Chuyện hiếm có về Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn

(PLO) -Kẻ sĩ phàm ở đời, bởi lòng tự trọng nên hiếm ai khen kẻ ngang hàng hoặc dưới mình dù họ thực tài bao nhiêu. Thế nên, việc Hùng dùng tướng Nguyễn Công Nhàn được những văn quan, võ tướng cùng đấng tôn quân khen ngợi, quả là việc hiếm lắm, mà cũng cho thấy được cái tố chất nổi bật của ông. 
Lễ giỗ tướng Nguyễn Công Nhàn.

Thời vua Thiệu Trị ở ngôi, Nguyễn Công Nhàn không chỉ lập quân công đến đó thì dừng, sử còn ghi, năm Ất Tỵ (1845), tướng Xiêm Chất Tri lập kế bắt người của ta, nhưng như Bản triều bạn nghịch liệt truyện cho hay: “vua bèn sai bọn Doãn Uẩn, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Công Nhàn chia đường đi tiếp viện và trừ giặc”, làm cho Chất Tri phải thua chạy, Trấn Tây được bình định. Vua Xiêm phải xin giảng hòa và trả người cho ta. 

Tướng được lòng quân

Góp công lớn vào việc bình định Trấn Tây, năm Đinh Mùi (1847), vua Thiệu Trị thăng bổ cho ông làm Lãnh binh Bình Định, tấn phong là Trí Thắng nam, cho được khắc tên vào cổ súng đồng thứ tư là Thần uy phục viễn. Quân công lập được liên tiếp trên chiến trường, trở thành tướng tài, nên sự ân thưởng của vua dành cho ông và những anh kiệt khác thời đó thật trọng hậu.

Đầu thời nhà Nguyễn, nhà nước đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường thủy với hệ thống kênh (kinh) Thoại Hà, kênh Vĩnh Tế, kênh Bảo Định…

Thời gian 1843 – 1844 kênh Vĩnh An dần nên dáng hình, và một trong những người có công lao với việc này, chính là Nguyễn Công Nhàn. Đại Nam thực lục chép về việc này “Một đoạn từ thủ sở Châu Giang ngang qua Tân Châu và An Lạc, giao cho Nguyễn Công Nhàn và Nguyễn Công Trứ trù tính công làm, rồi tâu lên”. Sau vì thời tiết làm dân bị bệnh, việc đào kênh tạm dừng.

Đến tháng 10 năm Quý Mão (1843), việc đào kênh lại tiếp tục. Nhờ việc đào đắp con kênh Vĩnh An nối Tân Châu (sông Tiền) với Châu Đốc (sông Hậu) vừa giúp lưu thông hàng hóa, và giúp tưới tiêu đồng ruộng, lại tăng sự cơ động của thủy binh. Sự dự phần của vị Hùng dũng tướng đối với việc này, thật lớn lao. 

Sang thời vua Tự Đức, Nguyễn Công Nhàn kinh qua các chức Chưởng vệ, Đề đốc, rồi Tuần phủ Hà Tiên, kiêm Bố chính sứ, rồi hộ lý tây đô An Giang, Tổng đốc Định Tường… 

Trong Liệt truyện, khi chép về ông, đã nhận định rằng “Công Nhàn xuất thân từ người tướng hiệu nhỏ, trải qua việc hàng trận, mạnh mà có chí. Về phép hành quân, Nhàn có thể lấy số quân ít đánh số quân nhiều; lại khéo dỗ quân lính, không nỡ khinh, dối, cho nên ai cũng đều vui, làm việc đến đâu là có công”.

Phàm trong việc quân, tướng giỏi không chỉ ở việc điều binh, mà cả ở việc đối nhân xử thế. Biết coi quân như máu thịt của mình, biết vỗ về, yên ủi để vững lòng quân sĩ, từ đó cho họ dốc sức đồng lòng cùng mình, thật khó biết bao mà Nguyễn Công Nhàn lại làm được điều tưởng như rất khó ấy. Chẳng phải ông là tướng tài đấy ư, vừa giỏi võ nghệ, vừa thạo nhân tâm. 

Vua trọng dụng, đồng liêu nể phục

Vua Minh Mạng khi dùng Nguyễn Công Nhàn nhận định, ông là người “siêng năng tài cán, sai phái được việc” lại là người có dũng, có mưu. Việc ban tấm bài vàng “hũng dũng tướng” đã thể hiện sự nhìn nhận rất trân trọng của vua với tài cán Nguyễn Công Nhàn thể hiện trên chiến trường.

Còn vua Thiệu Trị ngợi khen ông là một vị tướng tài, biết lấy ít địch nhiều, là người “trí nghĩa vẹn toàn”. Vị vua thứ ba của nhà Nguyễn, khi nói về tướng tài, đã từng bảo với đại thần Trương Đăng Quế, trong số các tướng lĩnh hiện nay, chỉ có Nguyễn Lương Nhàn và Nguyễn Công Nhàn là xứng mà thôi. 

Nhưng Nguyễn Công Nhàn dù xuất thân từ tay kiếm, đường gươm, mà trí dũng có thừa, cơ mưu hội đủ chứ không đơn thuần là kẻ dùng sức thôi đâu.

Thế nên năm Quý Mão (1843), trả lời vua Thiệu Trị về việc nên đánh hay phủ dụ giặc ở Trấn Tây, Nguyễn Công Nhàn đã có nhận định thực tế rằng đất ấy đánh không khó nhưng giữ khó, nên căn cứ vào thời tiết và địa hình mà đợi đến tháng 7 mùa mưa, đường sá không thông, ta dùng quân thủy mà đánh, địch thế cùng lực tận tất phải hàng, lúc ấy đem nhân nghĩa mà phủ dụ là hơn.

Vua nghe lời bàn của ông, cũng lấy đó làm đúng. Sang đời Tự Đức, vua biết tài ông, nên cũng từng có tham vấn ý kiến: “Vua hỏi về mưu kế làm cho người xa phải phục, biên giới được yên và yếu chốt về ngày thường dùng binh. Nhàn tâu đối đủ cả. Vua khen là thực” (Trích Liệt truyện). Rõ là ở Hùng dũng tướng Nguyễn Công Nhàn, võ đã giỏi  mà kế sách, cơ mưu cũng chẳng kém ai. Tướng vừa có dũng lực, lại vừa có mưu trí, văn võ toàn tài như thế, nên đắc dụng ở đời kể cũng là hợp lẽ. 

 Kênh Vĩnh An

Sự đời, thường thân làm quan, làm tướng với nhau, để tôn vinh người khác hơn mình thật là điều không dễ. Riêng đối với Hùng dũng tướng Nguyễn Công Nhàn, ông lại dành được sự nể vì, trân trọng rất mực của quan viên từng cộng tác, cho thấy sức hút và tính thuyết phục từ thực tài của ông với đồng liêu như thế nào.

Nhận định về tài dùng binh của Nguyễn Công Nhàn, Nguyễn Tri Phương khen ông là “dùng binh phảng phất với tướng đã chết là Đoàn Văn Sách, thực là dũng tướng một thời”. Cũng Liệt truyện cho hay, Tổng thống quân vụ Tôn Thất Cáp từng tâu lên vua Tự Đức rằng ông “vốn có thao lược”.

Thật đâu dễ gì để những người thân cùng mang áo giáp, mình cầm cương ngựa chiến nơi trận tiền ngợi khen tài năng của kẻ làm tướng như mình, có chức vị kém hơn mình. Dân gian ta có câu “Hữu xạ tự nhiên hương” hẳn là đúng ở trường hợp vị Hùng dũng tướng này đây. 

Tỳ vết của vị tướng tài

Tài năng toàn diện là thế, nhưng Hùng dũng tướng cũng có điểm mờ trong đường binh nghiệp, xét ra đó cũng là cái lẽ thường tình của kẻ ăn lộc nước. 

Khi chép về sự nghiệp của Nguyễn Công Nhàn, sử gia nhà Nguyễn trong Liệt truyện cũng như Đại Nam thực lục đều điểm bình rõ cả công và tội của ông. Theo đó, thời vua Thiệu Trị, Nguyễn Công Nhàn vì nhận tiền hối lộ, đã bị Đà Văn Quận đâm đơn kiện, bởi thế mà ông bị giáng bốn cấp. Sau, lại vì hiềm khích với Nguyễn Công Trứ, ông tấu lên vua việc Nguyễn Công Trứ “phái riêng người đi đặt phá mua sừng tê và đậu khấu các hạng” (Trích Liệt truyện).

Hiềm nỗi khi vua sai Tham tri Trần Ngọc Dao điều tra, thì việc đó không có thật, vậy là vị tướng mưu trí, anh dũng nơi trận tiền bao nhiêu, lại bị tội vu cáo, phải phạt trượng và lưu đày. May nhờ công trạng, chính tích nhiều nên vua gia ân cho ông chỉ bị cách chức, vẫn phục vụ trong quân. 

Bấy lâu nay, đời binh nghiệp của Nguyễn Công Nhàn bị án oan bởi tội làm mất thành Mỹ Tho về tay giặc Pháp. Sự kiện ấy, diễn ra đầu tháng 2 năm Tân Dậu (1861). Đó là khi quân Pháp tấn công Định Tường bằng đường thủy. Với lợi thế vũ khí tàu máy hơi nước và “thuyền sam bản của Tây dương”, quân Pháp giành ưu thế lớn.

Lúc ấy, Nguyễn Công Nhàn vừa đến nhậm chức Tổng đốc Định Tường đem quân kháng cự nhưng không thất trận, thành Mỹ Tho bị mất. Ông bị Tuần phủ Nguyễn Hữu Thành tâu lên vua tội bỏ thành mà chạy, nên bị lột hết quan tước chờ nghị tội. 

Nhưng nhân gian nơi vùng đất này kể lại, dù mang án oan làm mất thành, vị Hùng dũng tướng vẫn chiêu tập nghĩa binh, lập Tổng hành dinh chống Pháp tại vùng Long Hưng (Nước Xoáy) thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp (chính là nơi có ngôi mộ của ông hiện nay). Dân nơi đây này vẫn còn truyền nhau câu ca để tưởng nhớ vị tướng tài:

Vái trời, vái Phật, vái Tổ, vái Tiên,

Vái ông Hùng dũng giặc yên ông về.

Ông về ông đặng làm quan,

Dân đặng thanh nhàn, ông đặng bình yên. 

Nơi đất Nam Bộ nay vẫn có nhiều nơi thờ phụng vị Hùng dũng tướng như đình Tân Phước ở Lai Vung, đình Mỹ Tú ở Sóc Trăng, đền thờ Hùng dõng (dũng) tướng quân ở Cao Lãnh. Dân yêu dân thờ, đó là minh chứng hùng hồn cho sự “tín nhiệm” của lòng dân. Theo con cháu của Hùng dũng tướng, ngày mất của ông nhằm ngày 16 tháng 3 âm lịch. 

Dù trong đời làm tướng, Hùng dũng tướng Nguyễn Công Nhàn cũng từng có những tì vết, nhưng xét trên bình diện chung, thì công lao cùng tài năng của ông đóng góp cho triều Nguyễn là không thể phủ nhận được.

Và đâu phải ngẫu nhiên trong hàng ngàn tướng lĩnh buổi ấy, tên tuổi của ông, được chép vào sử sách nhà Nguyễn với thái độ trang trọng như vậy. Tấm bài vàng “Hùng dũng tướng” ông đeo bên mình, mãi là minh chứng cho sự ghi nhận của triều Nguyễn đối với vị tướng tài năng, dũng lược này…/.

Đọc thêm