Có người để lại kỷ niệm sâu sắc, có người chỉ là kỷ niệm thoảng qua, có cả những người khi bây giờ ai nhắc lại thì có khi cũng quên…Một vài người trong số đó với những kỷ niệm chưa quên.
Kỷ niệm với ông Đồng Sỹ Nguyên
Thập niên 80 của thế kỷ trước khi là Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng) kiêm Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải, ông Đồng Sỹ Nguyên thường xuyên lên công trình cầu Thăng Long làm việc. Điều này dễ hiểu vì Công trình xây dựng cầu Thăng Long khi đó là công trình giao thông lớn nhất của Việt Nam. Thêm nữa công trình này còn mang tính “chính trị” rất phức tạp trong bối cảnh lúc bấy giờ.
Ông Đồng Sỹ Nguyên lên Thăng Long làm việc với lãnh đạo và đoàn chuyên gia Liên Xô ở đây rất nhiều lần, đặc biệt trong những năm 1982-1985 khi công trường thi công hối hả, cấp tập…
Những lần ông lên làm việc ấy tôi đều phiên dịch.
Khác với một số vị cán bộ cấp cao khác mà tôi cũng từng tháp tùng, phiên dịch. Có những vị nhiều khi nói mà lắm khi thú thực tôi không rõ vị ấy có hiểu mình đang nói gì không. Với cương vị phiên dịch, nếu mình không dịch lại thì có khi “họ” lại cho mình là “bất nhã” hay không dịch được không chừng. Mà dịch lại trung thực thì có khi ông “Tây” lại nghĩ vị cán bộ nhà ta đầu óc… cũng nên.
Ông Đồng Sỹ Nguyên lại khác.Phong cách làm việc, cách nói, phát biểu của ông để lại trong tôi ấn tượng về một vị lãnh đạo tháo vát, nắm rõ vấn đề và cách giải quyết dứt khoát.Với ông Đồng Sỹ Nguyên, tôi thấy tại những cuộc làm việc với chuyên gia ông là người điềm tĩnh, phát biểu vừa phải, có trọng tâm, đúng mực… làm những người phiên dịch như chúng tôi thấy khá thuận lợi khi dịch.
Những lần làm việc cùng ông và những kỷ niệm vẫn đọng lại với tôi đến bây giờ…
Kỷ niệm với bà Nguyễn Thị Định
Khi làm ở công trình cầu Thăng Long, tôi đã tháp tùng và phiên dịch cho bà Nguyễn Thị Định, vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ngày 16/4/1985, bà Nguyễn Thị Định khi đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (nói theo ngôn từ của một vị lãnh đạo thời nay thì bà Nguyễn Thị Định khi đó là “Tư lệnh ngành… phụ nữ”!) đến thăm công trình cầu Thăng Long. Bà có cuộc gặp với lãnh đạo đoàn chuyên gia Liên Xô và gặp mặt với các bà vợ của chuyên gia.
|
Đây là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất tôi gặp, tiếp xúc và phiên dịch cho bà Định.Bà Định lúc ấy đã 65 tuổi, dáng người phúc hậu, nói năng nhẹ nhàng, chậm rãi… rất đặc trưng của phụ nữ Nam Bộ.
Trang phục của bà khi đó rất bình dân: Quần lụa đen, áo bà ba trắng.
Điều đặc biệt hơn là bà Định khi đi làm việc tự tay tự ôm chiếc cặp của mình.Không như cán bộ bây giờ, có tí chức, kể cả cán bộ thanh niên trẻ khoẻ hẳn hoi, mà đi đâu là phải có người xách hộ cặp, le te chạy theo! Đó là một kỷ niệm đáng nhớ về bà Nguyễn Thị Định.
Kỷ niệm với ông Vũ Mão
Tôi lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tiếp xúc với ông Vũ Mão là năm 1984.Khi ấy ông Vũ Mão mới nhậm chức Bí thư thứ nhất TW Đoàn chưa lâu.
|
Tháng 2/1984 ông Vũ Mão lên công trình cầu Thăng Long phát động thanh niên của công trình trong “chiến dịch” lắp dầm thép.Vì ông là Uỷ viên TW, “thủ lĩnh” Đoàn thanh niên nên Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô có tiếp ông trước khi lễ mít ting.
Tôi phiên dịch buổi tiếp của Trưởng đoàn chuyên gia với ông Vũ Mão khi đó.
Cảm nhận đầu tiên của tôi với ông Vũ Mão khi ấy là thấy người ông “mẫm” và hơi thấp, nói năng hơi…bẽn lẽn, có vẻ hơi... chưa tự tin…
Trong cuộc trò chuyện với Trưởng đoàn chuyên gia, thỉnh thoảng ông Vũ Mão lại quay sang hỏi tôi: “tớ nói thế được không?”, “tớ nói thế có vấn đề gì không?”… đại thể như vậy!
Cuộc nói chuyện có lẽ không đến nửa giờ mà ông quay sang tôi hỏi mấy lần! Tôi trả lời và động viên ông: “anh cứ tự nhiên, không phải câu nệ, giữ kẽ quá đâu…”.
Sau này khi thấy ông giữ các chức “to” hơn, phát biểu trên tivi thấy "khẩu khí" ông khác hẳn cái buổi Trưởng đoàn chuyên gia Liên xô tiếp ông năm ấy…
Kỷ niệm với Trung tướng Phạm Tuân
Sau khi bay lên vũ trụ tháng 7/1980 cùng phi công Liên Xô Gorbatko rồi hạ cánh an toàn, về nước nhận đủ các danh hiệu, ít tháng sau đồng chí Phạm Tuân lên cầu Thăng Long gặp các chuyên gia Liên Xô tại công trình.
|
Tôi cùng các lãnh đạo đoàn chuyên gia tiếp đón đồng chí Phạm Tuân.Khi đó đồng chí Phạm Tuân mới ngoài 30, mới được phong đại tá sau khi từ vũ trụ trở về.
Ấn tượng đầu tiên tôi thấy là đồng chí Phạm Tuân cao to. Dáng đi hơi gù...
Khi đó đồng chí nói năng còn nhẹ nhàng, bẽn lẽn lắm...
Trong cuộc chuyện trò ở phòng khách Xí nghiệp Cầu Thăng Long hôm ấy, cả chuyên gia Liên Xô và tôi thấy hơi ngạc nhiên là Phạm Tuân học lái máy bay chiến đấu ở Liên Xô, rồi được đào tạo để bay vào vũ trụ cũng ở Liên Xô, nghĩa là phải rất nhiều năm ở Liên Xô, mà đồng chí ấy nói tiếng Nga hơi... chưa được tốt!
Sau khi tiễn Phạm Tuân về, các chuyên gia Liên Xô nửa đùa nửa thật nói: chắc lên vũ trụ thao tác trực quan là chính, tiếng tăm không quan trọng!
Đấy cũng là một kỷ niệm với tôi…
(Kỳ sau: Nhà tắm hơi trong chuyên gia và những lần làm “trợ lý” tắm hơi)