Chung sống với dịch bệnh, tức là vừa đối phó dịch bệnh vừa bình thường hóa như có thể được cuộc sống thường nhật của người dân và khôi phục sản xuất kinh tế, trao đổi thương mại, hoạt động chính trị và xã hội... được gọi chung là trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, bên cạnh việc đã có nhiều loại vaccine phòng ngừa dịch bệnh này được nhiều nơi bào chế, thử nghiệm, phê chuẩn và sử dụng để tiêm phòng cho người dân, có hai điểm rất đáng được chú ý trên phương diện dịch bệnh này.
Thứ nhất, ở không ít nơi trên thế giới về cơ bản cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa khống chế và kiểm soát được để cho dịch bệnh tiếp tục lây lan bất chấp ngày càng có thêm nhiều người được tiêm chủng phòng ngừa dịch bệnh. Thứ hai, ngày càng xuất hiện thêm nhiều biến thể mới của virus corona mà không ai dám chắc các loại vaccine đã bào chế ra và đang được sử dụng có khả năng phòng ngừa được hay không.
Thực tiễn thời gian vừa qua ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ, các nước châu Âu và Brazil, tức là ở những tâm điểm lớn nhất của dịch bệnh, đã cho thấy sử dụng vaccine phòng ngừa dịch bệnh không thể là giải pháp đóng vai trò quyết định nhất đối với thành công của công cuộc ứng phó dịch bệnh. Sử dụng vaccine phải được đồng hành với việc tiếp tục triệt để và kiên quyết thực sự đầy lùi dịch bệnh bằng những biện pháp hành chính và dịch tễ khác. Điều có thể chắc chắn là chỉ dựa vào vaccine không thôi thì Mỹ, các nước thành viên EU, Brazil và cả một số nơi khác nữa không thể đẩy lùi được dịch bệnh trong thời gian tới.
Tình trạng này đặt ra cho các nơi đã kiểm soát được dịch bệnh những vấn đề nan giải mới như duy trì sự kiểm soát dịch bệnh ở bên trong và khôi phục tăng trưởng kinh tế khi vẫn còn bị dịch bệnh từ bên ngoài đe doạ lây lan vào, như phải xác định dịch bệnh còn dai dẳng và phải luôn sẵn sàng ứng phó với những làn sóng dịch bệnh mới bùng phát.
Có được vaccine phòng ngừa dịch bệnh là điều thật sự tốt lành đối với thế giới. Nhưng những vấn đề nảy sinh đồng thời là bao giờ mới có đủ vaccine, tiến hành tiêm chủng phòng ngừa dịch bệnh như thế nào khi chưa có đủ vaccine cho tất cả mọi người, sử dụng loại vaccine nào? Ở đâu thì rồi cũng sẽ hình thành những nhóm người dân khác nhau trong xã hội như nhóm người nhiễm virus, nhóm người không nhiễm dịch bệnh, nhóm người được tiêm vaccine, nhóm người nước ngoài vãng lai, nhóm người nhập xuất cảnh...
Nếu không xử lý ổn thoả những vấn đề này khi khó lòng có thể đạt được hiệu ứng tích cực cộng hưởng từ tất cả các biện pháp chính sách phòng ngừa và đối phó dịch bệnh được chính quyền áp dụng, không đảm bảo được sự công bằng xã hội và tiềm ẩn sự kỳ thị lẫn nhau giữa các nhóm người dân trong xã hội.
Chuyện vaccine không những chỉ khiến chính quyền ở mọi nơi gặp khó khăn và khó xử mà còn làm xáo trộn cả cục diện quan hệ quốc tế. Trung Quốc và Nga đẩy mạnh hình thức “ngoại giao vaccine”. Việc sản xuất và cung ứng vaccine làm nội bộ EU phân hóa sâu sắc. Đan Mạch và Áo đã không còn tuân thủ chiến lược chung của EU về vaccine.
Trên thế giới đang có mốt hình thành những liên minh, liên kết hợp tác đầu tư cho nghiên cứu và bào chế vaccine cũng như đảm bảo cung ứng vaccine cho thời gian dài trong tương lai. Độc quyền vaccine là mục đích hiện được không ít nơi ráo riết theo đuổi. Vaccine được sử dụng không còn để phòng ngừa dịch bệnh thuần túy mà còn đã được sử dụng phục vụ cho những mưu tính lợi ích chính trị khác nữa.
Một trong những ý tưởng giải pháp nhằm khôi phục đi lại tự do cho người dân khi dịch bệnh vẫn tồn tại đang được EU theo đuổi là phát hành cái gọi là hộ chiếu tiêm chủng, tức là xác nhận đã được tiêm chủng phòng ngừa dịch bệnh bằng chứng chỉ hoặc thông qua ứng dụng di động. Tuy nhiên, lo ngại ở đây là tạo sự phân biệt đối xử giữa người được tiêm chủng và người chưa tiêm chủng, là chưa thể tin cậy vào hiệu quả thực tế của tiêm chủng, là sự công nhận hộ chiếu này của nhau... Tức là vẫn còn có rất nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời đủ mức thuyết phục chính quyền và người dân ở đa số mọi nơi trên thế giới.
Vì thế, hiện thật sự khó dự liệu được khi nào thì thế giới thật sự chế ngự được dịch bệnh này.