Chuyện cũ cầu Thăng Long (Kỳ 13): Điếu thuốc, cái kẹo và chuyện phải nhờ... "Tây” mới có

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong "Chuyện cũ cầu Thăng Long", tôi đã kể nhiều về công việc của anh chàng “tôi” trong vai Trợ lý kiêm phiên dịch của Trưởng đoàn chuyên gia cầu Thăng Long. Công việc thì nhiều, mà kể thì biết bao giờ hết, có dịp sẽ kể tiếp. Hôm nay tôi kể một chuyện mà chắc chưa ai kể và tôi tin cũng ít người biết chuyện này ở thời đó. Ấy là chuyện cái kẹo, điếu thuốc và phải nhờ “Tây” như thế nào mới có được!
Cầu Thăng Long (ảnh chụp năm 1985).
Cầu Thăng Long (ảnh chụp năm 1985).

Việc này khổ lắm! Cả cá nhân anh em phiên dịch phải “nhờ vả chui lủi” đến tập thể “nhờ vả công khai” đều khốn khổ cả!

Chuyện nó thế này: Mọi người đều biết, đầu thập niên 80 thiếu thốn cùng cực đến thế nào. Ăn uống kham khổ thèm từ cái kẹo thèm đi! (Mà mình thì đâu phải cán bộ cấp cao mà có bìa vàng, thẻ đỏ để mua hàng ở Tông Đản hay cửa hàng giao tế Bờ Hồ khi đó).

Nhìn thấy “Tây” hàng tuần vào các cửa hàng của họ mua đồ ăn mang về sao mà “thèm” thế! Nhìn mà chỉ biết nuốt nước bọt.

Ngày đó người Liên Xô ở khu vực Hà Nội có 3 cửa hàng chính của họ: Cái thứ nhất nằm ngay trong toà nhà Cơ quan đại diện Uỷ ban Nhà nước Hợp tác kinh tế với nước ngoài của Liên Xô tại Hà Nội (sát với bãi cỏ gần Lăng Cụ Hồ, chỗ ngã ba phố Bà Huyện Thanh Quan và phố Chùa Một Cột ấy). Cửa hàng này nhỏ, không nhiều thứ lắm (giống như Ministop bây giờ). Chủ yếu phục vụ người Liên Xô một số mặt hàng thiết yếu, cấp bách.

Cái thứ hai ở Khách sạn Kim Liên. Cái này nhỉnh hơn cái thứ nhất và hàng hoá cũng phong phú hơn cái thứ nhất. Vì người Liên Xô ở khách sạn Kim Liên khi ấy khá đông, ngoài chuyên gia còn có các nhân viên cơ quan Thương vụ, nhân viên sứ quán… và có lúc cửa hàng này “bao cấp” phục vụ cho cả các chuyên gia, người nước ngoài là công dân mấy nước Đông Âu (Ba Lan, Tiệp, Bungari…)

Cửa hàng thứ ba lớn nhất nằm ở đường Trường Chinh, gần chếch Bảo tàng Không quân nhìn sang (chỗ “đường cong mềm mại” dậy sóng dư luận vừa rồi khi mở rộng đường Trường Chinh ấy). Cửa hàng này lớn hơn nhiều so với 2 cửa hàng trên.

Có thể nói đây là Cửa hàng kiêm Tổng kho không chỉ phục vụ người Liên Xô ở khu vực Hà Nội mà cho cả các đoàn chuyên gia Liên Xô ở các công trình ở tỉnh khác như Thuỷ điện Sông Đà (Hoà Bình), nhiệt điện Phả Lại (Hải Dương), Xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hoá)… và người Liên Xô làm việc tại các tỉnh khu vực miền bắc. Xe của họ hàng tuần về đây lấy hàng rồi chuyển đi các địa phương phục vụ cho công dân nước họ.

Hoặc thỉnh thoảng các xe chở chuyên gia Liên Xô từ các tỉnh về tham quan Hà Nội thì cửa hàng này cũng là một điểm “dừng chân” cho các chuyên gia từ tỉnh lẻ về thăm Thủ đô Hà Nội. Tôi chỉ biết các cửa hàng nằm ở đó chứ cũng chưa bao giờ được bước chân vào vì có ai cho phép vào mà vào! Hàng bán ở các cửa hàng nói trên chủ yếu là thực phẩm và nhu yếu phẩm từ Liên Xô mang sang để phục vụ công dân của họ như: đồ hộp, đường, sữa, bánh kẹo, quần áo, khăn mặt, xà phòng…

Ở cửa hàng kiêm tổng kho đường Trường Chinh có cả lò bánh mỳ làm theo kiểu bánh mỳ bên nước họ. Ở đó cũng có một vài mặt hàng của Việt Nam kiểu “xuất khẩu tại chỗ” như: thịt đông lạnh, lạc nhân, kẹo Hải Hà bọc giấy bạc, thuốc lá đầu lọc Bông Sen, một ít đồ vải ga trải giường, khăn tắm…

Giá bán rất rẻ, họ “bao cấp” cho công dân nước họ. (Tôi nghe một số người làm công tác phục vụ đoàn ngoại giao nói các cửa hàng kiểu này tương tự các cửa hàng PX khi xưa của Mỹ phục vụ công dân nước họ ở miền Nam trước năm 1975. Trước năm 1975 tôi không ở miền Nam nên không biết PX là thế nào. Nghe nói thế thì biết thế!)

***

Nghỉ chân bên bờ sông Bến Hải, chân cầu Hiền Lương, lần đưa người của Đại Sứ quán Liên Xô đi Đà Nẵng bàn giao hàng viện trợ của Liên Xô cho Lào. Trong lần đi ấy, ông “Tây” đưa tôi 02 tút thuốc lá “có cán” Bông Sen để làm “lộ phí” chi tiêu ăn trên đường đi và ngủ một đêm ở khách sạn hạng sang ở Đà Nẵng.Nghỉ chân bên bờ sông Bến Hải, chân cầu Hiền Lương, lần đưa người của Đại Sứ quán Liên Xô đi Đà Nẵng bàn giao hàng viện trợ của Liên Xô cho Lào. Trong lần đi ấy, ông “Tây” đưa tôi 02 tút thuốc lá “có cán” Bông Sen để làm “lộ phí” chi tiêu ăn trên đường đi và ngủ một đêm ở khách sạn hạng sang ở Đà Nẵng.

Việc nhờ “Tây” mua ít đồ ăn kiểu bánh kẹo, thuốc lá hay hộp sữa quả thật rất không dễ dàng. Dù anh em phiên dịch rất thân thiết với chuyên gia. Lý do cơ bản là họ đã được cấp trên “quán triệt”: không được “tuồn” hàng ra ngoài, rồi ngại người nọ “để ý” người kia… cộng với mua hàng cũng phải có sổ.

Ai mua cái gì, số lượng bao nhiêu người bán hàng ghi vào sổ. Nếu thấy mua nhiều quá, không tương xứng với nhu cầu thực tế sẽ bị “lôi thôi, rắc rối” ngay. Nhưng rồi nể nang, “quý mến” nhau thì vẫn có cách mua giúp được…

Mà xin thưa những thứ nhờ “Tây” mua khi đó chỉ là những thứ hết sức nhỏ nhặt nếu nhìn bằng con mắt thời nay: hộp sữa, cân đường, gói kẹo, bao thuốc lá để dùng cho bản thân chứ không phải số lượng lớn để buôn bán làm giàu làm có gì. Ấy thế mà nhờ “Tây” mua hộ đã khó, nhưng làm thế nào “Tây” đưa cho “ta” được thì còn phức tạp gấp bội phần.

Thời ấy “quan hệ, giao thiệp” với người nước ngoài không phải chuyện chơi. Nhỡ gặp “tây” quen ngoài đường mà đứng nói chuyện lâu là có khi sau đó “nhẹ nhàng” thì có người đến “vỗ vai” hỏi “vừa nói chuyện với ai đấy? Nói chuyện gì đấy?” hoặc “nghiêm túc” hơn thì “mời” về chỗ “có trách nhiệm” để giải trình.

Trong bối cảnh đó anh em phiên dịch không thể tự tiện đến chỗ khách sạn chuyên gia ở được. Bảo vệ, công an ở khách sạn sẽ “stop” lại ngay. Cầm bọc gói kín từ khách sạn của “Tây” ở mà đi ra khỏi cổng khi ấy là việc còn khó hơn đi Mỹ bây giờ không có visa! Phương án này không được. Vào phòng làm việc của chuyên gia ở cơ quan rồi cầm về, được thôi! Phải là thứ nhỏ như gói kẹo, bao thuốc lá đút túi gọn thì được.

Nhưng hộp sữa bột 500g to đùng làm sao đút túi được. Ngày ấy anh em phiên dịch thích mùa đông lắm. Vì mùa đông “được” mặc áo khoác to xù, nhét cái gì vào bụng cũng dễ. Nhưng đâu phải quanh năm mùa đông mà mặc áo khoác. Oái ăm thế! Vào phòng chuyên gia làm việc cho vào túi xách cầm lên thì hàng trăm con mắt ở các phòng làm việc trong cơ quan nhìn thấy (ngày đó các phòng làm việc của ta chưa có máy lạnh, mở cửa phòng cho thoáng).

Chỉ cần xách cái túi nằng nặng từ phòng làm việc của chuyên gia đi ra là không ổn rồi. May mắn nhất thì mọi người chỉ xì xào. Nặng hơn sẽ có người đến gặp, vỗ vai! Nghiêm trọng nữa thì người của quận công an Thăng Long (đóng ngay đằng sau khu làm việc của chuyên gia) đến gặp hoặc “mời” sang làm việc.

Để đến “nước” ấy thì chỉ có “thuyên chuyển công tác” đi “phiên dịch cho đàn gà”. Về đuổi gà là cái chắc!

***

Với tôi, làm việc với Trưởng đoàn và các lãnh đạo đoàn chuyên gia thì việc nhờ mua gói kẹo, bao thuốc cũng đơn giản, có điều tôi cũng rất giữ ý nên ít khi nhờ. Nhiều khi thấy tôi lâu lâu không nhờ mua gì, mấy ông “Tây” lãnh đạo hay mấy bà vợ các ông ấy (các bà, các cô ấy rất quý tôi) lại gửi cho hộp kẹo, mấy bao thuốc lá.

(Ngày ấy thuốc lá “có cán” tôi ngậm suốt ngày, nhưng cũng giữ ý ít khi hút trước mặt cán bộ nhà ta!) Những cái nho nhỏ ấy thì được, nhưng nhiều nhiều một tí thì rất “nan giải” đấy. Ấy thế mới có chuyện lúc tôi chuẩn bị cưới vợ, cần phải nhờ ông “Tây” mua cho ít thuốc lá, bánh kẹo...

(Còn tiếp)

Đọc thêm