Chuyện cũ cầu Thăng Long (Kỳ 10): Lần đầu đối mặt “chuyên xa” của “quan đại sứ”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày tháng 1 năm 1984, cầu Thăng Long sau khi dầm thép nối liền đôi bờ (tháng 10/1983) thì chuẩn bị thông xe giai đoạn1: đó là thông cầu đường sắt và thông xe ô tô tải trọng nhẹ trên đường cánh gà mà nay dành cho xe đạp, xe máy.
Ông Boris Shaplin, Ủy viên dự khuyết TW Đảng Cộng sản Liên Xô, Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam và ông Đỗ Mười, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam cắt băng khánh thành cầu Thăng Long ngày 09/5/1985. Tác giả Nguyễn Văn Ất (hình có ngôi sao) đứng giữa hai người.
Ông Boris Shaplin, Ủy viên dự khuyết TW Đảng Cộng sản Liên Xô, Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam và ông Đỗ Mười, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam cắt băng khánh thành cầu Thăng Long ngày 09/5/1985. Tác giả Nguyễn Văn Ất (hình có ngôi sao) đứng giữa hai người.

Trước ngày thông xe, cả Việt Nam và Liên Xô đều kiểm tra rất kỹ lưỡng. Dù không nói ra, nhưng cả hai phía đều cố gắng làm sao để không có bất kỳ sự cố gì xảy ra. Nhất là ở bối cảnh Liên Xô tiếp quản công trình sau khi Trung Quốc bỏ dở và quan hệ giữa Việt - Trung, Xô - Trung khi đó có bất đồng.

Ngoài các công việc tiến hành chung, hai bên còn tiến hành các việc kiểm tra riêng theo cách của mình, nhất là phía Liên Xô.

Mùa Đông năm 1983 - 1984 rất rét.

Sau nghỉ Tết Dương lịch năm 1984 mấy ngày, chỉ còn vài ngày nữa là thông xe cơ giới nhẹ, phía Liên Xô, từ các cơ quan liên quan của họ tại Hà Nội như Cơ quan hợp tác kinh tế với nước ngoài, sứ quán… liên tục lên thị sát, kiểm tra. Lúc thì họ tiếp xúc với phía Việt Nam, lúc thì họ đi chủ động.

***

Hôm ấy đã gần trưa, tôi ngồi xe với trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô, cùng với một xe của lãnh đạo Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long đi kiểm tra đường cánh gà trên cầu và từ bờ bắc (Đông Anh) về bờ nam (Từ Liêm).

Thời điểm ấy cầu chưa thông xe, chỉ có xe nội bộ được phép đi lại. Xe đi đúng chiều quy định khi gần về đến bờ nam, sắp sửa ra khỏi cầu thì thấy một chiếc xe ô tô, màu đen xì, to, rất lạ, lừ lừ lên cầu và đi ngược chiều. Xe chúng tôi đi chậm lại, lái xe nháy đèn có ý cảnh báo rằng xe lạ phía trước đi sai chiều cần lùi lại thì bất ngờ xe “lạ” bung cửa và hai ông “Tây” lực lưỡng nhảy ra miệng liên tục nói rất to như quát, cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Nga: “Am-ba-sa-đo! Am-ba-sa-đo! Na-zad! Na-zad!”! (Đại sứ! Đại sứ! Lùi lại! lùi!).

Lúc này định thần nhìn kỹ lại thì thấy đó là chiếc xe “ЧAЙКA” to đùng, lừng lững tiến tới và hiểu ngay đó là xe của “ngài” Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam Bôris Shaplin lên thị sát cầu. Chắc ông ta không muốn gây chú ý nên không cắm cờ ở đầu xe.

Xe chúng tôi chỉ còn cách là lùi lại gần hết chiều dài cầu hơn 1km để “nhường” ông “lớn” chứ biết làm sao!

Loại xe “ЧAЙКA- 4105” đó dành cho nguyên thủ và các Đại sứ của Liên Xô ở nước ngoài (chắc không phải ông đại sứ nào của Liên Xô ở nước ngoài cũng được dùng).

Nghe nói nó là loại xe chống đạn, chịu được mìn chống tăng, lắp máy 500 mã lực, nặng tới hơn 7 tấn. Ấy là nghe nói thế, không hiểu thực hư thế nào. Thế mà cánh gà của cầu Thăng Long khi đó chỉ cho phép xe tải dưới 5 tấn qua lại mà thôi!

Đúng là một cuộc “sát hạch, kiểm tra” và “thử tải” ngoạn mục!

Đến giờ tôi vẫn nhớ như in buổi trưa mùa đông năm ấy khi “đối mặt” với chiếc xe chở “quan Đại sứ” ấy.

Chiếc xe ЧAЙКA của ông B.Shaplin dẫn đầu đoàn xe trong ngày thông xe đường cánh gà tầng dưới cầu Thăng Long ngày 25/01/1984.Chiếc xe ЧAЙКA của ông B.Shaplin dẫn đầu đoàn xe trong ngày thông xe đường cánh gà tầng dưới cầu Thăng Long ngày 25/01/1984.

***

Cũng cần nói đôi điều về “quan đại sứ” này: Ông Bôris Shaplin khi đó là Ủy viên dự khuyết TW Đảng Cộng sản Liên Xô, Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam. Không có Đại sứ Liên Xô ở các nước nhỏ nào “kiểu” như Việt Nam (theo quan niệm của các nước lớn) có hàm này. Trừ Đại sứ Liên Xô tại Mỹ, CHLB Đức. Ông làm Đại sứ ở Việt Nam với thời gian dài kỷ lục hơn 12 năm, từ năm 1974 cho đến 1987, thời kỳ cao điểm của “chiến tranh Lạnh”. Nói vậy để thấy vai trò và “uy” của ông ta ở Việt Nam như thế nào.

Gắn với thời kỳ này là “cơ ngơi” của Đại Sứ quán Liên Xô rất chi là… bao la, bát ngát, hoành tráng: Toà nhà 60 Trần Phú (nay là trụ sở Bộ Tư pháp) là toà nhà chính của Đại sứ quán. Còn hầu như toàn bộ các ngôi nhà, biệt thự phía bên trái tính từ ngã tư Hùng Vương- Lê Hồng Phong đến ngã ba Lê Hồng Phong- Điện Biên Phủ, các biệt thự ở phố chùa Một Cột, Bà Huyện Thanh Quan quanh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là các văn phòng, nơi đóng các Cơ quan của Liên Xô.

Nay Đại sứ quán Nga đã thu hẹp còn rất nhỏ. Họ chuyển Sứ quán về 191 Đê La Thành, tít tận gần Cầu Giấy. Riêng toà biệt thự hai mặt phố ở ngã tư Hùng Vương - Lê Hồng Phong (đối diện Câu lạc bộ quốc tế 37 Hùng Vương) thì nay vẫn là Nhà riêng của Đại sứ Nga tại Việt Nam.

Tôi đã đôi lần giáp mặt Bôris Shaplin khi ông tháp tùng các nhân vật cao cấp Nhà nước Liên Xô sang thăm Việt Nam. Và một lần trực tiếp dịch, nói chuyện với Bôris Shaplin khi ông cùng ông Đỗ Mười, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thử tướng trường trực Chính phủ cắt băng khánh thành cầu Thăng Long ngày 09/5/1985.

Tác phong Bôris Shaplin rất chi kiểu… “ông lớn”, “khuyềnh khoàng”. Từ đi đứng, nói năng, bộ dạng, ánh mắt, đến cái bắt tay…

(Còn nữa)

Ông Hoàng Minh Chúc, nguyên Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long cho biết: “Trong lúc công trình cầu Thăng Long ở vào giai đoạn khó khăn nhất, chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt thành của những người bạn Liên Xô”.

Giữa năm 1979, đoàn chuyên gia đầu tiên của Liên Xô bắt đầu sang làm việc ở công trường cầu Thăng Long. Lúc đó công trình đang đứng trước nguy cơ đình trệ vì thiếu vật liệu. Những hạng mục đã thi công xong chủ yếu là các trụ ở dưới sông, kết cấu phần trên hầu như chưa có gì.

Đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam lúc đó chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế thi công cầu theo kỹ thuật mới. Liên Xô đã cử sang công trường gần 160 lượt chuyên gia, cung cấp cho Việt Nam hàng chục nghìn tấn thép, dầm thép, xi-măng mác cao và hàng trăm tấn thiết bị, máy móc khác.

Trong trí nhớ của ông Hoàng Minh Chúc, tác phong làm việc của chuyên gia Liên Xô rất chuyên nghiệp, cẩn thận và đặc biệt coi trọng chất lượng. Sau hàng trăm ngày thi công, những phiến dầm thép ngày một vươn xa, nối liền các trụ cầu. Công trình hiện lên sừng sững, nhìn từ xa như một đường kẻ thẳng nối hai bờ sông Hồng.

Nói về kỷ niệm khó quên những ngày lăn lộn trên công trường, ông Hoàng Minh Chúc bồi hồi: “Trong nhiều lần tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta lúc công trình đang thi công, đồng chí E.V Gien-nhin, Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô tại cầu Thăng Long vẫn nói, cầu Thăng Long không phải là cây cầu của Liên Xô mà là công sức của chính các bạn Việt Nam. Lúc này, trên công trường chỉ có 70 chuyên gia Liên Xô, còn đội ngũ lao động Việt Nam có đến 7.000 người. Các bạn Liên Xô không chỉ giúp chúng ta vô tư mà còn luôn khiêm tốn”.

(Trích “Cầu Thăng Long, công trình của tình hữu nghị Việt – Xô”, Nhandan.vn)

Đọc thêm