Chuyện ít biết về anh hùng chống Bắc thuộc (Kỳ 3): Chí lớn hai anh em họ Lý

(PLO) -Trong những cuộc khởi nghĩa vào khoảng thời gian trên, công cuộc tự trị của anh em Lý Trường Nhân – Lý Thúc Hiến là một điểm sáng tiêu biểu, rất đáng được đời sau trân trọng tưởng nhớ và tôn vinh. 
 

 

Lý Trường Nhân dựng nền tự chủ (Hình minh hoạ)
Lý Trường Nhân dựng nền tự chủ (Hình minh hoạ)

Cuối thời nhà Hán, Trung Quốc đại loạn, quần hùng nổi lên đánh giết lẫn nhau, gây thành cục diện Tam Quốc. Nhà Tấn thống nhất đất nước nhưng không duy trì được lâu. Cục diện phân tranh Nam – Bắc triều xuất hiện, kéo dài từ năm 420 đến năm 589 với ba trên bốn triều đại của Nam triều (Tống, Tề, Lương, Trần) trực tiếp cai trị nước ta.

Chính quyền đô hộ ở nước ta theo đó cũng liên tiếp đổi chủ cùng sự đổi thay triều đại ở phương Bắc. Sự không ổn định của chính quyền đô hộ đã tạo thuận lợi để nhân dân ta vùng lên giành lại nước nhà.

Trong những cuộc khởi nghĩa vào khoảng thời gian trên, công cuộc tự trị của anh em Lý Trường Nhân – Lý Thúc Hiến là một điểm sáng tiêu biểu, rất đáng được đời sau trân trọng tưởng nhớ và tôn vinh. 

Hùng chí chống Bắc phương

Đầu năm 468, Thứ Sử Giao Châu là Chu Mục chết vì bệnh. Chớp lấy thời cơ, người trong châu là Lý Trường Nhân đã phát động nhân dân nổi dậy, gấp rút đánh chiếm thành Giao Châu. Chiếm được châu trị, Lý Trường Nhân sai bắt giết hết bọn quan lại nhà Tống rồi xưng là Thứ sử, tự làm chủ mọi việc. Một guồng máy chính quyền riêng, do Lý Trường Nhân thiết lập đã nhanh chóng hình thành, trên thực tế là sự chối bỏ mạnh mẽ quyền cai trị của nhà Tống trên đất Giao Châu.

Lý Trường Nhân được sử sách Trung Hoa đương thời ghi nhận là một “thổ nhân”, một “Giao Châu nhân”. Như vậy, ông không phải là một quan chức trong chính quyền đô hộ, có lẽ ông là một hào trưởng thuộc tầng lớp thủ lĩnh bản địa có uy tín và nhiều thế lực lúc bấy giờ. Khi Chu Mục chết, dựa vào lực lượng sẵn có cùng với sự ủng hộ của nhân dân, ông đã nhanh chóng chiếm lấy châu trị và tổ chức một chính quyền độc lập do ông đứng đầu.

Triều đình nhà Tống hay tin rất tức tối, liền phái ngay viên quan đang giữ chức Nam Khang Tướng là Lưu Bột cầm quân kéo sang Giao Châu. Đồng thời, Hoàng đế nhà Tống phong luôn Lưu Bột làm Giao Châu Thứ sử, với ý định rất rõ ràng là sau khi tiêu diệt Lý Trường Nhân, sẽ để Lưu Mục ở lại nhằm ổn định tình hình.

Lưu Bột đem quân đến. Lý Trường Nhân đem lực lượng ra chống trả quyết liệt, khiến Lưu Bột không sao có thể giành lại thành Giao Châu. Rốt cuộc, vì lo buồn và mệt mỏi, Lưu Bột lâm bệnh mà chết. Chính quyền tự chủ của Lý Trường Nhân nhờ đó vẫn được vững vàng.

Dù giành phần thắng nhưng Lý Trường Nhân vẫn tỉnh táo nhận ra rằng, chính quyền do ông mới thiết lập chưa bao lâu, lực lượng của ông vẫn còn mỏng, trong cõi mọi thứ còn ngổn ngang và cần phải có thời gian để sắp đặt. Việc đẩy lui đội quân của Lưu Bột chứng tỏ ông và các tướng sĩ dưới quyền không hề khiếp sợ quân Tống, nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu, không ai có thể đảm bảo lực lượng của ông có thể đương đầu dài lâu với quân Tống – vốn rất đông đảo và hiếu chiến – một khi chúng kéo sang.

Bởi vậy, để có thời gian xây dựng lực lượng và củng cố nền tự trị, Lý Trường Nhân sau khi khiến Lưu Bột uất ức mà chết, đã cử sứ giả sang nhà Tống, hạ mình từ bỏ chức Thứ sử, nhún nhường xin Hoàng đế Tống cho giữ chức Hành Giao Châu sự (nghĩa là tạm thời giữ quyền lo liệu mọi việc ở Giao Châu). Triều đình nhà Tống nghe tin thì thở phào nhẹ nhõm, kể như đã trút được mối lo trong lòng, liền ngay lập tức chấp thuận đề nghị của Lý Trường Nhân.

Trên danh nghĩa là Hành Giao Châu sự của nhà Tống, nhưng thực chất Lý Trường Nhân là người làm chủ Giao Châu, toàn quyền quyết định mọi việc. Chính quyền do ông đứng đầu được giữ vững trong những năm sau đó. 

Chí nguyện được tiếp nối

Sau khi nắm quyền tự chủ ở Giao Châu được vài năm, Lý Trường Nhân qua đời. Các thư tịch cổ không cho hay ông mất năm nào và khi mất được hưởng thọ bao nhiêu tuổi. Ông là người có công đầu tạo lập và bước đầu củng cố nền tự trị của người Việt trong nửa sau thế kỉ V. Lý Trường Nhân không còn nhưng sự nghiệp của ông vẫn được tiếp nối. Em họ của ông là Lý Thúc Hiến, vốn được Lý Trường Nhân cắt cử làm Thái thú Vũ Bình, được mọi người suy tôn, đã thay anh làm chủ miền đất nước ta.

Lý Thúc Hiến thay anh nắm quyền (Hình minh hoạ)
 Lý Thúc Hiến thay anh nắm quyền (Hình minh hoạ)

Kế thừa ý chí tự chủ và chiến lược khôn khéo của anh, Lý Thúc Hiến một lần nữa sai sứ giả sang triều đình nhà Tống, xin Hoàng đế Tống phong cho mình làm Thứ sử Giao Châu, bề ngoài là xin thần phục nhưng chính là đặt nhà Tống trước sự đã rồi. Cho rằng Lý Thúc Hiến mới thay thế Lý Trường Nhân, chưa đủ uy vọng và sức mạnh khiến muôn dân quy phục, triều đình nhà Tống thấy đây là cơ hội để thu hồi Giao Châu nên đã kiên quyết chối bỏ yêu cầu của Lý Thúc Hiến. Nhà Tống chỉ cho Lý Thúc Hiến làm Ninh Viễn Quân Tư Mã, đồng thời làm Thái thú hai quận Tân Xương và Vũ Bình; còn chức Thứ sử, Hoàng đế Tống phong cho Thái thú Nam Hải là Thẩm Hoán và lệnh cho Thẩm Hoán gấp sang Giao Châu.

Toan tính của nhà Tống không qua mắt được Lý Thúc Hiến. Bản thân việc cầu phong của Lý Hiến chỉ là sách lược ngoại giao, là hành động giả vờ quy phục mà thôi. Vì vậy, làm Thứ sử hay làm chức gì đi chăng nữa, đối với Lý Thúc Hiến điều ấy không quan trọng vì ông đã thực sự làm chủ một phương. Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cho hay, sau khi nhận được chức tước của nhà Tống, Lý Thúc Hiến được “dân chúng vui lòng phục tùng” và ông “liền đó đem quân giữ nơi hiểm yếu, không nhận Thẩm Hoán sang nhậm chức; Thẩm Hoán phải lưu lại Uất Lâm rồi chết ở đấy”.

Giữa lúc còn chưa biết đối phó Lý Thúc Hiến ra sao thì năm 479, nhà Tống đổ, nhà Tề được dựng lên. Vừa mới chân ướt chân ráo bước lên ngai vàng, Tề Cao Đế không có nhiều thì giờ để khu xử Giao Châu nên vào tháng 7 năm ấy, ông ta chính thức phong Lý Thúc Hiến làm Thứ sử Giao Châu “để vỗ về đất miền Nam cho được yên ổn” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục). 

Việc ngoại giao kể như đã xong, Lý Thúc Hiến tiếp tục giữ quyền tự trị như cũ. Tất nhiên, ông không chấp thuận yêu cầu định kì cống nạp của nhà Tề, nên mới có chuyện như sử sách xác nhận: “Bấy giờ Thúc Hiến đã phụng mạng nhà Tề làm Thứ sử, nhưng không cống hiến gì cả” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục). 

Nền tự chủ mong manh

Năm 485, sau khi đã khống chế được tình hình trong nước, nhà Tề mới quyết liệt ra tay với Lý Thúc Hiến. Tháng giêng năm đó, Hoàng đế nhà Tề cử viên quan đang giữ chức Đại Tư Nông là Lưu Khải làm Thứ sử Giao Châu, xuất lĩnh binh mã ba quận Nam Khang, Lư Lăng và Thuỷ Hưng, rầm rộ kéo sang chiếm lại Giao Châu. 

Lý Thúc Hiến hay tin, liệu sức khó lòng chống nổi, liền sai sứ sang dâng nạp rất nhiều mũ đâu mâu bằng bạc, đủ dùng cho hai mươi đội cùng một số lượng lớn lông công để xin nhà Tề bãi binh nhưng triều đình nhà Tề không bằng lòng. 

Đáng tiếc Lý Thúc Hiến có chí giữ nền tự trị một phương nhưng không đủ bản lĩnh và quyết tâm để chống chọi đến cùng với bạo lực đàn áp của quân thù. Có lực lượng không phải là quá yếu ớt nếu so với thời của Lý Trường Nhân, lại chưa bị sứt mẻ chút nào, nhưng Lý Thúc Hiến không dám quyết chiến với Lưu Khải. Thế rồi chỉ vì lo bảo toàn cho riêng thân, Lý Thúc Hiến đã bỏ lại tất cả cơ đồ gầy dựng ở Giao Châu, theo đường tắt từ Tương Châu (nay thuộc Hồ Nam, Trung Quốc) sang tận triều đình nhà Tề xin đầu hàng, kết cục về sau ra sao, không sử sách nào chép lại. 

Hành động của Lý Thúc Hiến khiến lòng người Giao Châu rúng động, binh sĩ không còn thiết tha chiến đấu. Bởi vậy, khi Lưu Khải dẫn quân đến thì như vào chỗ không người. Lưu Khải ra công lập lại nền thống trị, chính thức trở thành Giao Châu Thứ sử như trông đợi của nhà Tề.

Nền tự trị của anh em họ Lý sau 17 năm tồn tại, đến đây bị sụp đổ hoàn toàn. Đất nước ta lại chìm đắm dưới ách đô hộ của nhà Tề. Hậu thế có quyền trách Lý Thúc Hiến, rằng hành động nông nổi chỉ vì lợi ích nhỏ nhen của ông đã phá tan tất cả, khiến nền tự chủ của họ Lý ở Giao Châu bỗng chốc tiêu tan. Nhưng công bằng mà xét, với thời ấy và thế ấy, khi các điều kiện để dân tộc giành thắng lợi hoàn toàn trước kẻ thù chưa thật sự chín muồi, thì sự thất bại của Lý Thúc Hiến, dù sớm hay muộn cũng khó tránh khỏi. Có chăng đáng trách ở chỗ ông đã không đủ dũng khí để chống giặc đến cùng. 

Mặc dù vậy, sự nghiệp của anh em ông, đặc biệt là tấm gương hiên ngang dựng nền tự chủ của Lý Trường Nhân thì vẫn ngời ngời trong sử sách. Lý Trường Nhân – Lý Thúc Hiến thực sự là đại biểu cho tinh thần chống đô hộ, biệt lập với phương Bắc và khẳng định quyền làm chủ đất nước của dân nước Việt trong nửa sau thế kỉ thứ V. 65 năm sau, tinh thần đó sẽ được Lý Bí và các danh tướng Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu Quang Phục,… kế tục và hoàn thành trọn vẹn với sự khai sinh quốc gia Vạn Xuân đầy kiêu hãnh…/.

Đọc thêm