Chứng thực không xác nhận về nội dung văn bản dịch?

 Đưa ra khái niệm bản dịch “chất lượng” nghe có vẻ “mù mờ” song thực tế lại chỉ ra rằng nếu cứ để cán bộ Phòng Tư pháp chứng thực chữ ký của người dịch trong mọi trường hợp, trong khi họ không biết ngoại ngữ thì cũng là không hợp lý.

Đưa ra khái niệm bản dịch “chất lượng” nghe có vẻ “mù mờ” song thực tế lại chỉ ra rằng nếu cứ để cán bộ Phòng Tư pháp chứng thực chữ ký của người dịch trong mọi trường hợp, trong khi họ không biết ngoại ngữ thì cũng là không hợp lý.

Thừa nhận tình trạng lãnh đạo Phòng Tư pháp chứng thực chữ ký của người dịch không biết ngoại ngữ nhưng ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp lại khẳng định: Bản chất của việc chứng thực chỉ là xác nhận đúng chữ ký cá nhân người dịch đó, chứ không phải chứng thực tính chính xác của văn bản dịch. Việc dịch đúng hay sai hoàn toàn do người dịch chịu trách nhiệm. 

Ảnh minh họa

So với trước đây, khi việc chứng thực chữ ký người dịch còn nằm ở các Phòng Công chứng, do công chứng viên thực hiện, ông Thất cho rằng quy định hiện tại không có gì là nguy hiểm hơn bởi công chứng viên không phải ai cũng biết ngoại ngữ. Mà có biết thì cũng không thể biết mọi thứ tiếng, hơn nữa thứ tiếng đó lại là tiếng chuyên ngành, chuyên môn sâu.

Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở chỗ các địa phương. Chính vì hạn chế về ngoại ngữ nên nhiều lãnh đạo Phòng Tư pháp cho rằng đây là công việc vượt quá khả năng của mình. Đó là chưa kể những văn bản nửa tiếng Việt, nửa tiếng nước ngoài, không biết phân biệt thẩm quyền ra sao.

Có nên quy định “đặc cách”?

Dẫn ra một trường hợp người dân cứ thắc mắc lên xuống vì bản dịch của họ đã được các GS.TS một Trung tâm ngoại ngữ hàng đầu của một trường Đại học lớn dịch thuật, nhưng lại không được công nhận về mặt pháp lý, mà cứ bắt phải mang đến Phòng Tư pháp “chứng”, trong khi cán bộ Phòng Tư pháp không hiểu nội dung dịch thuật đó là gì. Công dân này cho rằng, việc quy định bắt buộc phải qua Tư pháp ký là cứng nhắc và không hợp lý.

Theo dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 79/CP ngoài việc vẫn tiếp tục quy định Phòng Tư pháp cấp huyện có thẩm quyền chứng thực chữ ký người dịch, nhưng bổ sung quy định không thực hiện chứng thực chữ ký người dịch trong trường hợp văn bản dịch do người dịch là người của tổ chức dịch thuật thực hiện, người dịch ký, ghi rõ họ tên, có xác nhận của người đứng đầu doanh nghiệp và đóng dấu của tổ chức dịch thuật.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về quy định “đặc cách” nêu trên, vì cho rằng không phải những người có bằng cấp cao về ngoại ngữ là có thể “dịch chuẩn”. Bởi ngoại ngữ nếu lâu không sử dụng, dễ mai một, dẫn đến bản dịch không chất lượng

Lấy bằng cử nhân làm “chuẩn”?

Trước đây, một thời gian dài Hà Nội và nhiều địa phương “mắc” chuyện sử dụng đội ngũ cộng tác viên dịch thuật vì không rõ căn cứ vào đâu để nhận biết người dịch là người “thông thạo tiếng nước ngoài cần dịch”. Căn cứ và bằng cấp, khả năng giao tiếp hay một tiêu trí nào khác?. Lãnh đạo các Phòng Tư pháp bằng khả năng ngoại ngữ của mình cũng không thể nào “kiểm tra” được trình độ của người dịch thuật.

Hướng dẫn vấn đề này, tại mục 5, Thông tư 03/2008 của Bộ Tư pháp quy định: Người dịch có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên tại nước ngoài đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch”. Tuy nhiên, quy định này gây khó hiểu bởi bằng tốt nghiệp cao đẳng ở đây là ngành nghề gì hay bắt buộc ngành ngôn ngữ học. Ngoài ra, thực tế ở các nước trên thế giới loại hình đào tạo cao đẳng chủ yếu là học nghề. Cũng có ý kiến cho rằng có thể quy định ‘có bằng cử nhân trở lên được nước ngoài cấp” bao hàm cả trường hợp học ở Việt Nam nhưng được nước ngoài cấp bằng.

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 79 quy định rõ hơn về tiêu chuẩn người dịch: phải có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng cử nhân trở lên tại nước ngoài đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch. Người dịch có thể là cá nhân, cộng tác viên dịch thuật của phòng Tư pháp cấp huyện hoặc thành viên của tổ chức dịch thuật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong khi chờ sửa đổi quy định nói trên, cần “thanh lọc” kịp thời những cộng tác viên kém chất lượng ra khỏi danh sách người dịch và định kỳ có biện pháp kiểm tra trình độ đối với đội ngũ này.

Hương Bằng 

Đọc thêm