Chuyện chưa biết về “người phụ nữ của những lần đầu tiên” Kamala Harris

(PLVN) - Không chỉ là phụ nữ đầu tiên trở thành Phó Tổng thống Mỹ trong 231 năm qua, bà Kamala Harris còn là người da màu gốc Á đầu tiên nắm giữ cương vị này. Và đặc biệt không kém, gia đình - hậu phương vững chắc của bà đã ảnh hưởng sâu sắc đến con đường thành công của tân Phó Tổng thống Mỹ.
Nữ Phó Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.
Nữ Phó Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Người phụ nữ tài ba

Ngay khi các hãng truyền thông lớn của Mỹ đồng loạt đưa tin ông Joe Biden đắc cử, trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ, bà Harris cùng gia đình cũng thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận. Theo CNN, bà Harris trở thành đại diện quyền lực mới trên chính trường Mỹ và đại diện cho hàng triệu phụ nữ Mỹ tại Nhà Trắng. 

Bà Harris sinh năm 1964 tại Oakland (bang California), tốt nghiệp Đại học Howard tại Washington. Trong thời gian theo học trường này, bà gia nhập hội nữ sinh người Mỹ gốc Phi Alpha Kappa Alpha Sorority Inc - nơi định hình sâu sắc quan điểm chính trị của bà. 

Sau khi tốt nghiệp năm 1986 và Đại học Luật Hastings vào năm 1989, bà Harris làm việc tại Văn phòng công tố quận Alameda với vị trí trợ lý luật sư. Từ đây, bà bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình.

Năm 2003, bà Harris trở thành Luật sư San Francisco và trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên giữ chức vụ này ở California, sau khi vượt qua sếp cũ của mình. Năm 2010, bà trở thành phụ nữ da màu đầu tiên được bầu làm Tổng chưởng lý California.

Năm 2016, bà được bầu vào Thượng viện Mỹ, trở thành người Mỹ gốc Ấn đầu tiên và phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên phục vụ trong đảng Dân chủ, đại diện cho bang California. Tại Thượng viện, bà Harris là thành viên của nhiều tiểu ban quan trọng, bao gồm Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ; Ủy ban Đặc biệt về Tình báo; Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Phân bổ Ngân sách.

Bà Harris bên em ruột và cháu gái.
Bà Harris bên em ruột và cháu gái. 

Trong cuộc bầu cử năm 2020, bà Harris được ông Joe Biden lựa chọn làm ứng viên Phó Tổng thống Mỹ của mình, vượt qua 11 ứng viên khác. Thượng nghị sĩ 55 tuổi là người người phụ nữ thứ 3 trong lịch sử Mỹ được chọn để tranh cử chức Phó Tổng thống Mỹ, sau Dân biểu bang New York Geraldine Ferraro (năm 1984) và Thống đốc bang Alaska Sarah Palin (năm 2008). Trong bài phát biểu chấp nhận đề cử, bà Harris kêu gọi người dân Mỹ đồng hành cùng bà để đấu tranh cho nạn phân biệt chủng tộc và sự bài ngoại.

Con đường đến Nhà Trắng của bà Harris đang là nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với người dân Mỹ, đúng như bà từng khẳng định trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách phó tổng thống đắc cử: “Tôi có thể là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị này, nhưng sẽ không phải là người cuối cùng”.

Bà Harris cho biết sẽ đấu tranh để khôi phục các nguyên tắc hòa nhập của nước Mỹ sau 4 năm bị chia rẽ dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump. Bà cho biết mình và ông Joe Biden chia sẻ “tầm nhìn về quốc gia như một cộng đồng được yêu mến, nơi tất cả mọi người được chào đón, không quan trọng họ là người ra sao, đến từ đâu và yêu quý ai”. 

“Nền tảng” của những thành công

Khi chấp nhận đề cử ứng viên Phó Tổng thống tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ, bà Harris đã dành thời gian để giới thiệu lại bản thân với các cử tri và nói nhiều về gia đình - nền tảng cho những thành công của bà hiện nay. Bà sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố mẹ là người nhập cư luôn đấu tranh vì nhân quyền. Mẹ bà, Shyamala Gopalan Harris là người nhập cư từ Ấn Độ, tới Mỹ du học. Còn cha bà, ông Donald Haris là một giáo sư kinh tế người Mỹ gốc Jamaica. Trong suốt quá trình tranh cử, bà Harris thường xuyên đề cập đến việc những hoạt động đấu tranh vì nhân quyền của cha mẹ đã ảnh hưởng tới bà như thế nào. 

Bố và mẹ của bà Harris ly hôn năm 1972. Năm 12 tuổi, bà Harris và em gái Maya, cùng mẹ chuyển tới thành phố Montréal (Canada) sinh sống, nơi bà Gopalan Harris giảng dạy tại Trường Đại học McGill và nghiên cứu tại một bệnh viện của người Do Thái.

Trong quá trình tranh cử, bà Harris thường xuyên nói về mối quan hệ thân thiết với mẹ mình. “Mẹ tôi đã nuôi lớn tôi và em gái. Bà là một người rất nghiêm khắc”, bà Harris kể. “Bà ấy chỉ cao 1,5 m nhưng nếu gặp thì bạn sẽ nghĩ bà ấy cao tới 3 m”. 

Một trong những người thân cũng vô cùng quan trọng với bà Harris là em gái Maya Harris (SN 1967). Không chỉ là tri kỷ, bà Maya còn là cố vấn chính trị và đồng minh thân cận của chị gái. Họ thậm chí được so sánh với cặp anh em quyền lực Jack và Bobby Kennedy, tức cố Tổng thống thứ 35 John F.Kennedy và em trai. 

Năm 13 tuổi, bà Harris đã cùng em gái Maya đã dẫn đầu một cuộc biểu tình trước tòa nhà chung cư nơi họ đang sống để phản đối chính sách cấm trẻ em vui chơi trên cỏ. Năm 2014, bà Maya chính là người chủ trì đám cưới của chị gái với Luật sư Douglas Emhoff. 

Bà Maya là người điều hành chiến dịch tranh cử của chị gái. Hỗ trợ chị gái không phải trải nghiệm đầu tiên của bà Maya Harris với cuộc đua Nhà Trắng. Trước đây, bà từng là cố vấn chính sách cấp cao trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của bà Hillary Clinton. Bà Maya từng giữ vị trí điều hành tại Quỹ Ford và ACLU của Bắc California. Ở tuổi 29, bà Maya Harris trở thành một trong những hiệu trưởng trường luật trẻ nhất từ trước đến nay khi đảm nhận vị trí này tại Trường Luật Lincoln ở Sacramento. 

Ông Tony West, chồng của bà Maya (cựu Tổng chưởng lý của Thượng viện Mỹ và hiện là Giám đốc pháp lý của Uber) cũng giúp chị dâu Kamala Harris chuẩn bị cho nhiều cuộc tranh luận trong chiến dịch tranh cử. Bà Maya gặp chồng tại Trường Luật Stanford. 

Theo News18, vài phút sau khi bà Kamala Harris được tuyên bố là nữ Phó Tổng thống đầu tiên của Mỹ, bà Maya đã đăng đàn trên Twitter để chúc mừng chị gái: “Mẹ đã dạy rằng chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì. Hôm nay mẹ sẽ không khỏi tự hào”. 

Bà Maya Harris tương đối kín tiếng về cuộc sống cá nhân. Giống như chị gái, bà Maya Harris là luật sư. Bà lấy bằng cử nhân của Đại học California-Berkeley, sau đó tốt nghiệp Trường Luật Stanford. Trong thời gian học đại học, bà Maya là mẹ đơn thân của cô con gái tên Meenakshi Ashley Harris (còn gọi là Meena, sinh năm 1984). Ngoài sự nghiệp luật sư, bà còn là nhà hoạt động dân quyền và tác giả một cuốn sách trong đó chia sẻ về căn bệnh lupus ban đỏ của mình. 

Nhiều người hy vọng dưới thời tân Tổng thống Joe Biden, bà Maya Harris sẽ xuất hiện nhiều hơn với vai trò hỗ trợ cho chị gái. 

Tiếp bước mẹ và bác của mình, Meena cũng làm luật sư. Tốt nghiệp Trường Luật Stanford và Harvard, cô từng làm việc trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 của ông Barack Obama. Cô hiện là người sáng lập và CEO của Chiến dịch Hành động vì Phụ nữ Phi thường. Meena từng viết cuốn sách mang tên “Kamala and Maya’s Big Idea” (tạm dịch: Ý tưởng lớn của Kamala và Maya).

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Đại học Stanford, Meena trở thành nhân viên của Facebook. Tại đây, cô gặp chồng - Nikolas Ajagu, hiện là Giám đốc toàn cầu về công nghệ quảng cáo của Facebook. Họ kết hôn và có hai con gái lần lượt vào năm 2016 và 2018. Meena cho biết Kamala là người có ảnh hưởng lớn tới các con của cô. “Bác ấy luôn ủng hộ ước mơ trở thành tổng thống kiêm phi hành gia của đứa con gái 4 tuổi nhà tôi”, cô kể lại.

Đọc thêm