Tân “lì” tuyên chiến với tử thần
Sinh ra và lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác, Tân có 19 năm sống khoẻ mạnh, đẹp trai và phong độ. Nhưng khi 20 tuổi, anh mắc căn bệnh quái ác, toàn thân co rút, đau đớn cùng cực mỗi khi thời tiết thay đổi. Hai năm mắc bệnh, Tân nằm liệt giường trong sự “dòm ngó” của “tử thần”. Tay chân co quắp, mặt méo xẹo, thậm chí vệ sinh cá nhân tại chỗ, không nói được, Tân chỉ biết gào to và ôm mẹ khóc.
Gia đình đưa Tân đi chạy chữa khắp nơi, uống rất nhiều thuốc, hễ có ai mách loại thuốc nào bà Đào - mẹ Tân lại cất công tìm về cho con. Căn bệnh này thuộc căn bệnh hiếm gặp. Bác sĩ từng nói, ít nhất phải 13 năm sau, khả năng vận động của cậu mới có thể hồi phục phần nào.
Khi trò chuyện với Tân qua tin nhắn và chat, vì Tân vẫn có thể nhúc nhắc được ngón tay, PV không khỏi xúc động trước những chia sẻ: “Thời điểm ấy tôi hoàn toàn gục ngã trong đau đớn, tuyệt vọng. Đã có những ngày tháng tôi luôn trong tình trạng thèm chết hơn là tham sống”.
Nhưng với ý chí phi thường, sau 720 ngày đối mặt với “tử thần”, Tân trở nên bản lĩnh, lầm lũi tự ngóc đầu, tự lật mình ngồi dậy, lết và tập đi như một đứa trẻ. Tân nhờ bố mẹ làm cho hai gióng sắt treo lên giường và bắt đầu hành trình luyện tập lấy lại khả năng vận động.
Tân được gia đình chuẩn bị cho hai chiếc nạng để tập đi. Những ngày mới tập, sức tì lớn của cả cơ thể lên chiếc nạng gỗ khiến Tân chảy máu và đau đớn vô cùng, nhưng anh vẫn không lùi bước. Tân đã biến điều không thể thành có thể. Từ chỗ lần giường gượng đứng lên, giờ đây, chàng trai trẻ đã có thể tự đứng lên, ngồi xe lăn hoặc tự bước qua những con phố thân quen.
Tân nói rằng mình đã “lì lợm” chống lại những cú đánh hiểm ác của số phận nên được mọi người đặt cho biệt danh Tân “lì”. “Nó lì lợm lắm. Mỗi ngày, nó bám hai khuỷu tay vào hai gióng sắt rồi đu người lủng lẳng trong đau đớn. Máu ở khuỷu tay tứa ra nhưng nó vẫn cứ miệt mài tập” - bà Đào cho biết.
Giúp những mảnh đời bất hạnh hơn mình
Mẹ Tân kể lại, những ngày đầu Tân bị bệnh, mọi người sang thăm hỏi, động viên và cho tiền nhưng cậu nhất quyết không chịu nhận. Hồi ấy, Tân khó chấp nhận việc phải ngửa tay lấy tiền người khác cho. Thế nhưng, sau thời gian đi sinh hoạt và tập luyện ở Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật TP.Nam Định, chàng trai đã thay đổi cách nhìn, quan điểm sống của mình. Chứng kiến những đứa trẻ khuyết tật, sống thiếu thốn, Tân quyết định phải làm điều gì đó để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh hơn mình.
Từ đó, bất kể ngày nắng hay mưa, Tân đều ngồi xe lăn đi khắp thành phố quyên tiền gây quỹ từ thiện, hỗ trợ các bé tàn tật. “Chàng công tử” ngày nào không còn cảm thấy sĩ diện, không xấu hổ vì đi xin tiền nữa bởi cậu hiểu rằng, cậu đang làm một việc có ý nghĩa với nhiều người.
Những ngày đầu đi xin tiền không được nhiều người ủng hộ như bây giờ. Không ít người nhìn Tân với ánh mắt dửng dưng, dè chừng giống như nhìn những người ăn xin tinh quái đang sử dụng chiêu trò lừa. Gia đình Tân cũng không chấp nhận việc Tân ngồi xe lăn đi xin tiền. Bởi lẽ, trời nắng cũng như mưa, không ngày nào Tân không lăn xe lầm lũi hết con phố này đến con phố nọ nên cha mẹ Tân xót lắm. Không nói được, Tân chỉ có thể cúi gập người cám ơn mỗi khi nhận tiền.
“Ban đầu, mọi người nghĩ tôi đi xin cho mình, họ cho ít tiền lẻ. Nhưng sau khi biết việc làm của tôi thì họ cho nhiều hơn, thường 50 nghìn đến 100 nghìn” - Tân kể. Quyên góp được bao nhiêu tiền, Tân đổi hết thành quà để tặng người có cảnh ngộ khó khăn hơn mình.
Không chỉ lăn xe quanh thành phố Nam Định quyên góp tiền, Tân còn hào hứng với những chuyến đi cả trăm cây số, đến gặp gỡ và trao tận tay những người khuyết tật số tiền và quà mình gom góp được. “Chuyến đi gần đây nhất của Tân là đến Hưng Yên gặp và trao quà cho một cháu cũng mắc căn bệnh co rút toàn thân. Cứ quyên góp được đủ tiền là Tân lại lên đường…” - mẹ Tân cho biết.