Chuyện công lý khiếm khuyết

(PLVN) - Vào cuối thế kỷ thứ 17, ở vùng Salem thuộc bang Massachussetts của nước Mỹ diễn ra phiên tòa xét xử 30 người mà sau này trở thành vết nhơ không thể rửa tẩy được trong lịch sử tư pháp của đất nước.
Sau hơn 300 năm, công lý vẫn chưa vẹn tròn với những người bị phán là phù thủy trong phiên tòa tại Salem.

Theo thời gian, những người này dần được trả lại công lý. Nhưng công lý ấy không chỉ rất muộn mằn mà còn không thật sự đầy đủ. Họ vô tội mà bị kết án tử hình, nhưng rồi lại chỉ được “ân xá” chứ không phải là trắng án và không ai được trả lại sự vô tội của mình.

Vụ việc xảy ra năm 1694, cả 30 người này bị cáo buộc là phù thuỷ gây ra dịch bệnh ở vùng Salem, trong số đấy có cô gái Eluzabeth Johnson (22 tuổi) và chưa lập gia đình. Từng người bị đưa ra xét xử công khai và bị tuyên án tử hình bằng hình thức treo cổ. 29 người đã bị cướp đi mạng sống.

Riêng cô gái Elizabeth Johnson cũng bị tuyên án tử hình nhưng bản án lại không được thực hiện. Người đời sau không biết nguyên nhân từ đâu. Có người cho rằng nắm giữ tài liệu chứng thực rằng người đứng đầu chính quyền vùng Salem khi ấy lờ mờ nhận ra sự thật là tất cả 30 người hoàn toàn vô tội và không phải là phù thuỷ nên không cho thi hành bản án tử hình với cô Elizabeth Johnson. Cô gái này sống trong tư cách là một người bị kết án tử hình cho tới khi qua đời vào giữa thập niên 40 của thế kỷ 18.

Về sau, chính quyền và nghị viện bang Massachussets lần lượt dùng luật để ân xá những người bị treo cổ hồi cuối thế kỷ 17 ở Salem. Chỉ riêng có cô Elizabeth Johnson là không được ân xá. Không ai giải thích được điều này và tài liệu lưu trữ cũng không thấy ghi chép gì. Có người cho rằng vì Elizabeth Johnson bị tuyên án tử khi còn rất trẻ, không có gia đình nên về sau không có họ hàng thân thích hay hậu duệ đứng ra đòi công lý cho mình.

Ai cũng biết thế. Chính quyền và nghị viện bang, tòa án và dư luận đều biết thế nhưng không ai giúp trả lại công lý cho người phụ nữ này. Ở Salem hiện có hẳn một nơi tưởng niệm những người khi xưa bị treo cổ.

Cho tới đầu năm nay,một nhóm học sinh trung học ở bang khi tìm hiểu lịch sử đã để ý đến số phận của Elizabeth Johnson. Các bạn trẻ này thu thập tài liệu và chứng cứ rồi đề đạt với một nữ dân biểu của bang về việc khôi phục sự trong sạch pháp lý cho Elizabeth Johnson. Vị dân biểu này cùng các bạn trẻ soạn thảo dự luật liên quan và dự luật này sắp được thông qua

Sau hơn 300 năm, nỗi oan ức của cô gái trẻ xưa mới được gột bỏ. Nhưng cả trong trường hợp tòa án sai rõ ràng đến như thế này thì cô gái cũng như 29 người khác chỉ được ân xá chứ không được chính thức tuyên cáo là vô tội. Thôi thì cũng có công lý nhưng công lý như thế rõ ràng khiếm khuyết bởi không phản ánh đầy đủ hoàn toàn sự thật.

Tòa án xử sai thì dễ nhưng nhận sai lại khó và sửa sai lại càng thêm khó. Trong trường hợp cô gái này, tòa án và luật pháp, hành pháp và lập pháp đều biết vụ việc khi xưa sai trái nhưng lại không sửa sai, nhận ra thiếu sót nhưng cũng không hề chấn chỉnh. Công lý và sự thật dẫu có muộn mằn không phải có vẫn còn hơn không mà vẫn luôn rất cần thiết.

Đọc thêm