Chuyện của trà (Kỳ 4): “Thánh trà” Lục Vũ và tác phẩm để đời

(PLVN) - Lục Vũ là học giả uyên bác đời nhà Đường được biết với những đóng góp nổi bật nghiên cứu về trà đạo. Tiêu biểu như tác phẩm “Trà kinh” là bộ sách lý luận Trà học chuyên môn đầu tiên trên thế giới. Lục Vũ được người đời sau tôn lên là “Trà thánh”, ông là 1 trong 10 vị thánh trong lịch sử Trung Hoa.
Bức tượng tái hiện lại cảnh Lục Vũ viết tác phẩm “Trà Kinh”.

Trà được ưu thích bởi nó phù hợp với mọi khoảng thời gian trong ngày cũng như tâm trạng của mỗi người. Trà xuất hiện từ rất sớm và nhanh chóng trở thành loại thức uống mang tầm ảnh hưởng lớn nhất trên hành tinh, và thậm chí có thời kỳ từng được ví von là thức uống “khiến cả thế giới phát cuồng”.

Từ chú hề biến thành học giả về trà

Lục Vũ tên tự là Hồng Tiệm, người đất Cánh Lăng, Phục Châu (nay là huyện Thiên Môn, Hồ Bắc, Trung Quốc). Ông sống vào đời Đường nhưng không biết rõ năm sinh năm mất cụ thể. Có rất nhiều câu chuyện và truyền thuyết về ông, hầu hết đều nói rằng ông bị bỏ rơi khi còn bé và được nhà sư Tích Công nhận nuôi.

Ban đầu, Hòa thượng gửi Lục Vũ ở nhà một nho sĩ họ Lý, khi lên 6 tuổi ông quay về sống cùng Đại hòa thượng Tích Công. Nhưng Lục Vũ lại không có chí đi theo nhà Phật, mà để tâm nghiên cứu Nho giáo. Giận Lục Vũ không biết nghe lời, Tích Công hòa thượng phạt ông phải làm công việc như lau rửa nền nhà, trộn bùn đắp tường, cõng ngói lợp chùa... Các nhà sư mong rằng cách trừng phạt này sẽ khiến ông học được tính kỷ luật và khiêm tốn để tiếp tục tu học nhưng đều vô ích.

Năm 13 tuổi, Lục Vũ đã chạy trốn khỏi chùa đi theo một đoàn hát và thực hiện mong muốn trở thành một chú hề. Đoàn hát đi đến đâu Lục Vũ cũng đều nhận được những tràng pháo tay tán thưởng, yêu thích của mọi người. Dù vậy, Lục Vũ sớm cảm thấy nhàm chán với việc rong ruổi biểu diễn.

Vào năm 760, một cuộc nổi loạn diễn ra, Lục Vũ cùng nhiều người tới lánh nạn ở làng Hồ Châu (tỉnh Chiết Giang ngày nay), một vùng đất có rất nhiều vườn trà và quán trà. Đây được coi như một bước ngoạt khiến một chú hề Lục Vũ trở thành “Thánh trà” của Trung Quốc.

Đáng nói, ngay từ khi còn nhỏ Lục Vũ đã biết pha trà cho hòa thượng, dần dần cũng biết cách thưởng thức trà. Ông không những biết uống trà, pha trà, mà còn biết để ý học hỏi những người xung quanh cách sản xuất và kinh nghiệm uống trà. Do chăm chỉ nghiên cứu Nho học và ngày càng lạnh nhạt với Phật học, vì vậy thường bị đánh đòn nên ông đã trốn đi khỏi chùa. Tích Công hòa thượng rất sành uống trà, nếu không phải trà do Lục Vũ pha thì không uống.

Từ khi Lục Vũ bỏ đi, uống trà do người khác pha, hòa thượng đều thấy nhạt nhẽo vô vị, đành từ bỏ thú vui uống trà. Sau khi Đại Tông hoàng đế nghe được câu chuyện đó, bèn triệu hòa thượng Tích Công vào cung, ra lệnh người trong cung pha trà cho ông uống, để thử khẩu vị của hòa thượng. Khi nhấp một ngụm trà, hòa thượng đã chau mày nhăn mặt không uống nữa. Thấy vậy, hoàng đế cho người đi khắp nơi tìm bằng được Lục Vũ, bí mật triệu vào cung, ra lệnh pha trà. Tích Công hòa thượng sau khi uống thử, luôn miệng ca ngợi và cao hứng nói rằng: Đây đúng là trà do Lục Vũ pha.

Do đó, ngay khi tới làng Hồ Châu, Lục Vũ đã lập tức bị các quán trà thu hút. Nơi mà các nam nhân, học giả trên khắp mọi miền đất nước Trung Hoa tới vừa uống trà, vừa nói chuyện về trà và hơn nữa là thảo luận về nghệ thuật, thưởng nhạc...

Quãng thời gian ở đây, Lục Vũ đã thân thiết với một ông chủ quán trà ở vùng Chiết Giang, chính từ quán trà này mà Lục Vũ đã được thỏa mãn đam mê tìm hiểu, nghiên cứu sâu về trà của mình.

Sách Trà Kinh của Lục Vũ được dịch ra nhiều thứ tiếng.

“Trà Kinh”

Trong Loạn An Sử, ông còn vào ở trong chùa Diêu Khê (nay là Ngô Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), tự xưng là Tang Trữ Ông, bắt đầu viết “Trà kinh”. Trong thời gian này ông đi khảo sát thực tế ở Chiết Giang, Giang Tô, Giang Tây, Hồ Nam...

Một lần trên đường đi ông gặp Lý Quý Khanh (là người đang trên đường đi nhận chức Thứ Sử Hồ Châu), rất ngưỡng mộ sự hiểu biết về trà của Lục Vũ. Một hôm thuyền đi qua Dương Tử (nay là Nghi Trưng, Giang Tô), Lý Quý Khanh lệnh cho binh sĩ đi Nam Nhũ lấy nước để pha trà. Vốn là chất nước ở Nam Nhũ (một trong 3 dòng chảy của Trường Giang) có vị rất trong mát nổi tiếng là pha trà tốt.

Khi binh sĩ mang nước quay về, chuẩn bị pha trà thì Lục Vũ lắc đầu nói: Đây không phải là nước Nam Nhũ, đây có lẽ là nước sông ven bờ. Khi Lý Quý Khanh hỏi người đi lấy nước. Binh sĩ vô cùng kinh ngạc không dám nói dối, vội nói thật: Tôi đã đến Nam Nhũ lấy đầy một bình, nhưng khi quay về, do sóng lớn, nước trong bình đổ mất một nửa, sợ bị trách mắng, bèn lấy nước ở ven sông đổ vào cho đầy. Những người có mặt ở đó đều thán phục tài phân biệt nước của Lục Vũ.

“Trà kinh” trở thành điểm sáng rực rỡ nhất cuộc đời Lục Vũ. Ông đã không ngừng tìm hiểu, ghi chép mọi thứ về trà, cho ra, một bộ sách gồm 3 tập, 10 phần, xuất bản vào năm 780. “Trà kinh” có ảnh hưởng sâu xa, rộng lớn đến các đời sau này, là cuốn chuyên khảo đầu tiên về chè trên thế giới.

Cuốn sách chia thành 10 mục: Nguồn gốc cây chè, ảnh hưởng của các điều kiện thiên nhiên đến chất lượng chè, công dụng của chè đối với sinh lý con người; 15 công cụ trồng chè, hái chè, chế biến chè; tiêu chuẩn phẩm cấp búp chè đối với các loại trà thành phẩm khác nhau, yêu cầu của chế biến trà; Giới thiệu 25 dụng cụ pha (nấu) chè, uống chè; Bàn về pha (nấu) trà, nêu lên các tiêu chuẩn phẩm chất trà; Uống trà, phương pháp pha trà, gồm 9 thao tác trong ẩm trà hay còn gọi là Cửu đạo trà; Ghi chép các danh nhân yêu thích chè và các trà thoại về trà, lịch sử cây chè, đồng thời còn giới thiệu về công dụng chữa bệnh của chè; Các vùng chè, phân bố các vùng chè đời nhà Đường, bình luận về chất lượng trà của các vùng; Khả năng đơn giản hoá một số khâu trong chế biến trà, phân loại trà trong một số điều kiện đặc thù; Các tranh ảnh vẽ về trà treo lên tường hay bầy biện trong nhà, để khỏi bị lãng quên.

Lục Vũ được tôn vinh là Thánh trà.

Tác phẩm bắt đầu bằng việc miêu tả cây trà và môi trường sống của nó. Sau khi miêu tả về cây trà, Lục Vũ đưa ra lời khuyên về những nơi tốt nhất để trồng trà. Theo ông, cây trà sẽ phát triển tốt nhất trong đất có lẫn đá, tiếp theo là đất sạn. Nếu được trồng trên đất sét vàng thì trà không thể cho được chất lượng tốt nhất.

Về hương vị, Lục Vũ thể hiện rõ ràng việc ông thích thưởng thức những chiếc lá trà dại hơn lá của cây trà trồng trong không gian hạn chế. Ông khuyên những người trồng trà nên chọn những chồi mới. Ông cho rằng chồi mới tốt hơn so với mầm, điều này trái ngược với người trồng hiện đại thường coi trọng mầm.

“Trà kinh” cũng đưa ra nhiều hướng dẫn cụ thể cho việc thu hoạch trà. Ví như chỉ nên được thu hoạch khi trời quan mây tạnh, lá trà dài khoảng 10-13cm thì nên được hái vào tháng 3, 4 và 5.

“Những chiếc lá chất lượng tốt nhất phải có nếp gấp như chiếc ủng da của kỵ sĩ Tác-ta, cuộn tròn như yếm của một con bò đực dũng mãnh, mở ra như một mà sương bốc lên từ khe núi, lấp lánh như mặt hồ được gió nhẹ mơn man, ẩm ướt và mềm mại như đất mịn vừa bị mưa cuốn”, hướng dẫn thu hoạch trong “Trà kinh”.

Và đương nhiên không thể thiếu hướng dẫn cho việc uống trà. Theo Lục Vũ, trà ngon nhất khi không cho thêm gì ngoại trừ một chút muối, được rắc vào sau khi đun sôi lần đầu tiên. Sau khi Lục Vũ xuất bản cuốn “Trà kinh”, ông nổi tiếng khắp Trung Hoa. “Trà kinh” của ông thu hút sự chú ý của cả nông dân, những người yêu trà giống như ông và của cả triều đình.

Đọc thêm