Chứng thực bản sao, Tư pháp cấp phường kêu “oải”

Ước tính Hà Nội hiện có hơn 1/4 số xã phường bố trí được 2 cán bộ tư pháp/đơn vị hành chính. Số còn lại chủ yếu là một người trong khi phải làm 12 đầu công việc, chưa kể những việc kiêm nhiệm... Tình trạng này diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là thành phố lớn và miền núi.

Không thể phủ nhận những gì Nghị định 79/CP về chứng thực đem lại, đặc biệt là sự thông thoáng, thuận tiện cho người dân khi có nhu cầu, tuy nhiên khi thực hiện phân cấp mạnh mẽ, ngành Tư pháp lại nan giải trước bài toán nhân lực.

Bổ sung, vẫn thiếu

Giải tỏa bản sao khỏi Phòng công chứng, Hà Nội có lẽ là địa phương “mừng” nhất. Người dân mừng vì sẽ không còn cám cảnh chen chân xếp hàng trong các phòng công chứng chật chội để “xin” sao y giấy tờ, thay vào đó là về ngay tại ủy ban cấp phường nơi mình sinh sống hoặc bất cứ nơi nào khác sẽ được “chứng” ngay. Vừa đỡ mất công, vừa đỡ mất chi phí đi lại. Còn cán bộ công chứng thì cũng rảnh tay để tập trung cho giải quyết các hợp đồng, giao dịch - bản chất đích thực của công chứng.

Khi mới thực hiện Nghị định 79 (đưa bản sao về cho xã, phường và huyện chứng thực), Hà Nội đã có phương án bổ sung đến hơn 200 cán bộ tăng cường cho xã, phường để góp sức đảm đương công việc này.

Sau nhiều nỗ lực, đặc biệt khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, đội ngũ cán bộ tư pháp cấp phường của Hà Nội mở rộng đã tăng đáng kể. Tuy nhiên đến nay ước tính mới có khoảng hơn 1/4 số xã phường bố trí được 2 cán bộ tư pháp/đơn vị hành chính. Số còn lại chủ yếu vẫn đang là một người trong khi phải làm 12 đầu công việc, chưa kể những việc kiêm nhiệm khác.

Tình trạng này diễn ra ở nhiều thành phố lớn, những nơi đông dân cư. Theo quy định cán bộ tư pháp được bố trí theo đầu dân số, 10.000 trở lên sẽ có hai biên chế /đơn vị xã phường. Quy định là vậy song thực tế có bố trí được hay không lại do quỹ biên chế ở từng địa phương

Không chỉ các thành phố lớn, nhiều địa phương miền núi và các vùng khó khăn cũng “bí” tương tự. Thực hiện cải cách hành chính nhưng phần lớn tại bộ phận một cửa cán bộ hộ tịch lại không phải là người trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, do đó hồ sơ phải “đi vòng”, đến được tay người có thẩm quyền ký chứng thực có khi phải chờ qua ngày. Chưa kể những khi lãnh đạo ủy ban đi vắng, công việc bị dồn ứ, hoặc trong trường hợp bản chính bị nghi giả mạo, cần phải đưa qua cán bộ tư pháp để thẩm tra.

Cả nước… khó chung

Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, so với 5 năm trước đây, ở cấp xã, đội ngũ cán bộ, công chức Tư pháp - Hộ tịch tăng 10%. Hiện nay, trên phạm vi cả nước có trên 12.979 công chức Tư pháp -Hộ tịch, nhiều xã, phường, thị trấn đã bố trí 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đắc Lắc, Thanh Hóa, Tiền Giang...

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận: công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ Tư pháp vẫn chủ yếu ở cấp Sở, cấp Phòng và đặc biệt là xã vẫn còn rất nhiều khó khăn do quỹ biên chế của địa phương có hạn. Thêm nữa, cũng theo Bộ Tư pháp, một số nơi cán bộ Tư pháp hộ tịch còn chưa qua đào tạo luật, ít được quan tâm bồi dưỡng.

Một lý do khác, nhiều địa phương đang gặp phải đó là sự biến động thường xuyên của cán bộ tư pháp cấp xã. Để đào tạo được một cán bộ lành nghề, phải rất mất công từ tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo… nhưng khi họ đã thạo việc, thì lại nằm trong “tầm ngắm” cán bộ nguồn của cơ sở, được cất nhắc hoặc chuyển sang vị trí công tác khác. Đó là điều đáng mừng về sự tiến bộ tuy nhiên lại tạo sự thiếu hụt cán bộ trong công tác tư pháp.

Năm 2011, ngành Tư pháp xác định, tăng cường cán bộ tư pháp cho cơ sở, bảo đảm 100% cán bộ Tư pháp - Hộ tịch chuyên trách; ở những địa bàn công tác Tư pháp - Hộ tịch quá tải, cần có 2 cán bộ chuyên trách. Bên cạnh đó, là công tác bồi dưỡng nghiệp vụ (mục tiêu phấn đấu ít nhất bồi dưỡng cho 50% cán bộ Tư pháp - Hộ tịch). Đối với các cán bộ tư pháp chưa được chuẩn hóa trình độ trung cấp pháp lý, ngành Tư pháp xác định sẽ tập trung đột phá vào khâu đào tạo nguồn cán bộ có trình độ trung cấp luật phục vụ cho các tỉnh còn khó khăn về nhân lực.

Riêng với công tác chứng thực, trong năm nay, dự kiến ngành cũng kiểm tra công tác chứng thực, hộ tịch, nuôi con nuôi ở 1/3 xã, phường để kịp thời phát hiện những thiếu sót của địa phương trong lĩnh vực này.

Nguyễn Duy

Đọc thêm