho anh ta đường sống trong sạch, không nên đẩy người ta xuống hố vì trốn tránh một tội lỗi trong quá khứ.
Ăn cắp vặt giống như bệnh ghẻ ruồi của nhân cách. Những người chung quanh khó chịu, thậm chí ghê tởm, tránh xa. Song, cũng như bệnh ghẻ ruồi, có thể chữa trị được, nếu chịu bôi thuốc, giữ vệ sinh và ở trong một môi trường trong sạch./.