Trước đó, trận lũ năm 2013 đã gây thiệt hại khá nặng cho tỉnh Quảng Nam với 5 người bị chết; 77.742 ngôi nhà bị ngập; 150 ha lúa vụ Đông và 1.045,7ha rau màu bị ngập úng; 935 con gia súc và 23.750 con gia cầm bị lũ cuốn trôi. Mưa lũ đã làm hư hỏng và sạt lở một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh… Tổng thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng.
Sau lũ, nhiều cử tri trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị các nhà máy thủy điện phải chịu trách nhiệm bồi thường về những thiệt hại do mưa lũ vì cho rằng, thủy điện góp phần tăng hậu quả của lũ lụt, gây hiệt hại cho người dân.
Tuy nhiên, văn bản của Bộ Công Thương trả lời đã khẳng định: “Sau khi trận lũ lịch sử xảy ra từ ngày 14- 16/11/2013, theo báo cáo của tỉnh Quảng Nam, báo cáo của các nhà máy thủy điện trên địa bàn; báo cáo của đoàn kiểm tra thuộc Bộ Công Thương cho thấy, việc vận hành các hồ chứa thủy điện lớn ở Quảng Nam đã thực hiện đúng theo Quy trình vận hành liên hồ chứa (hồ A Vương, Sông Tranh 2 và hồ Đak Mi 4) và Quy trình của từng hồ đã được phê duyệt, không gây thêm lũ cho hạ du, đã góp phần cắt giảm định lũ và lượng nước lũ về hạ du trên các sông, mặc dù các hồ chứa này không có nhiệm vụ chống lũ.
Cụ thể, trong 12 giờ đầu của trận lũ, hồ Sông Tranh 2 đã cắt giảm được 63% lượng nước lũ với dung tích 117 triệu m3. Tại hồ thủy điện Đak Mi 4: lưu lượng về đỉnh lũ đạt lớn nhất 4.360m3/s, hồ Đak Mi 4 chỉ xả về hạ du lưu lượng lớn nhất 3.900m3/s và đã cắt được 10,6% lưu lượng đỉnh lũ. Hồ chứa thủy điện A Vương, bắt đầu xả tràn lúc 16 giờ ngày 15.11.2013 là 205m3/s, đến 20h cùng ngày lưu lượng về hồ đạt đỉnh 898m3/s; trong khi đó hồ A Vương chỉ xả qua tràn lớn nhất là 793,8m3/s. Còn lại, đối với các công trình thuỷ điện hồ chứa nhỏ và tự tràn không có tác dụng điều tiết, giảm không đáng kể lưu lượng đỉnh lũ so với tự nhiên.