William James Sidis (1/4/1898 - 17/7/1944) là một thần đồng người Mỹ được biết đến với khả năng toán học và ngôn ngữ đáng kinh ngạc. William được sinh tại New York, là con của những người Do Thái di cư từ Ukraine. Cha là ông Boris Sidis có học vị tiến sĩ, bác sĩ y khoa, di cư sang Hoa Kỳ từ năm 1887 khi mới 20 tuổi. Mẹ là bác sĩ Sarah Mandelbaum Sidis (SN 1874) tốt nghiệp trường Y khoa thuộc Đại học Boston năm 1897. Sarah đã theo gia đình sang Mỹ để tránh khỏi các cuộc tàn sát vào năm 1889 khi 15 tuổi.
Thiên tài “chín ép”
William được đặt theo tên của người cha đỡ đầu, người bạn kiêm đồng nghiệp của ông Boris, triết gia người Mỹ William James. Ông Boris là một nhà tâm thần học đã xuất bản nhiều cuốn sách và bài viết, đi tiên phong trong nghiên cứu về tâm lý học dị thường thuộc tâm bệnh học. Ông cũng là người sử dụng đa ngôn ngữ và cậu bé William cũng bộc lộ khả năng này từ rất sớm. Ông bà Boris có tình yêu mãnh liệt với tri thức và niềm tin vào giáo dục trí tuệ sớm tạo ra thần đồng. Điều này đã được vợ chồng ông Boris áp dụng triệt để cho cậu con trai William.
Vị giáo sư gốc Do Thái sử dụng những thanh gỗ để dạy William chữ cái đầu tiên. Đứa trẻ đã có thể đọc rất nhiều từ vựng thông dụng trước khi hiểu được hết tất cả ở tuổi lên 4. Trước đó, William đã cầm muỗng thành thạo vào thời điểm 8 tháng tuổi, một kỹ thuật mà không phải đứa trẻ dưới 1 tuổi nào cũng có thể làm được. Nhận thấy William sở hữu nhiều phẩm chất để trở thành thiên tài, Sarah quyết định từ chức để chuyên tâm dạy dỗ và rèn luyện con trai toàn thời gian.
Trong lúc bạn bè đồng trang lứa vẫn còn bập bẹ thì William đã tập đánh vần. Cậu bé đọc được báo hàng ngày vào năm 1 tuổi rưỡi. Đồng thời, William không ngừng trau dồi hiểu biết về ngôn ngữ, bao gồm các thứ tiếng Latin, Hy Lạp, Nga, Pháp, Đức và Do Thái. 6 tuổi, William theo học trường học ngữ pháp và đứa trẻ này chỉ tốn nửa năm để được tuyển thẳng lên cấp phổ thông.
William qua đời ở tuổi 46 - cái tuổi tài năng đang độ chín. |
Theo lời chị William, cậu bé từng kiểm tra IQ và kết quả rơi vào khoảng 250-300, trong khi IQ trên 140 đã được nhận định là thiên tài. Thời điểm đó, truyền thông để mắt đến William, mang đến cho cậu bé cơ hội được xuất hiện chễm chệ trên trang bìa tạp chí New York Times. Sự nổi tiếng của William chắc chắn khiến bố mẹ đứa trẻ vô cùng hài lòng và tự hào rằng họ đã tạo ra 1 thần đồng thành công.
Sau khi tốt nghiệp trường cấp 3 năm 9 tuổi, William nối bước bố, nộp đơn xin vào Đại học Harvard. Bài thi đầu vào chắc chắn không thể làm khó William nhưng cậu bé bị nhà trường từ chối với lý do chưa trưởng thành về mặt tâm lý.
Không còn cách nào khác, William học tạm tại Đại học Tufts, tận dụng thời gian để sửa lỗi các sai sót trong toán học và lý thuyết Einsteins, đồng thời mở rộng hiểu biết về các ngôn ngữ khác.
Trong lúc ấy, William đã viết và xuất bản được 4 cuốn sách của riêng mình. Năm 1909, khi được 11 tuổi, William chính thức được nhận trở thành sinh viên trẻ nhất của trường đại học danh tiếng Harvard. Vào buổi tối 10/1/1910, toàn bộ các giáo sư và sinh viên ưu tú của đại học Harvard đã tập trung tại hội trường để lắng nghe bài diễn thuyết của William, nội dung nói về không gian 4 chiều.
Một cựu thần đồng, nhà tiên phong về điều khiển học, Norbert Wiener, sau khi chứng kiến bài thuyết giảng đã phải thốt lên: “Một chiến thắng xứng đáng cho một nỗ lực vô song của một đứa trẻ cực kỳ xuất sắc”.
Địa ngục bắt nguồn từ kỳ vọng
Khi theo học tại Harvard, phóng viên theo chân William khắp nơi khiến cậu gần như như không có thời gian, không gian riêng tư. 5 năm sau, ông tốt nghiệp hạng ưu. Amy Wallace, người viết tiểu sử của William cho biết, trong thời gian học tập tại đây, người được gọi là thần đồng thường xuyên bị cô lập và trêu chọc vì sự thật thà của mình.
William tốt nghiệp loại giỏi ở tuổi 16, tuy nhiên cuộc sống nổi tiếng khiến cậu có một quãng đời không mấy hạnh phúc tại trường. Tại lễ tốt nghiệp, cậu đã nói với phóng viên rằng: “Tôi muốn sống một cuộc sống hoàn hảo. Chỉ có một cách để sống như vậy đó là sống trong sự tách biệt. Tôi ghét đám đông”.
Cũng từ đây, William bắt đầu một triết lý sống cực kỳ khắt khe, cậu từ chối chuyện tình cảm, nghệ thuật, âm nhạc và bất cứ thứ gì khác khiến cậu bị sao lãng trên con đường theo đuổi kiến thức thuần túy. William tiếp tục học lên Cao học Nghệ thuật và Khoa học của Harvard.
William ra đi ở tuổi 46 kết thúc cuộc đời đầy bi thảm của một thiên tài. |
Tuy nhiên, thời gian sau đó một nhóm sinh viên Harvard đe dọa Sidis về mặt thể chất, cha mẹ đã kiếm cho ông một công việc tại Viện nghiên cứu vì sự tiến bộ Văn Khoa và Nghệ thuật William Marsh Rice (nay là Đại học Rice) với vai trò trợ giảng môn toán. William tới Rice vào tháng 9/1915 khi mới 17 tuổi. Lúc này ông là một nghiên cứu sinh sau đại học đang nỗ lực đạt tới học vị tiến sĩ.
Sau hơn 1 năm, thất vọng về khoa chuyên ngành, yêu cầu giảng dạy và những hành xử của các sinh viên lớn tuổi hơn, William đã trở lại New England. William đã từ bỏ việc theo đuổi tấm bằng thạc sĩ toán học và ghi danh vào trường Luật Harvard vào tháng 9/1916, nhưng đã từ bỏ vị trí tốt vào năm cuối, tháng 3/1919.
Việc rời Harvard không đem lại cho William cuộc sống vui vẻ hơn. Ông tiếp tục sa vào những rắc rối vì những kỳ vọng ngày càng lớn từ phía cha mẹ và cộng đồng. Năm 1919, ông bị bắt vì dẫn đầu cuộc biểu tình chống chiến tranh.
Trong tù, ông gặp người phụ nữ duy nhất ông yêu - bà Martha Foley. Lẽ ra, William bị kết án 18 tháng tù. Nhờ sức ảnh hưởng của ông bà Sidis, ông được thả. Thấy con chệch khỏi con đường trở thành thiên tài, cha mẹ ông tăng cường kiểm soát, theo dõi và cấm ông giao lưu với những người lạ. Cha ông có quyết định sai lầm khi đưa ông vào viện điều trị tâm thần hơn một năm.
Chán nản với cuộc sống gò bó do cha mẹ áp đặt, William liên tục chuyển chỗ ở, công việc và đổi tên để tránh sự theo dõi từ truyền thông. Trong thời gian này, ông viết hàng chục cuốn sách dưới nhiều bút danh, bao gồm về lịch sử nước Mỹ và sở thích sưu tầm vé xe. Ngoài ra, William xuất bản sách về vũ trụ học, đưa ra dự đoán về hố đen. Cuốn sách không được giới học giả đánh giá cao.
Cuộc sống tách biệt giúp William cảm thấy tốt hơn. Ông thích cảm giác cô độc và không hề liên lạc với gia đình hay bất cứ ai. Năm 1924, sự bình yên hiếm hoi ấy bị phá vỡ khi báo chí lần ra tung tích thần đồng ngày nào. Họ đưa loạt bài về công việc tầm thường cùng cảnh sống khốn khổ của người có IQ cao nhất thế giới.
Điều này khiến William xấu hổ và trầm cảm, nó đẩy ông lún dần vào cuộc đời tối tăm. Báo chí tiếp tục khai thác đề tài được dư luận quan tâm này.
Năm 1937, tờ New Yorker đăng bài “April Fool”, miêu tả quá trình William rơi từ đỉnh cao danh vọng tới cuộc sống khốn khổ, bị nhục mạ. Sau đó, gia đình Sidis khởi kiện tờ báo. Vụ kiện được giải quyết vào 7 năm sau nhưng những tổn thương nó gây ra cho thần đồng đã không thể vãn hồi.
Tháng 7/1944, William đột quỵ trong căn hộ nhỏ thuê ở Boston. Ông không bao giờ tỉnh lại nữa. William đã qua đời trong cô độc, đau khổ và bất hạnh từ những mong ước thái quá của cha mẹ và truyền thông. Trong ví của người đàn ông sở hữu IQ cao nhất thế giới lúc qua đời chỉ có bức ảnh bà Martha Foley.
(Còn tiếp)