Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) mới, thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp chỉ còn “gói” trong vòng 10 ngày, song thực tế tại các địa phương, thời hạn này không được cải thiện nhiều do việc xác minh vẫn phụ thuộc vào cơ quan Công an.
Thời hạn cấp phiếu lý lịch Tư pháp không được cải thiện nhiều do việc xác minh vẫn phụ thuộc vào cơ quan Công an |
Không thể dưới 10 ngày
Theo quy định mới, từ 1/7/2010 (ngày Luật LLTP có hiệu lực - PV), tất cả nguồn thông tin về LLTP do các ngành chức năng nắm giữ (như Công an, Tòa án Viện kiểm sát, thi hành án….) đều phải cung cấp cho Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp địa phương. Trình tự cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin LLTP được quy định cụ thể trong Luật LLTP. Tuy nhiên, khó là trước thời điểm 1/7, tất cả các thông tin LLTP đều vẫn do ngành Công an quản lý. Do đó, việc cấp Phiếu LLTP vẫn phụ thuộc vào tra cứu của Công an.
“Thời hạn cấp Phiếu LLTP của Hà Nội hiện nay là khoảng từ 10-12 ngày”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương cho biết. Tuy nhiên, cũng theo ông Phương, đây là kết quả cải cách thủ tục hành chính của Hà Nội đã được duy trì từ nhiều năm. “Với cơ chế như hiện nay, chúng tôi không thể rút ngắn thời hạn thêm được nữa”, ông Phương khẳng định.
Tại Hà Giang, từ đầu năm đến nay tỉnh mới cấp 34 Phiếu LLTP, song theo Giám đốc Sở Tư pháp Hầu Minh Lợi thì thời hạn cấp cũng mất 10 ngày (tức đã rút ngắn hơn trước là 6 ngày), những trường hợp “có vấn đề” cũng phải “kéo” đến 20 ngày. ”Chỉ trừ những trường hợp đơn giản như học sinh đang trên ghế nhà trường hay vừa tốt nghiệp, có lý lịch rõ ràng chúng tôi tạo điều kiện để xác minh và cấp ngay, nhưng cũng mất khoảng 5 - 6 ngày”, ông Lợi cho biết thêm.
So với trước đây, mặc dù thời hạn cấp Phiếu LLTP đã được rút ngắn (từ 16 xuống còn 10 ngày), nhưng vẫn với quy trình cũ (Tư pháp tiếp nhận, Công an tra cứu) thì thời hạn nói trên vẫn không cải thiện được bao nhiêu. Thậm chí nhiều địa phương vẫn “dậm chân tại chỗ”. Chưa kể vào những đợt cao điểm, hay có việc “bận đột xuất”, ngành Công an không thể tra cứu để trả kết quả đúng hạn.
Trước đây, khi Thông tư liên tịch Tư pháp – Công an quy định về cấp PLLTP còn hiệu lực, nhiều người dân phản ánh chuyện “nhập nhèm” giữa trường hợp phức tạp và không phức tạp, và vì thế hồ sơ của họ bị “om” thêm 10 ngày (nâng thời hạn lên gần 1 tháng). Luật mới cũng quy định những trường hợp đặc biệt được kéo dài thêm 10 ngày nữa và mở rộng “những trường hợp khẩn cấp thì phải cấp PLLTP trong 24 giờ”. Tuy nhiên những quy định này đến nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.
Cần nhanh chóng hình thành cơ sở dữ liệu
Hơn 3 tháng kể từ ngày Luật có hiệu lực, theo ghi nhận tại các địa phương, ngành Tư pháp đang nỗ lực đặt những “viên gạch” đầu tiên cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ việc tra cứu thông tin LLTP. Tuy nhiên, khó nhất vẫn là cơ chế phối hợp giữa các ngành. Mặc dù đã có sự chuẩn bị chu đáo cho triển khai Luật LLTP mới (trong đó có việc phối hợp tốt với các ngành liên quan), tuy nhiên, từ 1/7/2010 đến nay, Hà Nội cũng mới chỉ cập nhật được trên 100 trường hợp (chủ yếu tiền án) – một số lượng như “muối bỏ bể” so với thông tin phải tập hợp.
Tại nhiều địa phương, việc cung cấp thông tin cho tư pháp nhiều nơi không đầy đủ (và như vậy đương nhiên, cơ sở dữ liệu sẽ không cập nhật kịp thời), trong khi chế tài để xử lý thì mờ nhạt.
“Luật đã quy định các cơ quan, tổ chức phải thực hiện cung cấp thông tin cho Sở Tư pháp nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể, cũng như việc chuyển giao những dữ liệu đã có như thế nào, nên khó khăn trong việc cấp Phiếu”, một số Sở Tư pháp phản ánh.
Liên quan đến thực hiện Luật LLTP ở địa phương, một vấn đề khác là việc bố trí nhân sự cho công tác này còn nhiều hạn chế do quỹ biên chế eo hẹp và đòi hỏi những cán bộ tinh thông nghiệp vụ, tin học cao.
P.V