Chuyện cũ cầu Thăng Long (Kỳ 8): Bữa cơm trưa với Võ Đại tướng

(PLVN) - Hồi đó, công trình cầu Thăng Long khi ấy như một “Trung tâm sự kiện thời sự”! Từ các vị lãnh đạo, đoàn thể, văn nghệ sĩ... đều đến thăm. Hôm nay tôi kể về cuộc thăm công trường của vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp lên cầu Thăng Long và bữa cơm trưa cùng Đại tướng năm ấy.
Ngày 03/5/1985, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay Trưởng đoàn chuyên gia cầu Thăng Long. Bên trái Đại tướng là Kỹ sư trưởng thiết kế cầu Thăng Long. Tác giả Nguyễn Văn Ất phiên dịch đứng cạnh Trưởng đoàn (bìa phải).

Công trình cầu Thăng Long khi ấy như một “Trung tâm sự kiện thời sự”! Từ các vị lãnh đạo cấp cực cao, đến cao, rồi cao vừa vừa, cùng “thủ lĩnh” các đoàn thể như Phụ nữ, Thanh niên, các Hội đoàn cùng các nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sỹ nổi tiếng trong nước, các đoàn cấp cao, cấp hữu nghị của Liên Xô khi đến Việt Nam đều đến thăm công trình.

Mà đã đến thì đều muốn gặp chuyên gia Liên Xô hoặc đại diện cho đoàn Chuyên gia. Đặc biệt là các đoàn cấp cao thì Trưởng đoàn chuyên gia phải đón tiếp nên những ngày ấy tôi vô cùng bận rộn. Thỉnh thoảng Trưởng đoàn và tôi cũng được mời đi dự tiệc. Hồi ấy chuyện tiệc tùng, ăn uống nói chung ít lắm, phải sự kiện hết sức “trọng đại” mới mời đi ăn uống chứ không như bây giờ.

***

Hôm nay tôi kể về cuộc thăm công trường của vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp lên cầu Thăng Long và bữa cơm trưa cùng Đại tướng năm ấy.

Ngày 03/5/1985, chỉ còn vài ngày nữa là kỷ niệm 31 năm chiến thắng Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm công trình cầu Thăng Long, gặp gỡ nói chuyện với chuyên gia Liên Xô tại đây nhân việc Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long tổ chức hội nghị về các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng tại công trình. Khi đó Đại tướng là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng) phụ trách mảng Khoa học kỹ thuật và Sinh đẻ - Kế hoạch hoá gia đình!

Đây là lần đầu tiên tôi được gặp ông (sau này tôi cũng có đôi lần được gặp ông tại các nơi khác).

Lãnh đạo cầu Thăng Long, Trưởng đoàn chuyên gia cùng tôi ra đón ông. Cảm giác đầu tiên tôi có chút ngạc nhiên khi thấy vóc dáng ông hơi nhỏ, nói năng chậm rãi, khoan thai, khác với những gì tôi tưởng tượng trước đó về ông. Trước đó khi chưa được gặp ông, tôi luôn tưởng tượng ông là Đại tướng thì phải “oai phong, bệ vệ” lắm hay lúc đó ông đã ngoài 70 tuổi nên như vậy.

Nói chuyện trước các cán bộ Việt Nam và đoàn chuyên gia Liên Xô tại hội trường lớn của Thăng Long ông nói vo, ngẫu hứng, không có bản viết sẵn. Tôi đứng bên cạnh ông phiên dịch theo.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với cán bộ Việt Nam và chuyên gia Liên Xô tại công trình cầu Thăng Long 03/5/1985.

Nội dung phát biểu của ông chủ yếu về các vấn đề khoa học kỹ thuật. Tôi nhớ nhất một nội dung mà ông nói cuối buổi. Ông nói (đại ý):

“Liên Xô đã giúp xây dựng cầu Thăng Long, cây cầu lớn nhất Đông Nam Á hiện nay là đáng quý. Nhưng quý hơn là đã hình thành một đội ngũ cán bộ kỹ thuật Việt Nam đủ mạnh để xây dựng các cây cầu khác. Cầu lớn xây được là tự hào. Nhưng xây được nhiều cầu nhỏ cho dân ở các nơi xa, đặc biệt là vùng sông nước đồng bằng Cửu Long, mà dân hiện nay chủ yếu đi lại bằng ghe xuồng vì không có cầu đường, thì còn tự hào gấp bội...”

Cả chuyên gia và cán bộ Việt Nam trong hội trường im lặng một chút rồi sau đó là tiếng xì xào…

***

Trưa hôm đó lãnh đạo công trình cầu Thăng Long có bữa cơm thân mật mời ông tại Khách sạn Xuân Đỉnh (nơi đoàn chuyên gia ở).

Dự bữa cơm, về phía Việt Nam chỉ có Tổng Giám đốc, anh Hoàng Minh Chúc. và Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật, anh Hoàng Mộng Lân. Về phía Liên Xô có 4-5 người gồm Trưởng, Phó đoàn, Kỹ sư trưởng thiết kế và Kỹ sư trưởng thi công. Tôi phiên dịch. Tất cả thực khách khoảng 10 người.

Theo thói quen, tôi ngồi bên cạnh Trưởng đoàn chuyên gia đối diện với với Đại tướng ở bên kia bàn. Không hiểu vì lý do gì, hôm ấy các anh lãnh đạo của cầu Thăng Long bảo tôi sang ngồi cạnh Đại tướng cho tiện phiên dịch. Tôi “y lệnh”!

Trong lúc chờ món, ông có hỏi chuyện tôi học ở đâu mà nói tiếng Nga hay thế. Tôi trả lời và hỏi lại “chắc bác nói tiếng Nga tốt chẳng cần phải phiên dịch”. Ông nói “hiểu được nhưng ít khi nói nên cũng không tốt lắm đâu”.

Trong bữa ăn, khi các chuyên gia Liên Xô hỏi ông chuyện về chiến tranh, chuyện về các tướng lĩnh Đông Tây thì ông chỉ nói qua qua và ông bảo ông sẽ kể về Trung Quốc, các bạn Liên Xô có muốn nghe không!

Thế rồi ông kể chuyện những lần ông sang Trung Quốc. Ông không nói gì về chính trị. Ông chỉ kể đã được đi bơi cùng Mao Trạch Đông, gặp Lâm Bưu, Chu Ân Lai… Được họ đón tiếp thế nào, mời ăn những món gì…

Bữa cơm diễn ra trong không khí thoải mái, thân tình và tôi hôm ấy cũng ăn được đủ no! Khác với những bữa cơm hay bữa tiệc với các khách cấp cao khác mà tôi làm nhiệm vụ phiên dịch. Có hôm bát đũa giành cho tôi hầu như vẫn sạch nguyên vì tôi còn phải “nghe” và “nói”… chưa ăn được cái gì. Có lần chỉ kịp nhấp vội mấy thìa nước canh cho trơn họng.

Sáu ngày sau khi ông lên thăm, ngày 09/5/1985, kỷ niệm 40 năm chiến thắng phát xít, cầu Thăng Long được đại diện 2 nhà nước Việt Nam và Liên Xô cắt băng khánh thành toàn bộ.

Đã 36 năm trôi qua!

Tôi vẫn nhớ mãi bữa cơm với Võ Đại tướng buổi trưa hôm ấy!

(Kỳ sau: Phiên dịch cho nguyên thủ “Tây”)

Về thiết kế, từ năm 1974-1977, cầu Thăng Long do chuyên gia Trung Quốc thực hiện và từ năm 1979-1985 cầu được hoàn thành với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô.

Về thiết kế cầu, có ý kiến nói là khi Trung Quốc thiết kế giống với cầu Trường Giang (Vũ Hán, Trung Quốc), nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.

Cầu Vũ Hán của Trung Quốc có khung dầm thép liên kết hình hoa thị (ӿ). Cầu Thăng Long có khung dầm thép liên kết hình tam giác

Theo thiết kế lúc đầu của phía Trung Quốc, dầm thép của cầu được liên kết với nhau bằng đinh tán ri-vê (thi công sẽ vô cùng vất vả và chất lượng liên kết dầm khó đảm bảo được cao); mặt đường ô tô cầu chính có kết cấu bằng các tấm bê tông cốt thép dày trên 14 cm. Việc này làm cho khoảng cách giữa tầng dưới và tâng trên của cầu rất lớn (trên 16m), đòi hỏi việc đắp đất hai bên mố đầu cầu rất cao, ảnh hưởng đến tuyến đê xung yếu của Hà Nội. Nhìn cầu hơi nặng nề, kém thanh thoát.

Theo thiết kế của Liên Xô sau này, cầu chính bằng kết cấu thép có dạng các thanh dầm liên kết hình tam giác. Dầm thép được liên kết bằng bu lông cường độ cao (thi công đỡ vất vả hơn, chất lượng liên kết các thanh dầm thép cao hơn). Mặt cầu ô tô trên cầu chính được cấu tạo từ các bản trực hướng bằng thép hợp kim (giống như thép của các thanh dầm). Việc này làm giảm chiều cao giữa hai tầng cầu (xuống còn 14,1m), nhìn cầu thanh thoát hơn.

(Theo Wikipedia)

Đọc thêm