Nhiều ưu việt
Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn thí điểm về BSGĐ và phòng khám BSGĐ thì “Phòng khám BSGĐ được phép tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bao gồm khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu”. Phòng khám này là một trong các cơ sở đầu tiên tiếp nhận người bệnh trong hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; sẽ sàng lọc, khám bệnh, chữa bệnh và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám - chữa bệnh khác theo quy định về chuyển tuyến khám - chữa bệnh và tiếp nhận người bệnh để tiếp tục quản lý.
Bên cạnh đó, Phòng khám BSGĐ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám - chữa bệnh trong hệ thống khám - chữa bệnh để bảo đảm hoạt động chăm sóc ban đầu cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, đây sẽ là địa chỉ liên hệ để chuyển người bệnh thuộc phạm vi quản lý sức khỏe của phòng khám đến các cơ sở khám - chữa bệnh phù hợp.
Có thể nói, trước nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân ngày càng cao, trong khi hệ thống các bệnh viện công lập, đặc biệt các bệnh viện tuyến Trung ương luôn quá tải thì việc phát triển phòng khám BSGĐ được coi là vô cùng cần thiết trong việc giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện tuyến trên.
Để được hoạt động, phòng khám BSGĐ phải có nơi đón tiếp người bệnh; có buồng khám bệnh, tư vấn sức khỏe diện tích ít nhất là 10m2. Đồng thời phòng khám phải có đủ thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà phòng khám đăng ký, trong đó ít nhất phải có hộp thuốc chống choáng và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.
Nhằm tạo niềm tin và khuyến khích người dân đến với phòng khám BSGĐ, Bộ Y tế cũng đề xuất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với phòng khám bác sĩ gia đình cụ thể như sau: Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT thì áp dụng theo quy định của Luật BHYT.
Người có thẻ BHYT sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức quy định của pháp luật về BHYT, phần chênh lệch giữa chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và mức thanh toán của quỹ BHYT do người bệnh tự thanh toán cho phòng khám.
Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có BHYT: Phòng khám BSGĐ của Nhà nước sẽ áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; phòng khám BHYT tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…
Cũng lắm nỗi lo
Theo những quy định mà Bộ Y tế đang đề xuất thì người dân có thể hình dung một viễn cảnh tốt đẹp của mô hình phòng khám BSGĐ trong tương lai. Tuy nhiên, để Phòng khám BSGĐ được phép khám - chữa bệnh BHYT thì còn không ít nỗi lo và những rào cản từ cơ chế.
Nỗi lo thứ nhất, hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ y tế tại các phòng khám BSGĐ chưa đảm bảo đủ tiêu chuẩn để người dân có thể yên tâm và tin tưởng đến khám và điều trị.
Thứ hai, trong khi người dân đi khám BHYT thường khám theo hiểu “kết hợp” nhiều loại bệnh nhưng thực tế không mấy phòng khám BSGĐ hội đủ các bác sỹ chuyên khoa về Nhi, Sản, Xương khớp, Thần kinh, Răng-Hàm-Mặt… để có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bệnh nhân khám BHYT.
Theo mô hình hiện nay thì BSGĐ phải gắn với y tế cơ sở, trong khi trạm y tế các địa phương lại không đáp ứng được các điều kiện của mô hình này. Do vậy, trong trường hợp nếu khám - chữa bệnh BHYT tại phòng khám BSGĐ thì người bệnh được thanh toán tiền thuốc BHYT và mua thuốc BHYT ở đâu?.
Bởi theo quy định, bác sĩ gia đình chỉ được kê đơn chứ không được bán thuốc. Liệu có xảy ra tình trạng thất thoát quỹ BHYT do lạm dụng dịch vụ, lạm dụng việc kê đơn?. Và với nguồn lực hiện có, ngành BHXH có quản lý được loại hình này? Đây chính là nỗi lo thứ ba.
Ngoài những hạn chế kể trên, nếu nhìn vào thực tế công tác quản lý Nhà nước về BHYT của chúng ta hiện nay cũng đang tồn tại không ít bất cập. Dư luận vẫn chưa quên vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) khi cán bộ, nhân viên y tế ở đây câu kết với nhau để “nhân bản” xét nghiệm, lấy tiền chênh lệch đút túi riêng. Rồi tình trạng phân biệt đối xử giữa bệnh nhân có BHYT và bệnh nhân khám dịch vụ…
Các bệnh viện công còn tồn tại những bất cập như vậy thì khi triển khai BHYT tại các phòng khám BSGĐ, nếu không quản lý chặt chẽ, liệu có xảy ra tình trạng thất thoát quỹ BHYT?.
Chính bởi vậy, theo nhiều ý kiến, để phòng khám BSGĐ được khám - chữa bệnh BHYT thì từ hồ sơ, sổ sách đến hệ thống khám chữa bệnh của phòng khám phải được xây dựng bài bản và phải được công nghệ thông tin hóa. Đồng thời phải có một cơ chế giám sát chặt chẽ quỹ BHYT, chất lượng khám - chữa bệnh… nhưng để làm tốt được tất cả những nội dung trên lại là điều không đơn giản.